
Bãi rác Đắk Mâm hoạt động hơn 10 năm, nằm trên đồi cao, đã quá tải gây ô nhiễm - Ảnh: MINH PHƯƠNG
Đứng bên rẫy cà phê, nhìn bãi rác Đắk Mâm đang âm ỉ khói sáng 22-5, bà Nguyễn Thị Anh (thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô) nói: "Mùa này phải vô rẫy làm cỏ, chăm cây nhưng khói và mùi rác như hun người, không ai chịu nổi".
Bãi rác thải mùi hôi thối vào không khí, rỉ nước ra môi trường
Bãi rác Đắk Mâm hoạt động hơn 10 năm, nằm trên đồi cao, đã quá tải. Khói trắng từ rác cháy âm ỉ, mùi hôi thối len vào nhà. Trẻ nhỏ ho kéo dài, người lớn mệt mỏi, nhiều nhà phải đóng cửa suốt ngày, đeo khẩu trang như thời cao điểm COVID-19.
Nằm cách bãi rác 100m, gia đình bà Trần Thị Sửu chịu ảnh hưởng nặng nhất.
"Con tôi mất vì đột quỵ khi đi ngang bãi rác, chồng tôi bị ung thư phổi", bà kể và nói phải đeo khẩu trang 24/24 giờ, trừ lúc ăn cơm.
"Thở không nổi cũng phải ra rẫy làm việc, sống như bị hành hạ", bà bức xúc.

Nước rỉ rác cũng khiến ao chứa nước hộ gia đình anh Phạm Văn Phương đóng rêu xanh - Ảnh: MINH PHƯƠNG
Dòng nước thải đen từ bãi rác tràn xuống khu dân cư mỗi mùa mưa, làm người dân lo nguồn nước sinh hoạt bị ảnh hưởng.
"Năm 2017, cá trong hồ nhà tôi chết trắng vì nước thải từ bãi rác" - anh Phạm Văn Phương, một người dân có đất dưới chân bãi rác, nói.
Ông Nguyễn Hoàng Khôi, chủ tịch UBND thị trấn Đắk Mâm, xác nhận bãi rác đã quá tải, không thể xử lý hợp lý. Người dân nhiều lần kiến nghị, nhưng chưa giải quyết triệt để. Bãi rộng 2ha, có quy hoạch mở rộng lên 5,5ha nhưng vướng giải phóng mặt bằng vì người dân lo ô nhiễm nặng hơn.
Còn ông Doãn Gia Lộc, trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Krông Nô, cho biết huyện sẽ xử lý tạm bằng cách mở hố chứa rác tạm tại vị trí hiện hữu.
"UBND thị trấn Đắk Mâm sẽ làm chủ đầu tư, được bố trí kinh phí thi công, vận hành hố chứa tạm", ông nói.
Bãi rác cháy âm ỉ 4 tháng, tro bụi bao vây khu dân cư
Tình trạng ô nhiễm cũng nghiêm trọng tại bãi rác xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil. Ông Đỗ Tấn Cường, người dân gần đó, cho biết nhiều người bị viêm phổi do hít khói bụi rác mỗi ngày.
"Mùa khô khói phủ đầy vườn nhà, ai cũng ngột ngạt", ông nói.

Tình trạng ô nhiễm cũng nghiêm trọng tại bãi rác xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil - Ảnh: THANH HẰNG
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng - phó chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, bãi rác rộng 2,8ha, hoạt động từ năm 2011, cách khu dân cư 4km, cách trung tâm huyện 7km, có 5 ô chứa rác, từng nâng cấp xử lý ô nhiễm năm 2017 - 2018.
Mỗi ngày có khoảng 50 tấn rác từ thị trấn Đắk Mil và các xã lân cận đổ về. Rác không phân loại, đổ sai vị trí gây ùn ứ. Từ đầu năm 2025, bãi rác liên tục cháy âm ỉ do rác quá nhiều, địa hình trũng, thiếu phương tiện xử lý.
"Huyện chỉ đạo không đổ rác lên vùng đang cháy, san gạt tách rác cháy và rác mới. Huyện đã hợp đồng đơn vị có năng lực chôn lấp rác bằng nguồn vốn môi trường năm 2025. Huyện giao UBND xã Đắk Lao được kiểm tra, ngăn chặn đốt rác trái phép, tuyên truyền người dân không vứt rác dọc quốc lộ", ông Dũng nói.

Người dân quanh vùng lo lắng vì bãi rác cháy âm ỉ nhiều tháng nay, gây ảnh hưởng đến sức khỏe - Ảnh: MINH PHƯƠNG
Về lâu dài, huyện kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn diện tích 8,2ha tại xã Đắk Lao, trong danh mục thu hút đầu tư năm 2024.
"Trong khi chờ dự án, huyện tăng cường xử lý rác tạm, tránh ứ đọng. Kiến nghị tỉnh sớm xúc tiến xây dựng nhà máy, đóng cửa bãi rác hiện hữu đúng quy định", ông Dũng nói.
Ngoài hai bãi rác trên, Đắk Nông còn hai điểm gây ô nhiễm nghiêm trọng. Khu đất sân bay cũ (phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa) rộng 44ha bị biến thành bãi rác tự phát, chứa rác sinh hoạt, phế liệu xây dựng, xác động vật... Dù nằm ngay trung tâm, gần chợ, nơi này ô nhiễm nặng do dự án thương mại chậm triển khai.
Bãi chôn lấp rác thôn 8, thị trấn Kiến Đức rộng 0,5ha, tiếp nhận 15-20 tấn rác/ngày. Không có hệ thống xử lý nước rỉ rác hay khí thải, bãi rác thường xuyên đốt lộ thiên, phát tán khói bụi, mùi hôi, ảnh hưởng hàng trăm hộ dân lân cận. Dù được yêu cầu đóng cửa từ năm 2018, bãi rác vẫn hoạt động đến nay.
Bình luận hay