19/02/2017 09:45 GMT+7

Truyện ngắn 1.200 chữ: Đi trên tường

NGUYỄN THỊ KIM HÒA
NGUYỄN THỊ KIM HÒA

TTO - Đêm qua, Hai mơ thấy em trai mình đi trên tường.

Đầu tiên, hệt một con thằn lằn, hai tay hai chân em dính lấy mặt tường. Bức tường bếp tróc lở, chỗ chòi cả gạch đỏ, chỗ bị khói lẫn những nét than đen quệt cho mấy đường nham nhở.

Bức tường tuổi thơ Hai. Dạo nhà còn chưa chia hai nửa bằng cái đường luồn.

Đường luồn em trai lót đá trắng, không cần bước, chỉ nhìn Hai đã gớm té.

Đường luồn giờ đến đem bể lò ra ngồi quạt lửa mẹ cũng không thèm.

“Ra quạt chi! Mắc công khói độc bay vô nhà người ta. Mắc công người ta than hít bịnh. Bịnh chết gì để bên này lãnh được rồi! Nghe!”.

Hai đứa nhỏ con nhà bác sĩ bên kia đang ngó nghiêng kiếm Hai, nghe tiếng mẹ, len lén bấm nhau về lại bên kia đường luồn.

Mẹ quạt khói mù bếp. Cây quạt tròn đỏ, giấy dán in hình tháp Tokyo tróc ngay khúc đỉnh, không đưa ngang mà cứ liên hồi đập xuống.

Phành phạch. Ngồi bên mẹ, Hai nơm nớp lo tháp Tokyo bay vèo vào bể lò, bốc khói.

Dù sao cũng quà tặng của nhà bên kia đường luồn. Bữa vợ chồng con cái kéo vali du lịch Nhật phăm phăm chạy trên mặt đá trắng, bà bác sĩ có nhân tiện thò tay qua.

“Cho Hai! Quà chính hiệu bên bển đó nha. Hiếm lắm à!”.

Cái quạt sau đó Hai cầm chơi không được. Vì tay còn mắc cầm vá khuấy bột đổ bánh căn, cầm chày đâm mắm. Hai dùng quạt muỗi cũng không xong. Quạt khua cứ khua, tay chân Hai cứ tiếp tục ngứa đỏ xức dầu.

“Bổn phận mình nhiêu đó làm cũng không xong. Cho đi quạt lửa!”.

Mẹ (vẫn như mọi khi) dứt khoát, quyết liệt hơn Hai. Bứt khỏi lùng bùng một đám cả nể, ơn nghĩa, tình cảm giỏi hơn Hai.

Xách thẳng cái quạt xuống bếp, mẹ ngồi đập khói. Khói qua ô gió trên mái bếp rời rạc, vụn nát mà vẫn nặng. Đôi lúc, Hai như nghe được cả tiếng rơi của những mẩu xám trắng xuống bờ tường.

Em trai Hai có nghe thấy không, tiếng của cơn mưa khói?

Trong giấc mơ Hai thì chắc em có nghe, nên đang trong tư thế con thằn lằn ôm sát rạt bờ tường, em đột ngột nâng phắt thân mình dậy, chỉ còn hai chân lỏng lẻo đậu trên mặt bức tường tróc lở. Và cứ thế em đi.

Hai nhìn thấy rõ ràng hai vành tai em nhúc nhích, động đậy. Lúc em đang vẽ trên vách thấy con gián, lúc mẹ bắt hai chị em đứng trước vách tường đen kịt nét than tay nhịp nhịp cái roi, hay lúc em kể lần đầu gác nhà xác gặp gió đẩy băng ca chạy rợn óc, hai vành tai em đã từng động đậy.

Không hiểu sao Hai thích chúng. Hai mẩu thịt cứ lẩy bẩy như thon thót giật mình. Chắc tại Hai thích em trai biết sợ. Chứ lâu rồi từ ngày em lấy vợ, vành tai em chẳng nhúc được một lần.

Bữa bà già có đứa con gái út bị cưa lộn chân tới kiếm, tuốt bên này, dẫu cách nào đường luồn, nào hai lớp vách tường, mẹ và Hai còn tưởng muốn lủng tai vì tiếng chửi, tiếng khóc. Nhưng ở bên kia, quần tây áo trắng đóng thùng ngồi trên ghế, hai tay khoanh trước ngực, hai vành tai em dựng lên cứng ngắc như đổ keo.

Đã có đợt trong cơn điên tiết, Hai chỉ ước chụp cây kéo cắt phăng khỏi em trai hai cái vành tai. Đợt chập tối mẹ lên cơn cao máu, thuốc này thuốc kia rối beng trên đầu tủ, Hai hớt hải chụp điện thoại, nghe bên kia giọng em lè nhè tiếng rượu: “Chị lấy sổ đỏ nhà dán cho bà má, bả tụt huyết áp liền đó mà!”.

Khuya đó, Hai đã cầm sẵn cây kéo cắt hành lá, đứng với đám muỗi một lúc lâu trong bóng tối đường luồn. Hai đã định chờ tới lúc cái xe tay ga trắng kềnh càng đem hai vành tai đổ keo ngang qua.

Biết có phải đoán được Hai đang chờ mà một cái vành tai kèm luôn một bên mặt em trai cà tróc mặt đường nhựa đầu hẻm.

Hai đang khóc với đám muỗi nghe đổ ầm một tiếng, liệng luôn kéo lẫn nước mắt, sấp ngửa nhào ra. Ráng tha đứa em lác lúa, mềm nhũn trên con hẻm xóm tối om, Hai khóc lần hai cũng tụi muỗi. Chắc cũng chỉ mình tụi nó biết nước mắt nào mặn hơn.

Trong giấc mơ Hai, em trai cũng khóc. Cơ mặt em rúm lại, miệng em ngoác ra, ngáp ngáp. Bọn cá chết có lần Hai xem trên tivi cũng có cái miệng há hốc y chang vậy. Tivi nói tụi cá đang khóc. Nên Hai chắc chắn trong giấc mơ mình, em trai có khóc. Khóc kiểu cá. Chứ khóc kiểu người giờ khó lắm, mấy ai làm được.

Phải bữa lỡ giằng “xoảng” cái ly xuống bàn em trai cũng khóc, dù là kiểu cá. Nếu vậy chắc tấm kính lót mặt bàn không rạn mù, nứt răng cưa. Hai ngồi dán từng chỗ nứt. Dính chỗ này lại toác ra chỗ nọ. Mẹ không nói không rằng giở nguyên tấm kính, ném phựt xuống hố rác.

Vụn kính sót lốm đốm trắng trên mặt bàn, trên cái đầu trọc của hai em bé ngồi trong thau nước, trên dây tua rua nón thòng trước mặt ông cử nhân ôm tấm bằng, trên ổ bánh kem chụm đủ ba gương mặt mẹ con chu miệng thổi... Hai ráng phủi sạch lốm đốm cho mấy tấm hình, bụi kính đâm ngón tay bật máu.

Nhà bác sĩ bên kia đường luồn dọn ra phố. Ngoài ấy, nghe đâu một phòng mạch lớn đã xây xong. Vali, thùng lớn, thùng nhỏ... lổn ngổn xếp kín mặt đá trắng. Bức tường bếp phẳng phiu, sạch bong cả những dấu vết tuổi thơ ngó xuống mặt đá, rưng rức.

Hai đứa nhỏ ngóc cổ qua bức tường bếp tìm kiếm (chắc không chỉ kiếm mình Hai) lần này được nghe tiếng ba thét ra lửa:

- Vô xe! Người dưng chứ quen đâu mà ngó! Ba mày đến sổ đỏ nhà mượn làm ăn còn tiếc không cho. Nói chi tới tụi mày!

Lửa từ câu thét chạy vào mắt người thay bể lò. Nên than tàn mỏn trong lò lâu rồi, mắt mẹ vẫn đỏ.

Xe dọn nhà chạy mất. Thay mẹ, Hai ngồi tay đập liên hồi cái quạt. Ngọn tháp Tokyo sau bữa lỡ làm tróc, Hai thấy mẹ mân mê ngồi dán cả ngày.

Hai muốn quạt gì? Bếp lò hay một đôi mắt đỏ? Hai không biết nữa.

Nhưng Hai biết giấc mơ đêm nay lại là gì.

Hai mơ em trai mình đi trên tường.

NGUYỄN THỊ KIM HÒA

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa nhận giải Văn hóa châu Á Fukuoka

Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa của Việt Nam được trao giải Văn hóa châu Á Fukuoka năm 2025, hạng mục Nghệ thuật văn hóa.

Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa nhận giải Văn hóa châu Á Fukuoka

Nơi kết thúc bắt đầu: Chọn quên hết hay nhớ thật nhiều?

Những hoàn cảnh trong vở Nơi kết thúc bắt đầu đều có một lý do để bước vào Cõi lưu luyến. Họ tạm dừng chân ở đây.

Nơi kết thúc bắt đầu: Chọn quên hết hay nhớ thật nhiều?

Điện Kính Thiên là biểu tượng quyền lực tối cao của triều đình Đại Việt

Điện Kính Thiên là biểu tượng quyền lực tối cao của triều đình Đại Việt, trải dài từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII, là không gian vật chất quan trọng và mang giá trị về tâm linh và triết lý sâu sắc.

Điện Kính Thiên là biểu tượng quyền lực tối cao của triều đình Đại Việt

'Huyền thoại bún bò Huế' từng được Anthony Bourdain ca ngợi qua đời

Một số tin tức nổi bật: Thương Ba Sịa của Mẹ biển; Skibidi Toilet được chuyển thể thành phim; 'Lunch Lady' huyền thoại qua đời ở tuổi 58; Hoa hậu Somalia lên tiếng về hủ tục cắt âm vật.

'Huyền thoại bún bò Huế' từng được Anthony Bourdain ca ngợi qua đời

Chu Viên Viên, diễn viên đóng Tống Khánh Linh, qua đời ở tuổi 51

Diễn viên Chu Viên Viên, nổi tiếng với vai diễn Tống Khánh Linh trong phim Tôn Trung Sơn, qua đời ở tuổi 51 sau quãng thời gian dài chiến đấu với bệnh tật.

Chu Viên Viên, diễn viên đóng Tống Khánh Linh, qua đời ở tuổi 51

Tượng bà Melania Trump bị cưa chỉ còn bàn chân

Bức tượng của bà Melania Trump một lần nữa bị phá hoại ngay tại quê nhà Slovenia.

Tượng bà Melania Trump bị cưa chỉ còn bàn chân
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar