Viêm mũi dị ứng hoàn toàn phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người, có khi cùng một tác nhân kích thích, có người bị viêm mũi nhưng có người hoàn toàn không bị, mức độ nặng nhẹ cũng khác nhau. Viêm mũi dị ứng tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng nhưng lại gây ra rất nhiều phiền toái, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bệnh viêm mũi dị ứng được chia thành các loại sau: viêm mũi dị ứng theo mùa, viêm mũi dị ứng do thời tiết, viêm mũi dị ứng quanh năm, viêm mũi dị ứng nghề nghiệp.
- Viêm mũi dị ứng theo mùa: thường vào mùa xuân, mùa hè hoặc cả vào mùa thu (tùy theo vùng) do phấn hoa và các bào tử trong gió, có thể xuất phát từ: cỏ, cây, nấm mốc, lá cây khô...
- Viêm mũi dị ứng do thời tiết: xảy ra khi thời tiết thay đổi đột ngột, khi chuyển mùa, mưa bão, gió mùa đông bắc.
- Viêm mũi dị ứng quanh năm: xảy ra quanh năm, gây ra bởi những tác nhân trong nhà như bụi nhà, lông vũ, phấn hoa, nấm mốc, côn trùng, khói thuốc lá, thuốc lào, các loại hóa chất, các loại mỹ phẩm, các loại sơn, vôi, ve…
- Viêm mũi do nghề nghiệp: gây ra do công việc phải thường xuyên tiếp xúc khói bụi ô nhiễm hay các hóa chất có thể gây dị ứng.
Ngoài ra, viêm mũi dị ứng cũng phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người. Khi sức khỏe suy giảm, nhiễm trùng đường hô hấp trên, chức năng gan yếu, lệch vách ngăn, polype mũi… cũng dễ bị viêm mũi dị ứng. Hiếm hơn là do dị ứng với thức ăn như tôm, cua.
Ngứa mũi, hắt hơi là triệu chứng điển hình của viêm mũi dị ứng. Những cơn hắt hơi mang tính đột ngột, nhiều lần, hắt hơi liên tục, kéo dài nhiều phút và thường xuyên tái phát. Với người viêm mũi dị ứng thời tiết sẽ hắt hơi nhiều khi gặp lạnh, có thể vào buổi sáng hoặc khi thời tiết thay đổi. Chảy nước mũi thường đi kèm với hắt hơi hoặc sau hắt hơi; xuất hiện ở cả 2 bên mũi, dịch màu trong suốt, không có mùi.
Đồng thời, do chảy nhiều nước mũi và sự phù nề của niêm mạc làm cho ngạt mũi, có khi ngạt từng bên, có khi ngạt cả hai bên mũi khiến người bệnh phải thở bằng miệng. Điều này dẫn đến người bệnh có cảm giác đau nhức đầu, mệt mỏi, uể oải, giảm khả năng lao động chân tay, trí não.
Một số trường hợp đau ở vùng mũi, vùng xoang mặt và kèm theo cả rối loạn vận mạch vùng mặt. Viêm mũi dị ứng nếu kéo dài và liên tục có thể dẫn đến viêm họng - viêm thanh quản, viêm tai giữa, viêm xoang cấp tính hoặc mạn tính, hen suyễn, polyp mũi - xoang...
Viêm mũi dị ứng là bệnh khó điều trị khỏi hoàn toàn. Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng và nâng cao sức đề kháng là cách tốt nhất phòng bệnh viêm mũi dị ứng.
Phấn hoa, bụi nhà, nấm mốc, lông vật nuôi... là những tác nhân gây dị ứng cần được tránh xa và loại trừ ra khỏi môi trường sống. Loại trừ bằng cách giữ nhà cửa luôn thoáng mát, sạch sẽ; giặt giũ ga trải giường, chăn, gối… thường xuyên; hạn chế tối đa việc nuôi súc vật trong nhà.
Khi buộc phải tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng nên đeo khẩu trang hoặc các phương tiện bảo hộ lao động. Cần nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ và tăng cường hệ miễn dịch (ăn nhiều rau quả, bổ sung vitamin khi cần thiết, uống nhiều nước…) để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Vệ sinh răng miệng hằng ngày, đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Vệ sinh mũi thường xuyên bằng nước ấm hoặc nước muối sinh lý; tránh hít phải luồng không khí lạnh, khô một cách đột ngột hoặc để mũi tiếp xúc với luồng gió máy lạnh, điều hòa vì có thể làm tổn thương, làm khô niêm mạc mũi xoang. Giữ ấm cơ thể khi nhiệt độ thay đổi hoặc khi chuyển mùa, nhất là về sáng hoặc mùa lạnh…
Trong trường hợp không thể kiểm soát được các tác nhân gây dị ứng, tùy thuộc vào mức độ nặng, nhẹ của bệnh mà thầy thuốc kê đơn và liều lượng cho phù hợp nhằm kiểm soát tốt các triệu chứng của viêm mũi dị ứng.
Trường hợp thất bại trong việc kiểm soát môi trường và điều trị bằng thuốc, không dung nạp thuốc hoặc nhiều cơ quan cùng bị tác động của phản ứng dị ứng, thầy thuốc sẽ chỉ định điều trị bằng giải mẫn cảm đặc hiệu cho bệnh nhân.
Đây là phương pháp duy nhất điều trị tận gốc căn nguyên gây dị ứng nhưng cần tìm được nguyên nhân gây dị ứng. Giải mẫn cảm đặc hiệu tức là đưa nguyên nhân gây dị ứng vào cơ thể với liều nhỏ và tăng dần để tạo kháng thể bao vây thay đổi cách đáp ứng của cơ thể với yếu tố dị nguyên với liều dị nguyên tăng dần, cách quãng. Chỉ định điều trị phẫu thuật trong trường hợp viêm mũi dị ứng có polyp, thoái hóa cuống mũi, lệch vách ngăn, gai vách ngăn.
Bình luận hay