
Ông Hà Anh Đức, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - Ảnh: LÊ HẢO
Ai chịu trách nhiệm nếu hàng giả vào bệnh viện?
Thời gian qua, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả, thuốc giả. Một số sản phẩm phát hiện làm giả đã vào đến bệnh viện khiến người dân hoang mang.
Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố các bị can liên quan đến "chạy" chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh. Từ thuốc giả, thực phẩm chức năng giả đến giấy phép hành nghề cũng làm giả, kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Về vấn đề này, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về đánh giá đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế do Bộ Y tế tổ chức ngày 23-5, ông Hà Anh Đức - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cho rằng phòng chống hàng giả hàng nhái vào bệnh viện là một vấn đề lớn, liên quan đến nhiều nhóm sản phẩm, từ sản xuất đến tiêu thụ.
“Chuỗi sản xuất - kinh doanh - cung ứng hàng giả là một hệ thống các mắt xích liên kết với nhau nhằm tạo ra và đưa hàng hóa giả mạo đến tay người tiêu dùng. Chúng ta cần phải quản lý từ việc sản xuất, sau đó là kinh doanh các mặt hàng này. Ngăn ngừa nguy cơ các sản phẩm giả mạo đến tay người tiêu dùng...
Các sản phẩm vào trong các cơ sở khám chữa bệnh không chỉ thuốc mà cả hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng... Từ quầy thuốc bệnh viện đến căng tin hoàn toàn có thể tiềm ẩn nguy cơ hàng kém chất lượng tuồn vào. Gần đây, công an còn phát hiện chứng chỉ hành nghề giả" - ông Đức nói.
Theo ông Đức, đối với cơ sở y tế, hiện nay có quy chế kê đơn, yêu cầu các cơ sở y tế phải tuân thủ quy chế kê đơn, không được phép kê thực phẩm chức năng. Nếu cán bộ y tế kê đơn thực phẩm chức năng là sai quy định.
"Đối với các sản phẩm đưa vào bệnh viện, cơ sở y tế phải có trách nhiệm quản lý. Khi đấu thầu căng tin vào bệnh viện, căng tin phải chịu trách nhiệm nguồn gốc sản phẩm, nhập ở đâu, chất lượng sản phẩm ra sao... vì căng tin bệnh viện là bệnh viện cho đấu thầu vào. Vì vậy giám đốc các bệnh viện phải chịu trách nhiệm", ông Đức nhấn mạnh.
Xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý
Đối với sở y tế các tỉnh, thành phố, hiện đã được phân cấp đến 70% các thủ tục hành chính. Vì vậy việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phối hợp với cơ quan chức năng là hết sức cần thiết.
"Về giải pháp, chúng tôi đề xuất lãnh đạo Bộ Y tế sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu người hành nghề y trên toàn quốc, không phân biệt địa giới hành chính.
Tất cả những người hành nghề sẽ được quản lý như định danh cá nhân hiện nay.
Dữ liệu này sẽ cụ thể từ việc được phép hành nghề phạm vi đến đâu, trong khoảng thời gian nào, có vi phạm gì hay không...?
Tất cả thông tin đó sẽ được đưa lên cổng dữ liệu quốc gia để quản lý, không phân biệt y tế công hay tư nhân", ông Đức nói.
Về quản lý thuốc, ông cho hay hiện đang phối hợp với Cục Quản lý dược xây dựng thông tư liên quan đến đơn thuốc điện tử, kiểm soát định danh bác sĩ được phép kê đơn, bác sĩ kê đơn ra sao, kê thuốc gì, đơn vị nào bán thuốc đó... sẽ đều được quản lý.
"Chúng tôi cũng đang phối hợp với Cục Quản lý dược để có một cơ sở dữ liệu quốc gia về dược, dữ liệu về các cơ sở bán thuốc trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời sẽ tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc quản lý hành nghề y dược hiện nay", ông Đức nhấn mạnh.
Bình luận hay