Nhắc lại các vụ tai biến sản khoa tại khoa sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, bác sĩ Nguyễn Trọng Quang - phó giám đốc bệnh viện - cho biết năm 2010 có 24 vụ, năm 2011 tăng lên 26 vụ và năm nay tăng lên 32 vụ. Riêng năm 2012 làm chết năm trẻ sơ sinh và hai trường hợp mẹ tử vong. Nguyên nhân, theo ông Quang, tại thời điểm xảy ra các vụ tai biến, hầu hết thiếu bác sĩ trực và hộ lý, bệnh nhân quá tải, trang thiết bị còn thiếu và yếu, trình độ chuyên môn, đạo đức hành nghề của cán bộ y tế còn nhiều bất cập.
Tuy nhiên bác sĩ Trần Ngọc Hải (Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM) - được tăng cường hỗ trợ chuyên môn cho khoa sản bệnh viện - có ý kiến khác: về chuyên môn, cơ bản các bác sĩ, nữ hộ sinh của bệnh viện đều đáp ứng công việc. Vấn đề mấu chốt là do “lỗi hệ thống”. Ông Hải nói nếu công tác quản lý tốt, việc thăm khám cho sản phụ đúng quy trình, các khoa có sự phối hợp nhịp nhàng sẽ hạn chế được các vụ tai biến tương tự.
Đồng quan điểm này, bác sĩ Bạch Cẩm An (trưởng khoa sản Bệnh viện T.Ư Huế) cho rằng trường hợp sản phụ bị tử vong do bệnh tim hẹp van hai lá vẫn có thể cứu được cả mẹ và con nếu được khám, điều trị đúng quy trình. Theo ông An, dù có siêu âm 2-3 lần, nhưng nếu khám không đúng quy trình, không phát hiện bệnh sớm thì hậu quả xấu đương nhiên sẽ xảy ra. Ông An nhận định rõ ràng lỗi ở đây là do khâu khám bệnh, cái này thuộc về chuyên môn. “Nếu Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi có đề nghị hỗ trợ chuyên môn, đào tạo cho các nữ hộ sinh, bác sĩ sản khoa thì Bệnh viện T.Ư Huế luôn sẵn sàng” - bác sĩ An chia sẻ.
Bình luận hay