TTCT - Lê tấm thân được đến nóc Con Bin, tấp vào quán của thầy giáo Đông chênh vênh vách núi, chúng tôi đã thở ra đằng tai, chân cẳng “trên bảo dưới không nghe”. Nắng như lột da mặt. Ba thanh niên người Xê Đăng tuổi chưa đến 20 bước vào. “Rượu”. Như đã quen, họ cất tiếng gọi. Phóng to Nóc Măng Lùng, thôn 2 Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam “Bao nhiêu?” - thầy Đông hất hàm hỏi. “Hai bịch”. Rượu đựng trong bịch nilông, mỗi bịch 1 lít. Tôi mới vừa châm thuốc, xin miếng nước quay ra thì thấy cậu mặc áo thun xanh lên tiếng: “Một bịch nữa”. Hai cái bịch xẹp lép dưới đất. Không có ly, các cậu này đánh nhanh rút gọn bằng cách cắn đít bao và hút. Vỏ bịch thứ ba bay ra ngoài cửa quán. Tôi nhìn họ. Da dẻ đen nhẻm, có say hay không cũng chẳng rõ, chỉ có đôi mắt trông như thường. Cũng là phường rượu chè nhưng uống kiểu này tôi thua. “Mấy đứa ni cũng về thôn 2 Trà Linh đấy”. Thầy Đông lên tiếng. “Tụi bay đi đâu về?”. “Xuống xã tìm cây dựng trại chuẩn bị ngày 26-3, thầy à”. “Uống kiểu này về nhà sao nổi?”. Họ nhìn tôi, cười hềnh hệch: “Có chi đâu chú”. Thọ, phóng viên Đài Nam Trà My, đề nghị: “Tụi em mang giùm xách bọn anh với, mệt quá, lý ò, lý ò (tiếng Xê Đăng, nghĩa là quá mệt)”. Họ cười, đón hai cái xách đi thoăn thoắt. Tôi cố bám đuôi, thở hồng hộc. Nốc rượu như uống nước lã Nhá nhem tối, chúng tôi mới đến nóc Măng Lùng nằm lưng chừng ngọn Ngọc Linh. Mây là đà cộng với sương phủ kín mấy chục nóc nhà tôn. Tôi hỏi đường đến nhà cô giáo Cơ, một cụ già mắt đỏ ngầu vì rượu, thân thiện nắm tay: “Cán bộ à? Đấy, chỗ đông người bên kia đồi”. Nhà nhưng cũng là quán tạp hóa. Hai miếng ván nhỏ đóng thành cái bàn cỡ bàn học trò, long đinh. Gần mười thanh niên đang ngồi chen nhau. Vây quanh họ là mấy ông già. Trên bàn là hai cái ca nhựa loại 3 lít. Tiếng anh Hồng, chủ quán, nhắc một người: “Này Hà, ca thứ sáu rồi nghe, nhớ tí nữa ghi sổ, say rồi cãi lộn không được đâu”. Người thanh niên không trả lời, ngửa cổ tợp một ngụm lớn. Họ nói cười bằng tiếng Xê Đăng. Không có ly, uống bằng ca. Mấy ông già sấn vào: “Tối rồi, về thôi”. “Không, còn rượu mà bố, uống đi chứ, bố chưa uống mà”. Ông già cười hì hì, đón cái ca. Quán thêm người bởi có mấy phụ nữ ghé đến. Họ đi mua cá khô. Người thanh niên tên Hà nắm tay cô gái trạc 18 tuổi, nói một tràng. Cô gái đón ly nhựa từ tay anh Hồng rót đầy ly làm hai ngụm sạch bách. Họ lần lượt ra về. Một cậu chừng 15 tuổi, say bổ ngửa xuống đất. Anh Hồng cười: “Thằng ni say hoài, kệ hắn, tí hắn về”. Từ dưới đất, đặt được đít lên ghế, tôi áng chừng cậu ta mất 15 phút, bỗng cậu ta lên tiếng: “Anh Hồng, cho ly trà”. “Mi mà dám sai tau rót trà à? Thôi dẹp. Bữa nào cũng say”. Cố trấn tĩnh, cậu nhìn tôi giọng lè nhè: “Em có gì sai, anh bỏ qua, say quá, hôm nay say quá”. “Có hôm nào không say”. Cô giáo Cơ bật cười. Phóng to Một ngày anh Hồng bán hết 150 lít rượu “Thiên hạ đệ nhất tửu”? Vợ chồng cô giáo mời cơm chúng tôi. Lại một thanh niên nữa bước vào, cầm theo cái can không 8 lít. “Bao nhiêu đây?”. “Rót đầy”. Anh Hồng nghiêng cái thùng nhựa loại 45 lít. Cô giáo Cơ nhỏ nhẹ: “Ở đây họ uống ghê lắm anh à. Trời lạnh quanh năm nên ai cũng uống. Không biết sức anh ra răng chứ em đoán có khi anh uống không lại mấy bà ở đây đâu. Đàn bà không uống ở quán mà mua về nhà. Anh có tin không, ai đời con nít mới được mấy tháng mà mấy bả lấy ngón tay chấm rượu nhỏ vào miệng nó”. Tôi lè lưỡi. Cô Cơ vừa dứt lời, một chị bước vào. Lại một bịch nilông rượu nữa ra đi. Anh Hồng giọng thong thả như chuyện thường: “Đó anh coi, ngày ni em nấu hai thùng 90 lít, gần hết rồi. Có bữa nấu ba thùng 150 lít, từ nửa chiều đến tối là hết. Ngày nào cũng rứa. Nóc này chừng 30 hộ dân. Họ uống rất bợm. Đó là rượu mua, còn rượu cần của họ thì chưa kể. Họ uống quanh năm”. Ngọc Linh trời luôn lạnh dưới 20 độ, có gì ngoài rượu để sưởi ấm! Tôi nhẩm thử, một nhà chừng hai đàn ông, hai đàn bà, 150 lít một ngày, trung bình một người tu gần 4 lít rượu/ngày. Uống kiểu này cỡ tôi say cũng hết một tuần, vợ chửi bầm mặt, cơ quan đuổi việc là chắc. “Họ uống quen rồi anh à - cô Cơ cười - Rứa mà chẳng thấy ai say nằm dọc đường mới hay chứ”. “Tiền đâu mà uống dữ?”. “Trên này có sâm, họ nhiều tiền, cứ uống, cứ mua, ghi nợ, tới mùa đào sâm là trả”. Quy sâm ra rượu, mà đây là sâm Ngọc Linh, đúng là chỉ có dân Trà Linh trên đỉnh Ngọc Linh này chơi kiểu đó thôi, uống ít nhiều chưa biết nhưng chơi kiểu này dứt khoát được phong “thiên hạ đệ nhất tửu”. Phóng to Nam nữ, trẻ con, người lớn đều uống Rượu là niềm vui “Đồng bào trước đây chỉ uống rượu cần, làm rượu cần uống quanh năm vào những dịp lễ mừng năm mới, lúa mới, hội làng chứ làm gì biết đến rượu gạo. Rượu gạo là sản phẩm mới mà người Kinh mang lên Trà Linh. Uống kiểu đó thì chỉ tốn tiền, mang bệnh”. Đúng như lời vợ chồng cô Cơ nói, tôi sang nhà Nguyễn Văn Lượng gần đó chơi gặp mấy chục người đang vây quanh ché rượu cần. Hôm nay cúng mừng bữa trỉa lúa đầu mùa nên họ uống. Rượu rót ra chén. Khách chủ, đàn ông đàn bà đều trăm phần trăm. Thứ rượu đắng, cao cháy lưỡi, nấu bằng sắn. Hết chén, chuyển sang vít cần. Một ngày đi bộ vượt dốc mệt rã rời, tôi chỉ trông quăng cái lưng xuống ngủ. “Đâu có được, hôm nay cúng phải uống, đó là tục lệ đồng bào” - giọng Lượng như ra lệnh. Tôi hiểu luật của đồng bào rồi, không uống họ không thèm nói chuyện với mình. Đẩy đưa đã hai chén, đầu óc bắt đầu lơ mơ, nhưng tôi cố ráng. Tưởng có thể vận dụng “phép lợi thế” hút đại một hơi ít nhiều rồi chuồn, ai ngờ anh rể Lượng là anh Hà cầm chén đưa tôi buộc “phải uống hết một chén này”. Tôi nghiến răng làm tròn trách nhiệm. Bỗng một người đàn ông gần đó chỉ tay về nhóm phụ nữ ngồi trong góc xổ một tràng. Thế là lần lượt từng người một tiến lên hũ rượu và hút. Họ lại xì xào. Một thằng bé lay tay một cô gái đang ngủ. Cô làu bàu đứng lên, vén mái tóc xổ tung, cầm cần rượu và hút. Tôi ngó đồng hồ thì cô ta hút chừng năm phút, cũng cỡ một chai 65ml. Lãnh đạo huyện Nam Trà My nói với tôi: “Trên này bây giờ đời sống khá rồi, có sâm bán, ai cũng có tivi”. Tôi ngỡ ngàng, khác xa ba năm trước đã đến đây. Điện thủy luân quá dễ dàng nên nhà nào cũng thắp điện, có tivi, đầu đĩa. Nơi xa xăm thế này mà ban đêm điện sáng rừng. Nhiều nhà làm ăn khá, gùi cả gạch hoa lên núi lót nhà. Sát bên nhà Nguyễn Văn Lượng, một cuộc nhậu đã đến lúc cao trào, mấy thanh niên hò hét theo tiếng nhạc. Hết nhạc lại uống. Một thứ văn minh tưởng chừng đã mở nhưng thật ra là khép. Ngoài đi rẫy, xem tivi, hát hò theo nhạc, họ còn có gì khác? Hết. Dưới xuôi xa xôi. Những thú vui nhàm chán, quay vòng, đời sống tinh thần đơn điệu, khi một bên là tiền có thể có bất kỳ lúc nào, thì để giải quyết những khoảng trống, họ tìm đến rượu coi như đó là lẽ đương nhiên. Uống như ăn cơm, đi rẫy, hít thở. Cảm giác buồn bã chạy dọc sống lưng, xâm chiếm tôi như vừa uống một ly rượu mạnh. Mãi thế này ư, truyền đời nhiều thế hệ những cơn say ư? Tôi về nhà cô giáo Cơ đã hơn 22g. Vừa đặt lưng xuống lại nghe tiếng đập cửa. Giọng một người đàn ông la lớn: “Cô giáo ơi, còn rượu không?”. Anh Hồng gằn giọng: “Hết rồi”...
Vụ mỹ phẩm thu hồi ‘không có dấu hiệu hình sự’: Sở Y tế Đồng Nai xin điều chỉnh câu chữ HÀ MI 23/05/2025 Sở Y tế Đồng Nai xin điều chỉnh nội dung văn bản có từ ‘không có dấu hiệu hình sự’ thành ‘chưa phát hiện sai phạm phải chuyển cơ quan điều tra’.
Lần đầu tiên chủ tịch tỉnh Lâm Đồng đối thoại với người dân tại 'điểm nóng' Ta Hoét M.V 23/05/2025 Ông Trần Hồng Thái, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã vào "điểm nóng" để xử lý những tồn đọng tại dự án trọng điểm hồ thủy lợi Ta Hoét.
Vụ đường dây đa cấp Bitney 107.000 người Việt tham gia: Động thái lạ đồng loạt giảm vốn BÌNH KHÁNH 23/05/2025 Các doanh nghiệp đứng sau đường dây đa cấp với hơn 107.000 người Việt tham gia vừa bị “đánh sập” bất ngờ giảm vốn từ hàng chục tỉ đồng xuống chỉ còn vài trăm triệu.
Ông Trump dọa áp thuế 50% lên EU, 25% với iPhone không sản xuất ở Mỹ THANH HIỀN 23/05/2025 Thị trường ngay lập tức chao đảo sau khi ông Trump dọa áp thuế 50% lên hàng hóa đến từ Liên minh châu Âu (EU), và 25% với iPhone bán ra ở Mỹ nhưng không sản xuất nội địa.