Trong bài đăng tải trên tạp chí y khoa PLOS, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng trong mỗi 1.000 trẻ được tiêm ngừa văcxin RTS,S trung bình có thể ngăn ngừa khoảng 800 trường hợp bị sốt rét. Tại các thí nghiệm đang tiến hành, loại văcxin này có tác dụng trong khoảng 18 tháng sau khi chủng ngừa.
Theo BBC, công ty dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) có trụ sở tại Anh đang phát triển dòng văcxin RTS,S này bên cạnh chương trình Sáng kiến văcxin sốt rét của tổ chức phi lợi nhuận PATH (Mỹ) với sự tài trợ từ Quỹ Bill & Melinda Gates.
Nghiên cứu sốt rét tiên tiến nhất này đã tiến hành trên 1.500 trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tại nhiều quốc gia châu Phi. Mặc dù tác dụng của văcxin sẽ suy yếu dần theo thời gian, báo cáo cho thấy RTS,S có tác động rất lớn tại khu vực có tỉ lệ mắc bệnh sốt rét cao. Nhóm nhận thấy sau 18 tháng chủng ngừa, văcxin giúp giảm hơn một nửa các trường hợp nhiễm sốt rét ở trẻ nhỏ và 1/4 số trường hợp ở trẻ sơ sinh.
BBC cho biết GSK đang đề nghị Cơ quan y khoa châu Âu cho áp dụng loại văcxin này trên toàn cầu. Theo GSK, cùng với các phương pháp phòng ngừa như sử dụng mùng và thuốc diệt muỗi, văcxin RTS,S có thể là một bước tiến lớn giúp kiểm soát dịch sốt rét.
Các nhà khoa học đang tìm hiểu xem liệu tiêm chủng thêm một liều văcxin tăng cường có thể giúp cải thiện khả năng chủng ngừa của RTS,S hay không. “Mặc dù không cung cấp sự bảo vệ 100% nhưng đối với các khu vực thường xuyên có bệnh sốt rét thì hiệu quả là tương đối cao” - giáo sư Brian Greenwood thuộc Trường Vệ sinh và y học nhiệt đới London chia sẻ. Giáo sư Sanjeev Krishna thuộc ĐH St George của London nhìn nhận: “Đây là một cột mốc quan trọng”.
Bình luận hay