
Đập Tam Hiệp tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Theo Tân Hoa xã, siêu công trình thủy điện ở Tây Tạng có tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 170 tỉ USD. Dự án dự kiến đi vào vận hành trong thập niên 2030.
Đập được cấu thành từ 5 trạm thủy điện bậc thang, đặt ở hạ lưu sông Yarlung Zangbo - nơi con sông đổ dốc đến 2.000m chỉ trong 50km, tạo tiềm năng khổng lồ cho thủy điện.
Đây là dự án lớn nhất của Trung Quốc kể từ đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử.
Bắc Kinh cho biết công trình có khả năng sản xuất 300 tỉ kWh điện mỗi năm, đáp ứng nhu cầu điện của Tây Tạng và các khu vực khác của Trung Quốc, đồng thời khẳng định dự án không ảnh hưởng lớn đến nguồn nước hạ lưu hoặc môi trường.
Tuy nhiên, Ấn Độ và Bangladesh đã bày tỏ lo ngại về tác động đến hàng triệu cư dân sống dọc hạ lưu. Các tổ chức phi chính phủ cảnh báo công trình sẽ đe dọa hệ sinh thái đa dạng và phong phú của cao nguyên Tây Tạng.
Tin tức về dự án khiến chỉ số xây dựng và kỹ thuật CSI của Trung Quốc tăng 4%, lên mức cao nhất trong 7 tháng. Cổ phiếu của Power Construction Corporation of China và Arcplus Group PLC đồng loạt tăng kịch trần 10%. Các công ty sản xuất xi măng, thiết bị đào hầm và vật liệu nổ dân dụng như Xizang Tianlu và Tibet GaoZheng Explosive cũng tăng giá mạnh.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường gọi đây là “dự án của thế kỷ”, nhấn mạnh yêu cầu bảo tồn sinh thái và tránh gây tổn hại môi trường.
Hiện chưa có thông tin về số lượng việc làm tạo ra hoặc số người bị ảnh hưởng bởi việc di dời, giống như trường hợp đập Tam Hiệp từng làm hàng triệu người phải tái định cư.
Các tổ chức quốc tế như Tổ chức Chiến dịch quốc tế vì Tây Tạng cảnh báo siêu đập mới có thể gây hại vĩnh viễn cho cao nguyên và sinh kế của hàng triệu người sống ở hạ lưu.
Bình luận hay