![]() |
Các học sinh giờ tan trường - Ảnh: Lê Tiên |
Theo ThS tâm lý Lê Thị Minh Hoa, gia đình thường chỉ phối hợp với nhà trường bằng cách đi dự họp phụ huynh, như vậy chưa đủ mà còn phải thường xuyên liên lạc với chính giáo viên dạy con mình.
Im lặng là con bị thiệt
Bà Minh Hoa cho rằng các bậc phụ huynh còn có tâm lý sợ con bị “đì” khi ba mẹ có ý kiến với giáo viên. Nhiều phụ huynh biết rõ con mình bị giáo viên trách oan, bị bắt nạt trên trường nhưng không dám và cũng không biết cách trò chuyện với giáo viên.
“Nếu bố mẹ im lặng thì có nghĩa là phó mặc cho con phải chịu đựng những tổn thương tâm lý và đôi khi là thể chất. Con sẽ mất niềm tin vào người lớn, hình thành thói quen không dám nói dù biết người khác làm sai. Việc đó không những làm ảnh hưởng đến việc học của con mà còn đẩy xa khoảng cách giữa con và bố mẹ”, ThS Minh Hoa lo ngại.
Cũng theo bà Minh Hoa, giáo viên hiện nay phải làm quá nhiều việc, một lớp học lại đông, vì vậy không thể sâu sát theo dõi từng học sinh được.
“Người chủ động liên lạc vẫn phải là phụ huynh. Bố mẹ không những tìm hiểu những hoạt động ở trường của con bằng cách nói chuyện với con và giáo viên, mà còn nên chủ động trò chuyện với bạn bè của con cũng như các phụ huynh khác”, bà Minh Hoa chia sẻ.
Bàn về những phương pháp để phụ huynh phối hợp với nhà trường một cách hiệu quả, ThS Minh Hoa nói: “Nếu phụ huynh biết cách trò chuyện, hỏi han thì con sẽ kể hết chứ không giấu. Đối với các em học sinh, đặc biệt là cấp I và mầm non, không phải em nào cũng biết kể cho bố mẹ nghe những vần đề mình gặp phải trong trường. Phụ huynh phải biết cách hỏi han, chia sẻ và làm bạn với con, phải dạy con biết tâm sự với bố mẹ”.
Quan tâm tạo nên động lực
ThS tâm lý Nguyễn Công Vinh, cố vấn chiến lược Trung tâm đào tạo & ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, cho rằng sự quan tâm của ba mẹ có vai trò cực kỳ quan trọng, tạo nên động lực, tiêu chuẩn cho các cháu học tập hiệu quả.
"Vấn đề ở đây là cách thức quan tâm như thế nào để các cháu không bị áp lực, gò bó thôi. Đối với các bậc cha mẹ quá bận rộn với công việc mà trông cậy việc chăm sóc, quan tâm con quá nhiều ở người làm thì phải chấp nhận những hệ lụy của nó. Cha mẹ không có thời gian chơi với con sẽ có ảnh hưởng nhất định đến đời sống tâm lý và tình cảm của con", ông Vinh nhận định.
Ông cũng ví dụ khi mình giao hết việc chăm con, đưa đón con, thậm chí dạy con học cho người làm thì đứa con có thể hiểu người làm như một người mẹ. "Nếu mai mốt mình la người làm con sẽ phản ứng lại với mình, vì lúc này công sinh thành và công dưỡng dục chưa biết công nào lớn hơn công nào" - ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, thứ nhất, một khi đã xem trọng việc phải quan tâm con thì ba mẹ tự khắc sẽ ưu tiên và thu xếp được thời gian của mình. Đó còn là kế hoạch, sự thỏa thuận giữa vợ và chồng.
Thứ hai là cách thức. Không phải cứ dành thời gian ngồi suốt bên con mới gọi là quan tâm. Quan tâm ở đây là dành tâm trí, tạo điều kiện để trẻ học. Có thể là tối ở nhà mình làm việc, trẻ học bài bên cạnh thì cháu sẽ hiểu rằng mỗi người đều có việc riêng phải hoàn thành. Bản thân ba mẹ nên hiểu mình chính là người hỗ trợ, hướng dẫn con cách học, cách tiếp cận tri thức, tạo động lực cho con tự khám phá, chứ cách chỉ bảo từng chữ, cùng làm bài tập với con ở thời đại này đã không còn phù hợp nữa rồi.
Sử dụng hiệu quả sổ báo bài, email, điện thoại Trợ giảng P.T.A. tại một trường ở quận 2 chia sẻ: “Phụ huynh và giáo viên phải thường xuyên liên hệ với nhau qua điện thoại hoặc email, bất kể những thay đổi bất thường nào của học sinh, từ thái độ ứng xử, thành tích học tập, tâm trạng". Theo cô A., các em cần được quan tâm và chia sẻ ngay để kịp thời giải quyết vấn đề, tập trung chuyên môn vào học tập. Đối với học sinh tiểu học, giờ tan lớp thường có đội ngũ trợ giảng đi theo các em để trực tiếp nói chuyện với phụ huynh. "Mỗi học kỳ trường đều phát sổ liên lạc và tổ chức họp phụ huynh hai lần. Đó cũng là cơ hội để hai phía làm liên kết chặt chẽ hơn trong việc chăm sóc con em", cô A. cho biết. Theo ThS tâm lý Nguyễn Công Vinh, sổ báo bài, họp phụ huynh, email, gọi điện thoại đều là kênh thông tin giữa phụ huynh và giáo viên. Kênh này rất cần thiết cho sự phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên nhưng quan trọng hơn hết là phải hiểu đúng ý nghĩa mới phát huy tác dụng. Ông Vinh cho rằng mục đích cao nhất của kênh thông tin là để phụ huynh và giáo viên hiểu rõ trẻ hơn và từ đó hỗ trợ trẻ phát triển hiệu quả. Hai bên cần thảo luận nhiều về điểm mạnh, sở trường của trẻ, biểu hiện ban đầu các hành vi lệch lạc để hỗ trợ và điều chỉnh kịp thời. "Nhưng nếu chúng ta hiểu sai nghĩa rằng kênh thông tin là công cụ theo dõi, giám sát, chế tài trẻ thì việc đó rất là nguy hiểm. Từ đó lại gây ra tác dụng tiêu cực là trẻ sẽ đối phó, phản ứng, bị áp lực và rồi về tâm sinh lý sau này sẽ có những biểu hiện phát triển không tốt, không còn bình thường nữa" - ông Vinh cảnh báo. |
Bình luận hay