![]() |
Người Mỹ phản đối hoạt động nghe lén với cặp kính mang dòng chữ “Hãy ngưng do thám” khi dự thính buổi điều trần tại Hạ viện Mỹ hôm 29-10 - Ảnh: Reuters |
Tờ Le Monde vừa dẫn nguồn từ nội dung điều trần của tướng Keith Alexander, vừa dẫn nguồn nhật báo Mỹ Wall Street Journal vài giờ trước đó quả quyết từ các nguồn tin ẩn danh rằng 70,3 triệu cú điện thoại mà NSA được cho đã thu thập ở Pháp là do chính các cơ quan tình báo Pháp trao gửi trên cơ sở một thỏa thuận tình báo giữa Mỹ và Pháp! Từ đó, tờ Le Monde cáo giác “những biểu thị phẫn nộ (với tình báo Mỹ) mà giới hữu trách Pháp đã đưa ra sau những thông tin về việc NSA theo dõi ở Pháp... phần nào chỉ là giả bộ”. Nghĩa là Chính phủ Pháp chỉ vờ phản đối Mỹ thôi, chứ thật ra hai bên đã và đang cộng tác cùng nghe lén trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác tình báo mang tên “LUSTRE”!
Khi loan tin động trời này, tờ Le Monde dẫn thêm nguồn tin từ tờ Süddeutsche Zeitung của Đức hôm 28-10 từng quả quyết Pháp và Mỹ đã có thỏa thuận tình báo LUSTRE. Không chỉ dựa vào tiết lộ được cho là của cựu nhân viên NSA Edward Snowden, tờ Le Monde cũng quả quyết rằng theo các nguồn tin riêng của báo này từ một quan chức cao cấp tình báo Pháp, Cơ quan tình báo hải ngoại Pháp DGSE quả thật đã có ký kết trao đổi thông tin với tình báo Mỹ vào cuối năm 2011, đầu 2012. Tờ Le Monde cho biết đổi lại tình báo Pháp được khai thác tuyến cáp quang dưới đáy biển xuất phát từ châu Phi và Afghanistan, kết thúc ở cảng Marseille và mũi Penmarc’h của Pháp.
Châu Phi - “sân sau” duy nhất của Pháp từ sau khi hết chế độ thực dân, và Afghanistan là hai khu vực “ưu tiên chiến lược” của tình báo Pháp nhưng họ lại thiếu thông tin. Chính vì thế tờ Le Monde gọi rằng “đây là một vụ đổi chác giữa DGSE và NSA”, cho dù rằng theo thỏa thuận đổi chác đó các công dân Pháp có bị NSA theo dõi.
Báo Le Monde đặt dấu hỏi hoài nghi: “Chính phủ Pháp, vốn giám sát việc chi tiêu của DGSE cho các cơ sở vật chất nghe lén và cho việc tích trữ thông tin, lại không hay biết gì về các vụ trao đổi này?”, rồi tấn công chính phủ bằng nhận xét: “Điều đó làm những la làng phản đối của Chính phủ Pháp sau khi báo chí công bố việc Mỹ nghe lén các công dân Pháp giảm đi tính thành thật”. Vì lẽ đó, trong cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao Pháp hôm 30-10, một nhà báo đã nêu câu hỏi “Phản ứng của quý vị về những vụ nghe lén điện thoại ở Pháp do tình báo Pháp thực hiện rồi chia lại cho NSA?” và chỉ nhận được những hồi đáp tránh né loanh quanh.
Hình như từ khi ung dung tị nạn tại Nga, những thông tin mà Snowden có được ngày càng “sát thương” hơn: không chỉ gây lục đục giữa Mỹ và các đồng minh, những tiết lộ cứ lần lượt được tung ra theo một kịch bản và lịch trình thật chính xác, “nổ văng miểng” đúng nơi, đúng lúc, đúng đối tượng, nay còn bước sang mục tiêu gây xào xáo nội bộ các nước giữa dân chúng với chính phủ mà lẽ ra phải bảo vệ các công dân thay vì bán đứng họ!
Một chính phủ không “thành thật” bảo vệ các công dân mình trước tình báo nước ngoài, nghĩa là làm sao? Báo chí Pháp nhao nhao trước vụ “đổi chác” này. Không chỉ ở Pháp, bắt đầu từ tờ Le Monde, mà cả ở Tây Ban Nha và Ý với các tờ El Mundo và Espresso.
“Quả bom Snowden” quả là một kịch bản gián điệp, khuynh đảo khôn lường! Ai là tác giả kiêm đạo diễn? Ai là ngư ông đắc lợi?
Bê bối nghe lén lan tới châu Á Vụ bê bối do thám của NSA đã lan tới châu Á khi Indonesia phản đối mạnh mẽ việc Mỹ dùng văn phòng sứ quán ở Jakarta để theo dõi các cuộc gọi điện và liên lạc ở nước này. AFP trích lời Ngoại trưởng Marty Natalegawa nói vấn đề đã được nêu ra với đại biện lâm thời của Mỹ tại Jakarta. “Indonesia không thể chấp nhận và kịch liệt phản đối thông tin về các máy móc nghe lén tại sứ quán Mỹ ở Jakarta - ông Natalegawa nói - Hành động này không chỉ là sự xâm phạm an ninh mà còn là sự xâm phạm nghiêm trọng các nguyên tắc ngoại giao, đạo đức và hoàn toàn không phải trong tinh thần hữu nghị giữa các nước”. Theo bản đồ mà tờ Speigel của Đức công bố, các cơ sở nghe lén của Mỹ còn có mặt ở Kuala Lumpur, Bangkok, Manila, Phnom Penh và Yangon bên cạnh hơn 80 cơ sở khác trên toàn cầu. Ở khu vực Đông Á, các cơ sở của Mỹ chủ yếu tập trung vào Trung Quốc với trung tâm là đại sứ quán tại Bắc Kinh và các tổng lãnh sự quán khác ở Thượng Hải, Thành Đô, Hong Kong. Hôm qua, theo Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng yêu cầu phía Mỹ giải thích sau khi tờ The Sydney Morning Herald của Úc đăng tải thông tin cho biết các sứ quán Úc, gồm cả ở Bắc Kinh, đã được sử dụng làm cơ sở nghe lén trong chiến dịch do Mỹ khởi xướng. Trong diễn biến khác, các tập đoàn Google và Yahoo! cùng phản ứng dữ dội trước thông tin NSA bí mật lấy trộm thông tin hai tập đoàn này bằng cách chặn các đường cáp nối giữa các server của hai tập đoàn. Trích tài liệu từ Edward Snowden, tờ Washington Post nói NSA thực tế có thể lấy hàng trăm triệu thông tin hằng ngày “tùy theo ý thích”. Tờ Washington Post nói NSA sử dụng khoảng 100.000 người để lọc các thông tin - nhiều gấp đôi so với chương trình Prism mà NSA dùng để do thám trong nước. Và vì việc này được tiến hành ở nước ngoài, không trong lãnh thổ Mỹ, NSA không cần phải xin phép tòa án để buộc các công ty cung cấp thông tin. Theo thông tin này, NSA đã phối hợp cùng với Cơ quan tình báo Anh GCHQ để lấy cắp thông tin. Thông tin mới gây thêm áp lực cho mối quan hệ giữa các tập đoàn công nghệ với Washington. Các tập đoàn đã rất giận dữ khi uy tín của họ suy giảm nghiêm trọng sau khi các tài liệu của Snowden tiết lộ họ cung cấp thông tin của khách hàng cho chính quyền. Trong một tuyên bố, người phụ trách về pháp lý của Google David Drummond nói tập đoàn “giận dữ” với các thông tin mới. “Chúng tôi từ lâu lo ngại về khả năng theo dõi kiểu này, đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục mở rộng mã hóa thông tin trên các dịch vụ của Google - ông nói - Chúng tôi không cho chính phủ nào, kể cả Chính phủ Mỹ, tiếp cận hệ thống của chúng tôi. Chúng tôi tức giận về mức độ mà chính phủ tìm cách tiếp cận hệ thống cáp quang”. Yahoo! cũng ra tuyên bố “chúng tôi có chính sách nghiêm ngặt để bảo vệ an ninh của các trung tâm dữ liệu, chúng tôi không cho NSA hay bất cứ cơ quan tiếp cận các trung tâm này”. THANH TUẤN |
Bình luận hay