
TP.HCM cảnh báo gia tăng số ca bệnh nặng do mắc sốt xuất huyết, hiện đã có 10 ca tử vong - Ảnh: HCDC cung cấp
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính đến hết ngày 13-7 (tuần 28) TP ghi nhận 15.538 ca sốt xuất huyết Dengue, tăng 159,4% (9.548 ca) so với cùng kỳ năm 2024 (5.990 ca), và ghi nhận tổng cộng 10 ca tử vong.
Cụ thể khu vực TP.HCM (cũ) ghi nhận 11.914 ca (tăng 167,1% so với cùng kỳ 2024), trong đó 222 ca chuyển nặng (cao gấp 2,4 lần so với cùng kỳ 2024) và ghi nhận 6 trường hợp tử vong.
Khu vực Bình Dương (cũ) ghi nhận 2.695 ca (tăng 148% so với cùng kỳ 2024), trong đó 65 ca chuyển nặng (cao gấp 5 lần so với cùng kỳ 2024) và ghi nhận 3 trường hợp tử vong.
Khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) ghi nhận 929 ca (tăng 109,2% so với cùng kỳ 2024) và ghi nhận 1 trường hợp tử vong.
"Tổng số ca mắc được ghi nhận, cho thấy dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng tăng nhanh và lan rộng địa bàn", HCDC kết luận.
Theo HCDC, những con số về ca chuyển nặng và ca tử vong cho thấy gánh nặng điều trị đang gây áp lực lên hệ thống y tế.
Do đó đòi hỏi sự phối hợp và hành động nhanh chóng từ chính quyền, ngành y tế và cộng đồng trong việc tìm và loại bỏ nơi muỗi vằn đẻ trứng, ngăn chặn dịch lan rộng, cũng như phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh để kịp thời điều trị.
Ngành y tế đã tăng cường các hoạt động giám sát, xử lý ổ dịch và đánh giá điểm nguy cơ, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh tại hộ gia đình.
Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết qua nhiều kênh, trong đó tập trung hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng "Y tế trực tuyến" để sớm tiếp cận phản ánh các điểm nguy cơ phát sinh muỗi gây bùng phát dịch sốt xuất huyết.
Không chủ quan, thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch
Ngành y tế khuyến cáo người dân tuyệt đối không chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại hộ gia đình, cộng đồng và các cơ sở công cộng, cụ thể:
- Diệt lăng quăng bằng cách loại vật chứa nước mà muỗi vằn có thể đẻ trứng.
- Diệt muỗi và phòng ngừa muỗi chích bằng các biện pháp như ngủ mùng, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt muỗi...
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi phát hiện địa điểm có nguy cơ phát sinh lăng quăng, hãy nhanh chóng phản ánh địa chỉ cụ thể trên ứng dụng "Y tế trực tuyến" để được xử lý.
Bình luận hay