
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM - Ảnh: H.V.C.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, TP.HCM sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có 5 trường THPT chuyên, gồm:
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thuộc sự quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũ);
Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (thuộc sự quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũ);
Trường phổ thông Năng khiếu trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM;
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa - Vũng Tàu cũ);
Trường THPT chuyên Hùng Vương (thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương cũ).
Trong số này có 3 trường chuyên tuyển sinh trên cả nước, bao gồm: THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và Trường phổ thông Năng khiếu.
Năm học 2025-2026, chỉ tiêu tuyển sinh của 5 trường chuyên như sau:
Trường chuyên Lê Hồng Phong tuyển 805 học sinh.
Trường chuyên Trần Đại Nghĩa tuyển 525 học sinh.
Trường phổ thông Năng khiếu tuyển 595 học sinh.
Trường chuyên Hùng Vương tuyển 385 học sinh.
Trường chuyên Lê Quý Đôn tuyển 455 học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết trước mắt, các trường chuyên vẫn hoạt động ổn định trong năm học 2025-2026.
TP.HCM mới có hơn 3.500 trường, 2,6 triệu học sinh
Sau sáp nhập, TP.HCM không chỉ trở thành siêu đô thị về quy mô diện tích địa lý, tiềm lực phát triển kinh tế mà còn là đô thị lớn nhất cả nước về quy mô giáo dục. Ước tính thành phố sẽ có khoảng 2,6 triệu học sinh, với hơn 3.500 cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông.
Về số lượng giáo viên, TP.HCM mới sẽ có hơn 110.000 giáo viên.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM có 10 phòng gồm: Văn phòng, Phòng Kiểm tra - Pháp chế, Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Phòng Học sinh sinh viên, Phòng Quản lý chất lượng, Phòng Giáo dục mầm non, Phòng Giáo dục phổ thông, Phòng Giáo dục thường xuyên - nghề nghiệp và đại học, Phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Bình luận hay