12/12/2024 06:50 GMT+7
Trở lại chủ đề

Sau 8 năm tạm dừng, Ninh Thuận chuẩn bị làm điện hạt nhân

Sau 8 năm tạm dừng, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vừa được Quốc hội thống nhất chủ trương tái khởi động, tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh mới.

Ninh Thuận chuẩn bị làm điện hạt nhân - Ảnh 1.

Bờ biển thôn Vĩnh Trường, địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 - Ảnh: AN ANH

Trước chủ trương này, trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo tỉnh, các kỹ sư du học về điện hạt nhân và người dân tin tưởng rằng việc đầu tư dự án điện hạt nhân tại tỉnh sẽ tạo ra nhiều cơ hội không chỉ về an ninh năng lượng mà còn phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội địa phương.

Gặp lại người được học về điện hạt nhân

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư lần đầu vào năm 2009. Tổng diện tích quy hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 là 1.642,22 ha, ảnh hưởng đến 1.100 hộ dân với gần 4.000 người.

Sau khi công bố quy hoạch địa điểm, tỉnh đã chỉ đạo hoàn thành công tác đo đạc, kiểm kê, áp giá bồi thường tại địa điểm dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, các khu tái định canh định cư, khu nghĩa trang, với tổng diện tích 479 ha/1.029 ha và triển khai 10 dự án thành phần phục vụ tái định cư.

Đồng thời tỉnh Ninh Thuận cũng đã cử 88 học sinh, sinh viên tham gia học tập ngành công nghệ hạt nhân tại Liên bang Nga. Đến nay có 44 người tốt nghiệp về nước và được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giới thiệu việc làm, 29 người tự tìm việc làm và còn 15 người chưa về nước.

Sau hơn 6 năm học tập và nghiên cứu công nghệ điện hạt nhân ở Nga, hiện anh Nguyễn Nhật Trường (phường Văn Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm) đã trở về nước và làm việc tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân.

Anh Trường kể năm 2013 anh là một trong những học sinh đầu tiên ở Ninh Thuận được cử sang Nga để học tập ngành thiết kế, xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân tại Đại học Tổng hợp quốc gia Nga nghiên cứu về hạt nhân "MEPhI".

Đến năm 2016, khi có chủ trương tạm dừng dự án điện hạt nhân, bản thân anh cùng nhiều du học sinh khác có lo lắng nhưng vẫn không ngừng học tập với mong muốn sớm trở về cống hiến cho quê hương.

"Nay dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được tái khởi động, mở ra cơ hội mới cho nguồn năng lượng sạch của quốc gia và là xu hướng của thế giới hiện nay. Tôi hy vọng dự án sớm được triển khai thực hiện và nếu có cơ hội sẽ đóng góp sức mình bằng những kiến thức học ngay trên chính quê nhà" - anh Trường nói.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dung, một du học sinh ngành điện hạt nhân khác, đã về nước năm 2021, phấn khởi nói việc tái khởi động điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ mở ra cơ hội mới cho nhiều du học sinh trở về cống hiến đúng chuyên ngành.

Ngoài ra, dự án cũng sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới cho học sinh sinh viên và người dân địa phương nói chung.

"Những gì chúng tôi đã được học cho thấy công nghệ điện hạt nhân rất hiện đại, tạo ra nguồn năng lượng dồi dào để phục vụ các ngành kinh tế. Vì thế, tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm có nhà máy điện hạt nhân và bản thân được đóng góp vào sự phát triển đó" - chị Dung chia sẻ.

Ninh Thuận chuẩn bị làm điện hạt nhân - Ảnh 2.

Đồ họa: TUẤN ANH

Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Quốc Nam - chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - nói Trung ương, Quốc hội quyết định tiếp tục thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận là "vinh dự lớn của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Thuận".

"Ninh Thuận sẽ có kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể ngay sau khi có lộ trình của Trung ương về các công việc của nhà máy điện hạt nhân.

Ngoài ra, tỉnh cũng mong muốn các bộ ngành trung ương có những cơ chế chính sách hỗ trợ địa phương trong việc đảm bảo sinh kế cho người dân vùng dự án khi về nơi ở mới, đảm bảo các điều kiện về đời sống, sinh hoạt, sản xuất cho người dân" - ông Nam nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nói thêm tỉnh có tiềm năng về phát triển năng lượng nói chung, trong đó có năng lượng tái tạo, được Chính phủ xác định là trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018.

Tỉnh đã xác định năng lượng là ngành trụ cột quan trọng số 1 của tỉnh trong quy hoạch và phát triển điện hạt nhân nhằm đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân, có đóng góp hiệu quả trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm năng khoa học - công nghệ của đất nước.

Ninh Thuận đã đề nghị Bộ Công Thương trong quá trình triển khai chiến lược phát triển điện hạt nhân cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng Ninh Thuận thành "trung tâm công nghiệp xanh, sạch" nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho tỉnh Ninh Thuận cũng như cho cả nước trong phát triển kinh tế - xã hội.

Còn ông Lê Kim Hoàng - giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận - cho hay việc tái khởi động điện hạt nhân sẽ mở ra cơ hội mới cho tỉnh Ninh Thuận trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, biến Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước.

Do đó, ngành sẽ khẩn trương tham mưu điều chỉnh kế hoạch kêu gọi đầu tư đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể khi có dự án điện hạt nhân.

"Việc điều chỉnh quy hoạch sẽ thực hiện theo hướng rút gọn để đảm bảo tiến độ, dự kiến sẽ hoàn thành sớm nhất trong năm 2025" - ông Hoàng nói.

Trước đó, tại buổi làm việc với Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương, ông Nguyễn Đức Thanh - bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận - cho biết thực hiện nghị quyết của Trung ương về thực hiện một số cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023, tỉnh đã phê duyệt đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư, quy hoạch chuyển đổi đất đai tạo điều kiện ổn định sản xuất của nhân dân.

Điều quan trọng là tỉnh vẫn giữ các vị trí đã quy hoạch, đảm bảo thuận lợi để tái khởi động dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

Điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh cho hay tỉnh Ninh Thuận cũng xin chủ trương của Trung ương điều chỉnh quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó bổ sung định hướng phát triển nhà máy điện hạt nhân.

Phát biểu tại kỳ họp lần thứ 22 HĐND tỉnh Ninh Thuận khóa XI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 (từ ngày 9 đến ngày 10-12), ông Phạm Văn Hậu - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận - nhấn mạnh việc tái khởi động dự án điện hạt nhân sẽ tác động lớn đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận 5 năm tới.

Ông Hậu đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành khẩn trương tham mưu điều chỉnh kịp thời các quy hoạch đã ban hành như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các dự án... đảm bảo phù hợp với chủ trương chung về phát triển điện hạt nhân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Người dân phải được hưởng thành quả của phát triển

Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo chuẩn bị tốt các điều kiện để tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận khi thăm và làm việc với Tỉnh ủy Ninh Thuận vào ngày 5-12.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, trên thế giới hiện nay điện hạt nhân ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm lựa chọn và tiếp tục phát triển. Nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam hết sức cấp thiết, được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao.

Việc phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ giúp đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.

Bên cạnh đó, làm dự án điện hạt nhân này còn là cơ hội để nước ta phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu, có thể học hỏi và làm chủ công nghệ hạt nhân của thế giới sau này.

Tổng Bí thư mong muốn người dân Ninh Thuận và các địa phương lân cận chia sẻ, dành nguồn lực (đất đai, tài nguyên) để phát triển dự án năng lượng phục vụ sự phát triển cho cả nước thì chắc chắn sẽ phải được tái phân phối, thụ hưởng những thành quả xứng đáng của sự phát triển.

Đảng và Nhà nước sẽ phải đảm bảo lựa chọn những công nghệ hạt nhân tốt nhất, chọn những đối tác tư vấn tốt nhất, đào tạo nhân lực quản lý tốt nhất để đảm bảo vận hành an toàn và hiệu quả dự án năng lượng này của quốc gia, không chỉ vì thế hệ hiện tại mà còn cho thế hệ con cháu mai sau.

Cơ hội khi có nhà máy điện - bài học từ Bình Thuận

Ninh Thuận chuẩn bị làm điện hạt nhân - Ảnh 2.

Hạ tầng đường sá của xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận đang được cải thiện, nâng cấp mở rộng - Ảnh: ĐỨC TRONG

Những ngày này, con đường chính nối từ quốc lộ 1 vào các thôn Vĩnh Phúc và Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đang tất bật nâng cấp.

Vào các giờ cao điểm, tan tầm luôn tấp nập công nhân từ các nhà máy thuộc Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân qua lại. Những hàng quán ăn uống, dịch vụ khách sạn, nhà trọ mọc lên đông đúc từ khi có các nhà máy nhiệt điện này.

Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân hiện có 4 nhà máy đang hoạt động ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Vì vậy đây là xã chịu tác động trực tiếp về mọi mặt cả về môi trường lẫn phát triển kinh tế.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân Nguyễn Thanh Long cho hay trước khi có các nhà máy nhiệt điện, cuộc sống người dân ở xã phụ thuộc chính vào nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đi biển. Lúc đó vất vả lắm vì thời tiết khắc nghiệt. Bây giờ các nghề này vẫn còn nhưng giảm dần.

Nhiều con em của xã được hỗ trợ học tập rồi vào nhà máy làm việc, kinh tế ổn định hơn. Ngoài ra, bà con ở xã cũng chuyển đổi sang làm dịch vụ, buôn bán, mở nhà trọ... để phục vụ người làm việc tại các công trình nhà máy.

Theo ông Long, diện mạo của xã thay đổi rõ nhất là hạ tầng đường sá, trường học, trạm y tế...

"Khi các nhà máy đi vào hoạt động, tỉnh có thêm nguồn thu chủ lực và ổn định hơn. Từ đó "thong thả" phân bổ đến địa phương để phát triển hạ tầng, sửa sang trường học. Hiện nay ở xã đang tập trung nâng cấp mở rộng hai tuyến đường vào xóm Bảy, Hầm Đá để phục vụ người dân sống cạnh trung tâm nhiệt điện" - ông Long nói tiếp.

Nhờ kết quả này, ông Long cho biết năm 2020 xã Vĩnh Tân đạt được tiêu chí nông thôn mới.

Tương tự, ông Võ Đức Thuấn - phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phong - cho biết trong tổng số hơn 1.400 lao động đang làm việc trong các nhà máy hiện nay, có khoảng 40% là lao động địa phương này.

"Kinh tế của huyện chuyển dịch dần từ nông nghiệp sang công nghiệp cũng ảnh hưởng lớn từ 40% lao động vào các nhà máy nhiệt điện làm việc", ông Thuấn phân tích.

Theo ông Thuấn, kể từ khi có nhà máy, ngoài việc con em có việc làm ổn định, nhiều người dân ở địa phương cũng chuyển đổi thêm qua ngành nghề dịch vụ để hưởng lợi, từ đó thu nhập ổn định và tăng cao hơn.

Ông Phan Ngọc Cẩm Thành - phó tổng giám đốc Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 - cho biết từ khi đưa vào vận hành 6 năm trước, nhà máy đã đóng cho ngân sách hơn 4.000 tỉ đồng, riêng năm 2024 hơn 700 tỉ đồng.

Hiện nhà máy có gần 140 lao động nước ngoài và khoảng 600 lao động trong nước (con em địa phương chiếm 75% số lao động trong nước).

Cũng theo vị đại diện Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, phần lớn lao động làm việc tại đây là người Bình Thuận và Ninh Thuận.

Ông Võ Đức Thuấn cho biết thêm ngoài hoạt động sản xuất điện, các nhà máy tại trung tâm còn đồng hành cùng địa phương trong các chương trình phúc lợi xã hội, đóng góp vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, hạ tầng đường giao thông.

Bộ Công Thương: Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận có quy mô đầu tư tỉ USD

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết dự kiến dự án điện hạt nhân Ninh Thuận có quy mô đầu tư lên tới tỉ USD và 'kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích'.

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Phải kiểm soát chất lượng sầu riêng từ vườn đến từng công hàng xuất khẩu

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy yêu cầu phải kiểm soát chất lượng sầu riêng từ vườn đến từng công hàng xuất khẩu.

Phải kiểm soát chất lượng sầu riêng từ vườn đến từng công hàng xuất khẩu

Boeing chi 1,1 tỉ USD để tránh bị truy tố vụ 737 MAX làm 346 người chết, dư luận phẫn nộ

Theo thỏa thuận, Boeing sẽ nộp phạt 1,1 tỉ USD để đổi lấy việc DOJ hủy bỏ cáo buộc hình sự đối với hãng.

Boeing chi 1,1 tỉ USD để tránh bị truy tố vụ 737 MAX làm 346 người chết, dư luận phẫn nộ

Bảy vấn đề của ngành sầu riêng cần khắc phục cấp bách

Đánh giá về ngành hàng sầu riêng Việt Nam, các nhà quản lý, chuyên gia cho rằng có bảy tồn tại, hạn chế cần phải cấp bách khắc phục và hành động quyết liệt trong thời gian tới, để phát triển bền vững ngành hàng tỉ đô.

Bảy vấn đề của ngành sầu riêng cần khắc phục cấp bách

Đồng Nai: Điều tra một doanh nghiệp nghi sản xuất phân bón giả

Sau khi nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, giám đốc doanh nghiệp đặt mua bao bì, cho công nhân pha trộn, đóng gói rồi bán phân bón thành phẩm ra thị trường.

Đồng Nai: Điều tra một doanh nghiệp nghi sản xuất phân bón giả

Cần tỉnh táo trước khi 'chốt đơn'

Tôi đã từng livestream để bán sách. Đây là công việc không dễ dàng. Nguyên ê kíp phải chuẩn bị kịch bản, các nội dung khuyến mãi, set up trường quay, lưu ý các từ không được nói...

Cần tỉnh táo trước khi 'chốt đơn'

Tăng trưởng 2 con số bền vững, giải pháp nào?

Nhiều đại biểu Quốc hội đã hiến kế để khơi thông thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và kinh tế mới nổi, tạo nền tảng tăng trưởng 2 con số.

Tăng trưởng 2 con số bền vững, giải pháp nào?
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar