
Nhà máy xử lý rác thành phố Phan Thiết do Công ty TNHH Nhật Hoàng làm chủ đầu tư phải dừng hoạt động, để khắc phục các vi phạm về môi trường - Ảnh: ĐỨC TRONG
Tưởng chừng Nhà máy xử lý rác thành phố Phan Thiết do Công ty TNHH Nhật Hoàng làm chủ đầu tư đi vào hoạt động sẽ giải quyết bài toán ô nhiễm của bãi rác lộ thiên Bình Tú. Nhưng hoạt động được ít tháng, nhà máy trên phải dừng đến 6 tháng theo quyết định của Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng để khắc phục các vi phạm pháp luật về môi trường.
Dừng hoạt động để khắc phục vi phạm môi trường
Theo đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Phan Thiết, vừa qua các đơn vị chức năng đã phát hiện nhiều vi phạm về môi trường tại nhà máy trên. Vì vậy, cơ quan thẩm quyền yêu cầu chủ đầu tư dừng hoạt động 6 tháng, kể từ ngày 1-7.
UBND phường Tiến Thành (mới) phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh phải đảm bảo rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố Phan Thiết (cũ) được thu gom, vận chuyển, xử lý hằng ngày.
Đồng thời các đơn vị chức năng phải xử lý để không gây bức xúc, phức tạp về tình hình an ninh trật tự, mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường tại địa phương.
Theo đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Phan Thiết, cách đây mấy tháng, chủ đầu tư Nhà máy xử lý rác thành phố Phan Thiết đưa vào vận hành chính thức và tiếp nhận 100% lượng rác phát sinh ở địa bàn (khoảng 300 tấn/ngày).
Việc này đồng nghĩa bãi rác lộ thiên Bình Tú lớn nhất tỉnh Bình Thuận (cũ) sẽ dừng tiếp nhận, chuyển sang giai đoạn đóng cửa và xử lý rác tồn đọng.
Bãi rác ô nhiễm lại "gồng mình" nhận rác
Trước đây bãi rác Bình Tú là bãi hở, lộ thiên, nhưng gần khu dân cư và các dự án lớn nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh, đặc biệt là ô nhiễm không khí, nguồn nước mặt, nước ngầm do nước rỉ rác không được thu gom xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường, phát tán dịch bệnh.

Do lượng rác phát sinh hằng ngày trên địa bàn Phan Thiết và vùng lân cận không có chỗ chứa, tỉnh Bình Thuận (cũ) tiếp tục gia hạn bãi rác Bình Tú đến năm 2015. Tuy nhiên bãi này vẫn phải duy trì hoạt động đến cuối năm 2024 và tiếp tục nhận rác trở lại - Ảnh: ĐỨC TRONG
Do đó, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Phan Thiết cho rằng việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường hướng tới đóng cửa bãi rác Bình Tú là hết sức cần thiết và cấp bách.
Khi đóng cửa cuối năm 2024, bãi rác Bình Tú tồn đọng với khối lượng rác khoảng 856.824m3.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Phan Thiết cũng lập đề án đóng cửa, xử lý rác tồn đọng tại bãi Bình Tú. Thời gian chuyển giao tiếp nhận rác từ bãi Bình Tú sang Nhà máy xử lý rác thành phố Phan Thiết dự kiến 15 tháng.
Công ty TNHH Nhật Hoàng cam kết đầu năm 2025 sẽ tiếp nhận 100% khối lượng rác trên địa bàn thành phố Phan Thiết, thay cho bãi Bình Tú.
"Giờ Nhà máy xử lý rác thành phố Phan Thiết phải dừng hoạt động nên bãi Bình Tú phải tiếp nhận rác trở lại, vì nếu không đổ tại bãi này thì không có chỗ nào tiếp nhận được lượng rác phát sinh hằng ngày tại Phan Thiết (cũ). Việc này rất khó khăn nhưng không còn cách nào khác", đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Phan Thiết chia sẻ.
Theo vị đại diện trên, khi tiếp nhận rác trở lại thì đề án đóng cửa bãi Bình Tú cũng làm lại từ đầu, khó khăn chồng chất.

Bãi rác Bình Tú nằm trên khu vực đồi, cao khoảng 80m so với mực nước biển, với diện tích khoảng 26,22ha. Bãi này hoạt động từ năm 1999, lẽ ra phải đóng cửa vào năm 2008 - Ảnh: ĐỨC TRONG
Tại kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI (cũ) đã thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác Bình Tú tại xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết.
Dự án nhằm mục tiêu xử lý triệt để lượng rác hiện có tại bãi Bình Tú để đóng cửa nhằm đảm bảo môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 88,5 tỉ đồng, từ nguồn vốn đầu tư ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 - 2030.
Trong đó hạng mục chính là xây dựng bãi chôn rác thải với diện tích khoảng 6,2ha. Còn các hạng mục phụ gồm: xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải và nhà điều hành, đường nội bộ, điện, nước, sân vườn trồng cây xanh, cổng tường rào bảo vệ...
Bình luận hay