11/10/2016 09:57 GMT+7

Suy thận vì uống thuốc... linh tinh

LÊ THANH HÀ - lethanhha@tuoitre.com.vn
LÊ THANH HÀ - [email protected]

TTO - Nhiều người bị suy thận đột ngột, có người sau đó phải chạy thận nhân tạo suốt đời vì chức năng thận không hồi phục do dùng thuốc không rõ nguồn gốc.

Bệnh nhân bị suy thận đang được chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM - Ảnh: L.TH.H.

TS.BS Nguyễn Bách, trưởng khoa thận - lọc máu Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM, cho biết trung bình mỗi tháng phòng khám chuyên khoa thận của bệnh viện khám khoảng 2.000 lượt người, có khoảng 10-15 người sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến chức năng thận.

Trong đó, có đến 2 bệnh nhân suy thận cấp phải nhập viện điều trị vì chức năng thận suy giảm quá nặng.

Thuốc thầy lang lẫn sừng tê giác vẫn...suy

Theo TS Bách, nhiều bệnh nhân suy thận cấp do tự ý sử dụng thuốc, sau khi được sinh thiết thận tìm nguyên nhân cho kết quả là có tổn thương hoại tử ống thận hoặc mô kẽ thận.

Đơn cử ông B.V.P. (74 tuổi, TP.HCM) bị suy thận cấp do viêm ống thận kẽ cấp tính phải nhập viện hồi tháng 4-2016.

Ông P. có tiền sử tai biến mạch máu não nên hay bị đau nhức chân tay. Ông P. kể tự mua thuốc ở một thầy lang uống. Sau ba ngày uống thì bị phù hết cả người. Sau khi được lọc máu, chức năng thận của ông chỉ hồi phục một phần.

Tương tự, ông P.V.H. (80 tuổi, TP.HCM) có tiền sử viêm khớp, thường xuyên bị đau nhức. Sau thời gian uống thuốc do bác sĩ kê toa không bớt, nghe lời khuyên của người hàng xóm ông H. đến một thầy lang mua thuốc uống.

Uống được một tuần ông thấy mặt nằng nặng mới tìm thầy lang hỏi. Thầy nói không sao, cứ uống tiếp sẽ hiệu quả. Nghe lời, ông uống thêm một tuần nữa thì thấy mệt, tiểu ít, mặt bị phù to mới vội đi bệnh viện.

Khi nhập viện thì chức năng thận của ông đã rất xấu do suy thận cấp, phải chạy thận nhân tạo ba lần mới hồi phục.

Trước đó, tháng 1-2016 bệnh viện tiếp nhận bà L.T.N. (87 tuổi, TP.HCM). Do lớn tuổi nên bà hay nhức mỏi khớp, đau lưng. Con bà nghe nói uống bột mài ra từ sừng tê giác rất tốt nên đã mua về mài cho bà uống khoảng ba tháng.

Sau thời gian uống sừng tê giác, bà N. không khỏe lên mà thấy mệt mệt, ăn uống kém nên đi khám. Qua xét nghiệm, bác sĩ thấy chức năng thận của bệnh nhân xấu đi nhiều, dù trước đó bà đến khám sức khỏe nhiều lần tại Bệnh viện Thống Nhất thì chức năng thận bình thường.

Tuy chỉ phải điều trị nội khoa nhưng thận của bà chỉ hồi phục một phần, hiện phải đi tái khám, theo dõi thận thường xuyên.

Hậu quả lọc thận suốt đời

Trường hợp ông T.N.P. (41 tuổi, người Trung Quốc), sau khi lấy vợ người VN, chờ lâu quá không có con nên hai vợ chồng ông đi khám. Bác sĩ kết luận vợ ông bình thường.

Nghĩ mình bị yếu sinh lý cần uống thuốc bồi bổ cho khỏe nên trong một lần về nước ông đã mua một loại thuốc mang về VN uống. Chỉ ba ngày sau khi uống, ông P. không đi tiểu được, người phù to. Ông P. phải chạy thận cấp cứu sáu lần vì viêm ống thận mô kẽ cấp tính.

Một người khác là ông U.Đ.N. (47 tuổi, TP.HCM) làm thợ hồ. Do công việc nặng nhọc nên khi bạn bè mời uống rượu thuốc để tăng cường sinh lực, bồi bổ cơ thể là ông uống.

Sau khi uống cả nhóm bốn người đều phải vào bệnh viện cấp cứu vì đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, suy thận. Trong đó ông N. nặng nhất phải lọc máu do hoại tử ống thận cấp.

Hay bệnh viện đã từng tiếp nhận ông N.B.L. (53 tuổi, Kon Tum). Sau khi uống rượu thuốc dân tộc với nhóm bạn thì tất cả 10 người đều bị ói mửa, tiểu ra máu nhưng ông L. suy thận nặng nhất nên được chuyển về Bệnh viện Thống Nhất.

Ông L. phải chạy thận nhân tạo cấp cứu sáu lần, tuy thoát chết nhưng thận của ông không hồi phục mà phải lọc thận nhân tạo suốt đời.

Cảnh giác với thuốc “lạ”

Theo TS Bách, hiện thị trường thuốc có rất nhiều loại và nhiều nơi bán tự do không cần toa bác sĩ. Ngoài ra, còn có thực phẩm chức năng, thuốc y học cổ truyền không rõ nguồn gốc bán tràn lan, thầy lang hành nghề không phép... khiến cho không ít người nghe theo lời rỉ tai, tư vấn của người quen, người bán mà mua uống và bị suy thận đột ngột.

Có người sau khi điều trị chức năng thận hồi phục một phần nhưng cũng có người dù được cứu sống nhưng thận bị suy hoàn toàn, phải chạy thận nhân tạo lọc máu suốt đời.

Có hai nhóm bệnh nhân thường bị suy thận đột ngột do dùng thuốc tây không đúng chỉ định, hoặc tự dùng một số loại thuốc tễ, thuốc có chữ Tàu, cây cỏ cắt lát, thuốc bắc, thực phẩm chức năng... không rõ nguồn gốc. Có người lại sử dụng bột sừng tê giác, rượu thuốc.

Nhóm một thường là người già có bệnh đau lưng, đau khớp mãn tính luôn mong muốn hết hẳn đau nhức.

Do thuốc tây có hạn chế uống thì bớt, hết thuốc bị lại nên người đau dễ chán nản và đi tìm lối thoát khác. Nhóm hai thường là người trẻ, trung niên muốn bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lý cho mạnh lên.

Để tránh bị suy thận đột ngột, TS Bách khuyên cần phải cảnh giác với các loại thuốc “lạ”. Trước khi sử dụng thuốc gì cần tìm hiểu kỹ. Chỉ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, thuốc có nguồn gốc, hạn sử dụng và công dụng rõ ràng.

Không tự ý mua và lạm dụng thuốc kháng viêm non-steroide để giảm đau nhức vì nhóm thuốc này có thể gây biến chứng suy thận cấp.

Y học cổ truyền cũng rất tốt, có nhiều biện pháp để giảm đau không dùng thuốc nhưng nên đến cơ sở y tế chính thống, có giấy phép hoạt động để giảm thiểu rủi ro cho sức khỏe. Không đến thầy lang, uống “thuốc gia truyền” theo kiểu truyền miệng.

Triệu chứng suy thận

Suy thận cấp: biểu hiện đầu tiên là phù mặt hoặc toàn thân, không tiểu được hoặc tiểu ít (lượng nước tiểu thải ra dưới 400ml/ngày), đi nước tiểu đổi màu sang sậm vàng hoặc đỏ. Kèm theo triệu chứng nôn ói, tiêu chảy cấp.

Nhóm này thường thể hiện là bị ngộ độc thuốc rõ ràng và nhanh chóng. Có khi bệnh nhân thấy mệt, nhức đầu, có thể bị tổn thương cả gan, thần kinh, tiêu hóa.

Suy thận mãn: thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng điển hình, có thể có tăng huyết áp, da niêm xanh xao, nhợt nhạt, không phù, không thay đổi nước tiểu.

Suy thận mãn đa số phát hiện trễ và bệnh nhân đi khám không phải vì triệu chứng ở thận mà vì lý do sức khỏe khác nên mới phát hiện ra bệnh.

Chỉ trong vòng một tuần đầu tháng 10-2016, khoa thận - lọc máu Bệnh viện Thống Nhất liên tục tiếp nhận ba bệnh nhân đã được chẩn đoán suy thận mãn phải nhập viện cấp cứu vì suy thận nặng lên sau khi sử dụng thuốc nam, thuốc không rõ nguồn gốc.

Theo TS Bách, từng có người bỏ chạy thận 10-15 ngày để đi uống nước giếng, cây cỏ nào đó và phải nhập viện cấp cứu, khiến cho chức năng thận đã suy thận mãn càng xấu càng suy giảm nặng hơn và nguy hiểm đến tính mạng.

LÊ THANH HÀ - [email protected]

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Xe khách chở 24 người hành hương va chạm xe tải, nhiều người nhập viện

Trên lộ trình hành hương, một xe du lịch chở 24 người đi từ TP.HCM đến Bảo Lộc đã xảy ra va chạm với xe tải, khiến nhiều người nhập viện nguy kịch.

Xe khách chở 24 người hành hương va chạm xe tải, nhiều người nhập viện

Nhân viên y tế bị hành hung: Bộ Y tế chỉ đạo lắp camera giám sát, tập huấn kỹ năng giao tiếp

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước về việc tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.

Nhân viên y tế bị hành hung: Bộ Y tế chỉ đạo lắp camera giám sát, tập huấn kỹ năng giao tiếp

Tập đoàn TH khánh thành nhà máy chế biến sữa tươi sạch công suất hàng đầu Liên bang Nga

Ngày 11-5, tại tỉnh Kaluga, Liên bang Nga, Tập đoàn TH khánh thành nhà máy chế biến sữa tươi sạch quy mô lớn hàng đầu nước Nga.

Tập đoàn TH khánh thành nhà máy chế biến sữa tươi sạch công suất hàng đầu Liên bang Nga

Đam mê cờ bạc có phải bệnh lý tâm thần?

Hành vi đánh bạc kéo dài, mất kiểm soát, bất chấp hậu quả từ tài chính đến tinh thần có thể không chỉ là thói quen hay đam mê nhất thời, mà còn là một dạng rối loạn tâm thần được y học chính thức công nhận.

Đam mê cờ bạc có phải bệnh lý tâm thần?

Chân dung nữ bác sĩ trẻ được ông Trump đề cử vị trí Tổng y sĩ Mỹ

Việc bác sĩ Casey Means, 38 tuổi, được Tổng thống Trump đề cử vị trí quyền lực nhất ngành y tế công cộng vấp phải làn sóng phản đối từ các tổ chức y tế và truyền thông Mỹ.

Chân dung nữ bác sĩ trẻ được ông Trump đề cử vị trí Tổng y sĩ Mỹ

Bệnh não mô cầu dễ lây lan, nguy cơ xuất hiện thêm ca cộng đồng, phòng bệnh thế nào?

Các chuyên gia nhận định bệnh não mô cầu có nguy cơ cao xuất hiện thêm các ca bệnh trong cộng đồng trong thời gian tới. Với tỉ lệ tử vong của bệnh có thể từ 8 - 15% và dễ lây lan, cần làm gì phòng bệnh?

Bệnh não mô cầu dễ lây lan, nguy cơ xuất hiện thêm ca cộng đồng, phòng bệnh thế nào?
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar