
Người dân tập trung nhận nước cứu trợ tại Trường tiểu học Batthkao ở tỉnh Oddar Meanchey (Campuchia) vào hôm 26-7, khi cuộc xung đột vũ trang giữa Thái Lan và Campuchia đã kéo dài sang ngày thứ ba - Ảnh: REUTERS
Ngày 26-7, cuộc xung đột giữa Thái Lan và Campuchia bước sang ngày thứ ba và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi các điểm nóng mới xuất hiện.
Cả hai bên tường thuật đã xảy ra đụng độ tại tỉnh ven biển Trat của Thái Lan và tỉnh Pursat của Campuchia - mặt trận mới cách các điểm xung đột khác dọc theo biên giới hai nước khoảng 100km.
Bắn tín hiệu đàm phán
Thái Lan và Campuchia đều đang cáo buộc nhau làm leo thang bạo lực: Thái Lan cho rằng Campuchia đã thực hiện "các cuộc tấn công vũ trang" nhằm vào dân thường Thái Lan, trong khi Campuchia nói rằng việc Thái Lan triển khai chiến đấu cơ F-16, xe tăng, bom chùm và pháo binh là những hành vi cho thấy sự gây hấn.
Giao tranh dữ dội giữa hai nước láng giềng đã buộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập cuộc họp khẩn.
Tính đến 17h ngày 26-7, tổng số người thiệt mạng ở cả Thái Lan và Campuchia do xung đột đã tăng lên 33 - vượt quá con số 28 người chết trong cuộc giao tranh lớn gần nhất trong giai đoạn 2008 - 2011.
Bộ Quốc phòng Campuchia xác nhận ít nhất 13 người thiệt mạng (gồm 8 thường dân và 5 binh sĩ) cùng 71 người bị thương tại nước này. Ở phía Thái Lan, có 20 người thiệt mạng (gồm 13 thường dân và 7 quân nhân).
Cuộc xung đột đã buộc hơn 138.000 người phải sơ tán khỏi các khu vực biên giới của Thái Lan, trong khi hơn 35.000 người ở Campuchia cũng phải rời bỏ nhà cửa.
"Tôi chỉ mong cảnh này kết thúc càng sớm càng tốt" - Sutian Phiewchan, một người dân Thái Lan ở tỉnh Sisaket, cách biên giới chỉ khoảng 10km, chia sẻ với Hãng tin AFP.
Sau cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại New York vào rạng sáng 26-7 (giờ Việt Nam), Đại sứ Campuchia tại Liên hợp quốc Chhea Keo cho biết nước này muốn đạt được lệnh ngừng bắn.
"Campuchia kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện, đồng thời kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình" - ông nói với báo chí.
Ngày 26-7, Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa nhấn mạnh để có thể tiến tới ngừng bắn hoặc đối thoại, Campuchia cần thể hiện "sự chân thành thực sự trong việc chấm dứt xung đột".
Ông nói: "Tôi kêu gọi Campuchia dừng xâm phạm chủ quyền Thái Lan và quay lại giải quyết vấn đề thông qua đối thoại song phương".
Từ trước cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura cho biết Bangkok sẵn sàng đối thoại, có thể nhờ Malaysia (nước đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN) đóng vai trò trung gian.
Cần thêm thời gian
Tại Liên hợp quốc, Campuchia và Thái Lan đã đưa ra các cáo buộc nhằm vào nhau và cung cấp bản tường thuật khác nhau về chuyện bạo lực đã bắt đầu như thế nào, nhưng cả hai bên đều bày tỏ mong muốn chấm dứt cuộc xung đột này.
Đại sứ Campuchia kêu gọi "ngừng bắn ngay lập tức", trong khi Đại sứ Thái Lan tại Liên hợp quốc Cherdchai Chaivaivid kêu gọi Campuchia "ngay lập tức chấm dứt mọi hành vi thù địch" và nối lại đối thoại một cách thiện chí.
Hội đồng Bảo an đã không phát tuyên bố chính thức, nhưng một nhà ngoại giao trong hội đồng cho biết cả 15 thành viên đều kêu gọi hai bên xuống thang căng thẳng, kiềm chế và giải quyết xung đột một cách hòa bình. Vị này cũng cho biết Hội đồng Bảo an kêu gọi ASEAN hỗ trợ giải quyết xung đột.
Thuật lại sau cuộc họp kín, Đại sứ Campuchia tại Liên hợp quốc Chhea Keo cho biết: "Hội đồng Bảo an đã kêu gọi cả hai bên kiềm chế tối đa và tìm đến giải pháp ngoại giao. Đó cũng chính là điều mà chúng tôi đang kêu gọi". Khi được hỏi ông kỳ vọng điều gì tiếp theo, vị đại sứ trả lời: "Hãy chờ xem liệu lời kêu gọi này có được tất cả các thành viên lắng nghe hay không".
Trong lúc đang tồn tại nhiều bất đồng, việc hai nước đều bày tỏ mong muốn chấm dứt xung đột hiện mang lại hy vọng về một giải pháp ngoại giao.
Theo Hãng tin Bernama (Malaysia), hôm 25-7 Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết Thái Lan và Campuchia đã đồng ý ngừng bắn và rút quân khỏi khu vực biên giới, nhưng đề nghị cần thêm thời gian trước khi thực hiện, bởi vì binh sĩ hai nước đã được triển khai tới biên giới và cần thời gian để rút quân.
Thủ tướng Anwar cho biết ông đã nói chuyện với cả Thủ tướng Campuchia Hun Manet và Quyền thủ tướng Thái Lan Phumtham, đồng thời kêu gọi hai bên tạo không gian cho "đối thoại hòa bình và giải pháp ngoại giao", và đề xuất Malaysia sẽ tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán.
Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra - người vẫn có sức ảnh hưởng tại Thái Lan - đã đến thăm các điểm sơ tán để gặp người dân trong ngày 26-7 (cũng là ngày ông bước sang tuổi 76). "Quân đội Thái Lan cần hoàn tất chiến dịch trước khi có thể tiến hành đối thoại" - ông Thaksin nói với báo chí.
Cuộc chiến truyền thông
Ngày 26-7, truyền thông Thái Lan đưa tin quân đội Thái Lan đã gửi thư đến 26 quốc gia thông qua các tùy viên quân sự của họ ở nước ngoài, nhằm cung cấp thông tin về tình hình tại khu vực biên giới Thái Lan - Campuchia.
Một ngày trước đó, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Campuchia, ông Prak Sokhonn, đã tổ chức buổi cung cấp thông tin dành cho ngoại giao đoàn và các tùy viên quốc phòng tại Campuchia nhằm cập nhật diễn biến liên quan tình hình biên giới Campuchia - Thái Lan.
Bình luận hay