08/03/2024 09:15 GMT+7
Trở lại chủ đề

Thành phố dễ thương - Kỳ 7: Cô gái và mái ấm cưu mang mẹ bầu đơn thân

Cưu mang các mẹ bầu đơn thân vào những tháng cuối thai kỳ đến khi sinh nở, mái ấm Thiện Nhi (TP Thủ Đức, TP.HCM) còn chăm sóc cả mẹ và bé sau đó, đồng thời tạo điều kiện cho các mẹ đi học nghề, có công việc ổn định để nuôi con.

Mẹ bầu tại mái ấm Thiện Nhi chuẩn bị sinh con - Ảnh: TRÚC QUYÊN

Mẹ bầu tại mái ấm Thiện Nhi chuẩn bị sinh con - Ảnh: TRÚC QUYÊN

Chứng kiến những cảnh đời buồn

Tọa lạc tại số 528/6 Lê Văn Việt (TP Thủ Đức), mái ấm Thiện Nhi là ngôi nhà chung của những mẹ bầu đơn thân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt. Người tạo dựng mái ấm là chị Trương Quý Linh (hay còn gọi là Trương Quý Nhi, 30 tuổi, TP Thủ Đức). Thoạt nhìn, không ai nghĩ cô gái độc thân với tính cách vô tư này lại là người đỡ đần cả về vật chất lẫn tinh thần cho hàng chục mẹ bầu trong hai năm qua.

Tâm sự cơ duyên đẩy đưa mình đến việc thiện nguyện, chị Quý Linh bùi ngùi nhớ lại: "Đợt dịch COVID-19, khi đi tiếp tế lương thực ở các khu cách ly, tôi đã gặp nhiều trường hợp éo le. Tới giờ tôi vẫn ám ảnh cảnh một bạn nữ ôm đứa con 2 tháng tuổi khóc nức nở trong phòng trọ, cả hai mẹ con đều đói vì không có tiền, cũng thiếu đồ ăn.

Rồi có gia đình kia bỗng tan nát vì dịch bệnh, hai mẹ con mắc COVID phải vào khu cách ly, người bố không hiểu vì sao cũng bỏ đi, để lại bé trai 5 tháng tuổi một mình trong căn chòi giữa đồng không mông quạnh...

Đau lòng hơn nữa là có người mẹ sẵn sàng bán đứa con mình đứt ruột đẻ ra vì không nuôi nổi! Tôi chứng kiến những hoàn cảnh như vậy, lòng ứa nghẹn. Cũng từ đó tôi mới có suy nghĩ lập một mái ấm để giúp đỡ các mẹ bầu đơn thân, những người bị bỏ rơi, không có điều kiện sinh nở, nuôi con...".

Sau nhiều khó khăn phải vượt qua, tháng 10-2022, một mái ấm nhỏ được thành lập với tên gọi Thiện Nhi đón nhận các mẹ bầu và chăm sóc em bé từ lúc còn trong bụng mẹ cho đến khi cất tiếng khóc chào đời. Chị Quý Linh hiểu trẻ sơ sinh rất cần mẹ, tình cảm thiêng liêng đó không gì có thể thay thế được, và chị muốn giữ lại cho em bé người thân thiết nhất trên cuộc đời này.

"Ở đây, tôi sẽ chăm lo cho cả mẹ và bé trong suốt thời kỳ thai sản. Khi bé cứng cáp, tôi sẽ kết nối và hỗ trợ cho các mẹ quay lại việc học còn dang dở hoặc đi học nghề, xin việc làm phù hợp nhằm gầy dựng lại nền tảng kinh tế để nuôi con. Tôi cảm thấy như vậy vẫn tốt hơn là mình nhận nuôi hẳn con của họ, vì tận sâu trong đáy lòng mình, tôi không muốn trẻ phải mồ côi!", chị Quý Linh trải lòng.

Sau khi sinh nở, mẹ và bé gắn bó với mái ấm dài hay ngắn tùy từng trường hợp cụ thể. Nếu sớm giải quyết ổn thỏa chuyện gia đình, có khả năng tự chăm sóc con mình thì mẹ và bé vui vẻ rời mái ấm. Những trường hợp còn khó khăn, tâm lý chưa ổn định thì mái ấm tiếp tục hỗ trợ.

"Tôi được sinh con và bản thân mình cũng được sinh ra lần nữa"

Tại mái ấm Thiện Nhi, không có hoàn cảnh nào là không đặc biệt, không khó khăn. Hơn hai năm hoạt động, 27 mẹ con được mái ấm đón về. Đa phần là các cô gái mang thai mà không được bạn trai thừa nhận, nhiều chị em bị chồng bạo hành, mang thai ngoài ý muốn hoặc thậm chí bị cưỡng bức.

"Tôi không nghĩ có người mẹ nào không muốn giữ lại con mình, vấn đề là người ta cần thời gian để vượt qua khó khăn kinh tế, tinh thần. Và mình đến để giúp đỡ, động viên người ta vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Khi người mẹ vững vàng, đứa con cứng cáp thì cũng là lúc sứ mệnh mình coi như hoàn thành", chị Quý Linh chân thành bộc bạch.

Chị L.T.T. (26 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) nhìn đứa con 3 tháng tuổi đang ngủ say, kể lại: "Tôi đã gắng bám víu cuộc hôn nhân đó vì tôi mồ côi, không cha mẹ, không người thân. Nhưng khoảng thời gian sau thấy chồng không còn thương mình nữa nên tôi ly dị, lúc đó đang mang thai bé thứ hai gần bốn tháng. Tôi giấu bụng bầu đi làm nhưng được tầm thêm một tháng hơn thì không giấu được nữa, chủ người ta cũng không nhận. Lúc đó phòng trọ tôi thuê chỉ còn ở được ba ngày nữa là hết tháng, mà tôi hết sạch tiền...".

Kể đến đây chị T. không kìm được nước mắt, giọng đứt quãng: "Lúc đó tôi hoảng quá, tôi đăng bài trên các hội nhóm, chỉ mong tìm được việc gì làm kiếm tiền, được đồng nào hay đồng đó. May sao gặp chị Quý Linh đón về đây, cho chỗ ở, ăn uống, đưa tôi đi sinh con. Thiệt tình có nhiêu nước mắt là tôi khóc biết ơn hết trơn hôm đó!".

Chị Trương Quý Linh rất yêu thương các bé ở mái ấm - Ảnh: TRÚC QUYÊN

Chị Trương Quý Linh rất yêu thương các bé ở mái ấm - Ảnh: TRÚC QUYÊN

Tại mái ấm Thiện Nhi, chủ yếu là các mẹ tự quản, tự chăm nhau. Mọi vật dụng dành cho mẹ bầu và trẻ sơ sinh, đặc biệt là sữa, đồ ăn thức uống đều được chị Quý Linh cố gắng chuẩn bị sẵn, hầu như không thiếu thốn thứ gì.

"Lúc gặp chị Linh, tôi mang bầu tám tháng, nằm vật vờ trên hành lang Bệnh viện Từ Dũ. Tôi không đến khám thai vì có tiền đâu mà khám, tôi chỉ đến đó ngủ, xin cơm từ thiện, ai cho gì ăn đó, hoàn cảnh bế tắc, tôi không biết mình có thể sinh đứa con này ra đời được hay không nữa...", chị D.T.D. (31 tuổi, quê tỉnh Kon Tum) xúc động kể lại.

Người phụ nữ này là một ca "tâm lý bất ổn" nhất từ trước đến giờ tại mái ấm, vì những tháng cuối thai kỳ chị bị trầm cảm nặng, nguy cơ sinh non. Sức khỏe cả mẹ và bé đều rất yếu, tinh thần chị D. cũng "nát tươm".

"Chuyện chồng con của tôi có thể nói là chưa kịp sửa sai đã lại mắc lỗi nữa rồi. Ở quê mẹ tôi đang nuôi hai đứa con của tôi và chồng trước, tôi mang bầu bé lần này thì chồng sau và gia đình chồng không thừa nhận, bỏ luôn. Mọi chuyện dồn dập quá. Lúc đó tôi muốn đẻ ra cho người ta nuôi, rồi có lúc nghĩ quẩn hay là hai mẹ con nhảy xuống sông...", giọng chị D. nghẹn lại rồi chị kể tiếp:

"Tôi ôm bụng bầu bảy tháng vào Sài Gòn, hành lý là một cái vali, một bao tã, một bịch quần áo, rồi ngủ bờ ngủ bụi ngoài bến xe, công viên, ghế đá. Nhờ có chị Linh giúp đỡ mà tôi được sinh con và cảm giác như chính tôi cũng vừa được sinh ra lần nữa. Ơn này tôi trả cả đời chắc cũng không hết đâu!".

Cuộc trò chuyện của chúng tôi đến đây tạm dừng vì tiếng khóc, tiếng gọi "mẹ ơi!" của những bé vừa dụi mắt thức dậy sau giấc ngủ trưa. Mái ấm Thiện Nhi lại rộn rã tiếng cười đùa trẻ nhỏ, tiếng những bà mẹ trẻ phân công nhau chăm bé, làm chuyện nhà và chuẩn bị bữa cơm chiều như thường lệ.

Được nhiều và cũng "mất nhiều"

Nhận nhiều "năng lượng tiêu cực" từ các cảnh đời quá buồn và phải truyền lại năng lượng tích cực để động viên, chăm sóc các mẹ bầu và trẻ sơ sinh cùng lúc là điều không dễ dàng, đặc biệt là đối với cô gái chưa lập gia đình, chưa sinh con như chị Quý Linh.

"Lúc đầu làm tôi không nghĩ việc này phức tạp như vậy, nhưng quyết tâm nên tôi đã dành thời gian tìm hiểu, học hỏi kiến thức chăm sóc mẹ và bé. Tôi cũng tham khảo ý kiến chuyên gia, bác sĩ và những người có kinh nghiệm. Kể từ khi mái ấm hoạt động, tôi được nhiều và cũng mất nhiều…", chị Quý Linh bỗng cười xòa, giải thích thêm:

"Tôi được mọi người hiểu, yêu thương và ủng hộ. Tôi mất đi sự ích kỷ, so đo, tiêu xài hoang phí… Đặc biệt là tôi đã biết hạnh phúc khi nhìn người khác hạnh phúc. Cảm giác đó vô cùng đặc biệt".

Ngoài việc chăm chút thêm cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng sống cho các mẹ và bé, chị Quý Linh cũng phối hợp với cơ quan chức năng địa phương để hoàn thiện thủ tục đăng ký tạm vắng, tạm trú, gìn giữ sự ấm êm, an toàn cho các mẹ và bé ở mái ấm.

---------------------------

Kỳ tới: Lặng lẽ trao đi yêu thương

Đọc các trang viết cảm động về những cảnh đời bất hạnh, hay chứng kiến tận mắt nỗi khổ đau của người khác, họ đã ứa nước mắt và âm thầm sẻ chia.

Thành phố dễ thương - Kỳ 6: Chung cư tối lửa tắt đèn có nhau

Thành phố ngày càng nhiều chung cư. Những ông bà hàng xóm ồn ào, tọc mạch, xấu tính được xây dựng trong bộ phim đang nổi như cồn khiến nhiều người sợ cảnh sống trong chung cư bình dân. Còn chung cư mới?

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ cuối: Tôi hạnh phúc được là người dân TP.HCM

Tháng 8-1997, tôi nhận giấy báo trúng tuyển Trường ĐH Luật TP.HCM. Ngày tôi rời quê Quảng Ngãi để vào TP.HCM học, má rưng rưng nước mắt căn dặn: "Ở trỏng con gắng học hành thật tốt để má ở nhà an tâm buôn bán, tằn tiện lo cho con ăn học".

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ cuối: Tôi hạnh phúc được là người dân TP.HCM

Săn trăm ký cá từ đống chà khô hồ Dầu Tiếng

Làm nghề cá mà hổng cần đem nhiều ngư cụ, chỉ với đôi bao tay và mấy ống dây dài 30 - 40m, nhưng lượng cá mỗi ngày họ bắt được lên đến hàng trăm kg.

Săn trăm ký cá từ đống chà khô hồ Dầu Tiếng

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 5: Trả nghĩa thành phố bằng một đời thầy thuốc

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, bác sĩ Phan Bảo Khánh vào ngành y trong giai đoạn đất nước ở thời kỳ lịch sử đầy biến động.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 5: Trả nghĩa thành phố bằng một đời thầy thuốc

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Dang tay với những phận người khó khăn

TP.HCM dang rộng vòng tay với cả bao thân phận nghèo khó, những người khiếm khuyết, thiệt thòi cũng có thể mưu sinh thiện lương ở TP này.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Dang tay với những phận người khó khăn

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Từ gánh hàng rong đến cuộc sống đủ đầy

25 năm trước, khi bước chân lên chuyến xe rời TP hoa phượng đỏ Hải Phòng vào TP.HCM lập nghiệp, bà Vũ Thị Thoa (53 tuổi, hiện ngụ phường An Khánh, TP Thủ Đức) chỉ có vỏn vẹn vài bộ quần áo và một ít tiền phòng thân.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Từ gánh hàng rong đến cuộc sống đủ đầy

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 3: Gói cháo bột TP.HCM mang ra thế giới

Thuận, ông chủ trẻ của thương hiệu cháo bột cá lóc Cà Mèn, nói rất biết ơn khi được thành phố tạo cơ hội tốt nhất cho những người xa quê.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 3: Gói cháo bột TP.HCM mang ra thế giới
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar