03/05/2025 19:46 GMT+7
Trở lại chủ đề

Phim về những người ‘cầm súng Mỹ, ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản’ dành tặng tất cả người Việt Nam

Trên trang Facebook cá nhân, đạo diễn Nguyễn Đức Đệ, đồng biên kịch và đồng đạo diễn phim ‘Hành trình thống nhất’, nói bộ phim ‘dành tặng tất cả người Việt Nam trên trái đất này’.

Hành trình thống nhất - Ảnh 1.

Hai anh em ông Bổng và ông Hà, một người lính chế độ cũ, một người tham gia kháng chiến chống Mỹ - Ảnh chụp màn hình

Phim Hành trình thống nhất thuộc chuỗi các chương trình VTV đặc biệt, kỷ niệm 50 năm đất nước hòa bình, thống nhất.

Phim có thời lượng chỉ hơn 40 phút, không có lời bình như thường lệ mà theo phong cách điện ảnh tài liệu trực tiếp, những nhân chứng tự kể câu chuyện của họ.

Theo chân những người lính hai chiến tuyến, nay đều ngụ ở Bình Dương, Hành trình thống nhất là một trong những tác phẩm tài liệu đề cập trực diện đến nỗi đau chiến tranh và hành trình hòa giải dân tộc theo góc nhìn song hành từ hai phía.

Phim có nhiều câu chuyện, hình ảnh chân thực, gây xúc động, giúp khán giả cảm nhận một cách rõ nét vết thương quá khứ và nỗ lực hàn gắn của hiện tại, hành trình thống nhất đất nước và giá trị của hòa bình hôm nay.

Hồi tui đi lính, lá cờ mỗi bên mỗi khác. Giờ thống nhất rồi, nhà ông với nhà tui treo lá cờ giống nhau, cũng là cờ đỏ sao vàng. Có ai nói với tui 'mày đi lính, không được treo lá cờ này đâu'.
Ông Nguyễn Văn Chánh, lính chế độ cũ trước 1975

Nghiệt ngã cha con, anh em có đụng nhau vẫn phải bóp cò

Phim xoay quanh cuộc trò chuyện đầy cảm xúc giữa những con người từng ở hai đầu chiến tuyến, nay ngồi lại với nhau.

Ông Lê Văn Cũ - lính chế độ cũ trước 1975 - kể má ông, bà má miền Nam có chồng và một người con là lính Việt cộng, hai người con còn lại ở bên "quốc gia" (tức chế độ cũ). Đâu có người phụ nữ nào muốn cảnh đó. Còn đau xót nào hơn vậy?

Ông nói "thời đó, bên này và bên kia, dù cha con, anh em ruột nếu có đụng nhau vẫn phải bóp cò. Nếu bóp trễ thì anh sẽ chết". Lịch sử là thế.

Ông Ngô Hữu Hội (còn gọi là Bảy Hội), hạ sĩ quan của chế độ cũ trước 1975, tự nhận ông "cầm súng Mỹ, ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản".

Ông Hội có cha, anh trai và chị gái là Việt cộng, đi theo cách mạng rồi mất liên lạc. Tới tuổi, ông Hội bị bắt đi lính. 

"Nhưng tâm mình nhớ ai? Cha, anh, chị làm cộng sản. Hỏi giờ mình cầm súng đi kiếm mấy Việt cộng này hả? Mình vui hay buồn đây", ông nói.

Còn ông Nguyễn Văn Chánh, lính chế độ cũ trước 1975, hóm hỉnh nói lý lịch của ông hơi rắc rối "vì tui đi lính 2 - 3 thứ lận, bởi chiến tranh nên hổng đi bên này cũng đi bên kia".

Nhà ông Nguyễn Văn Bổng (còn gọi là Tư Bổng) có ba anh em, chỉ mình ông đi lính chế độ cũ. Anh trai ông, ông Nguyễn Văn Hà, một cán bộ kháng chiến chống Mỹ, nhớ lại "hồi đó thấy thằng này đi lính là ghét lắm. Nếu đụng vẫn phải bắn dù biết là anh em ruột. Hổng bắn, nó bắn mình cũng chết à".

Ông Bổng nói ở ấp ông sống thời đó, trong cùng một gia đình "nửa lính Việt Nam cộng hòa, nửa Việt cộng nhiều lắm, kể không hết".

Hành trình thống nhất - Ảnh 2.

Ông Thành chia sẻ - Ảnh chụp màn hình

Nửa thế kỷ sau, các ông ngồi bên nhau, gọi nhau là "anh em". Nghe ông Bảy Hội ca mà quặn lòng:

"Ba nén nhang cắm giữa bàn thờ. Lời khẩn nguyện nghe như lời tâm sự. Ông ơi! Tết đến rồi mà thằng Hội nó có về đâu. Nhà còn con gà, tui muốn làm thịt để cúng ông. Nhưng tui đợi nó về để vui say ba ngày Tết. Ngày quết bánh phồng, đêm trông nồi bánh tét. Chờ đợi mỏi mòn mà nó có về đâu".

Nghe ông Bảy ca, những người còn lại dụi nước mắt. Hồi các ông đi lính, mẹ cũng ngồi nhà và khóc như vậy.

Trích phim Hành trình thống nhất - Clip quay lại từ phim

"Trả súng đạn này ôi sạch nợ sông núi rồi…"

Phim ghi lại một phân cảnh khá xúc động: ông Bảy Hội vừa đi bộ vừa hát: "Trả súng đạn này, ôi sạch nợ sông núi rồi/ Anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao/ Vui cùng ruộng nương, cùng đàn trâu/ Với cây đa khóm trúc hàng cau/ Với con đê có chiếc cầu tre…".

Ông Ngô Quý Đồng, em ruột ông Bảy Hội, cũng là một người lính chế độ cũ, nói "tàn cuộc chiến rồi mà".

Ông Nguyễn Tấn Thạnh, cán bộ cách mạng, kể lại hồi ông đi du kích ở đây thì ông Bảy còn nhỏ. Việc ông Bảy đi lính "quốc gia", cả ấp hiểu đó là yếu tố thời cuộc. Sau giải phóng, "bà con còn bầu anh em nhà ông Bảy làm trưởng ấp, công an ấp để phục vụ xã hội cùng chung với mình".

Ông Thạnh cho rằng "nếu mình nghĩ thằng cha này như này như kia thì chưa đúng, mình chưa phải người cộng sản", "mình và họ giờ là một. Vì giờ anh và tui cũng đều xây dựng đất nước, cả hai chung nhau một lý tưởng".

Phim về những người ‘cầm súng Mỹ, ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản’ dành tặng tất cả người Việt Nam - Ảnh 6.

Ông Lê Văn Cũ (trái) và ông Nguyễn Hữu Hội, phía sau là bàn thờ nhà ông Cũ, thờ những người lính ở hai bờ chiến tuyến - Ảnh chụp màn hình

Hồi xưa, những người lính ở phe bên kia bị gọi là "lính đánh thuê", "không có Tổ quốc". Nhưng giờ không có bên này bên kia, ai cũng "thương nhau vì hoàn cảnh bắt buộc thế, giờ coi nhau như anh em một nhà".

Ông Cầu nói cuộc đời ông cũng có những cái buồn nhưng 80 tuổi sống vậy cũng được rồi. Chỉ thiệt thòi là không thấy đường, không nhìn thấy đất nước thay đổi… Quan trọng nhất giờ ai cũng là anh em, chuyện cũ bỏ qua, mình phải sống chung hòa hợp.

Hành trình thống nhất - Ảnh 5.

Tại nghĩa trang liệt sĩ TP Tân Uyên - Ảnh chụp màn hình

Nước mắt trong căn nhà rong rêu ký ức và hành trình thống nhất

Hai anh em ông Hội đến Nghĩa trang liệt sĩ TP Tân Uyên (Bình Dương) tìm mộ anh trai Nguyễn Thanh Sơn. 50 năm rồi, vẫn hy vọng tìm được nhưng rốt cuộc vẫn không tìm thấy. Gia đình muốn tìm để nói lại cho con cháu biết lịch sử dòng giống của mình, hiểu hơn về lịch sử.

Không tìm thấy mộ anh, hai ông đốt nhang, khấn trước mộ những liệt sĩ ở đây: "Giờ mấy ông cũng như anh tui. Sẵn bữa nay, cũng là thanh minh, đi tảo mộ, các anh em chứng nhận giùm nha".

Hai ông cũng đến Nghĩa trang nhân dân Bình An (nghĩa trang quân đội thời chế độ cũ trước 1975, trước có tên Nghĩa trang Biên Hòa), thắp nhang cho những người lính ở đây.

"Hôm nay anh em tụi tui xuống đây, cũng là lính giống nhau, đốt cho anh em nén hương, nay giải phóng rồi, anh em phù hộ bà con sống khỏe, nước Việt Nam làm ăn ngày càng tấn tới", ông Bảy khấn.

Phim về những người ‘cầm súng Mỹ, ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản’ dành tặng tất cả người Việt Nam - Ảnh 8.

Nghĩa trang nhân dân Bình An - Ảnh chụp màn hình

Những nhà làm phim đưa vào câu chuyện Nghĩa trang liệt sĩ TP Tân Uyên và Nghĩa trang nhân dân Bình An - từng được xem là vùng "nhạy cảm" trong lịch sử chiến tranh - cho thấy nỗ lực hàn gắn, hòa giải dân tộc. Mở ra một cách tiếp cận nhân văn trong bối cảnh hậu chiến một cách trực diện.

Phim kết lại bằng cảnh ông Bổng đứng một mình trong căn nhà rong rêu ký ức vẫn còn luẩn quẩn. Ông nói sau giải phóng rồi, anh em trong nhà đối xử với ông rất tốt, rất bình thường. Không ai nói qua nói lại, đâm thọc gì. 

Ông kể về má ông, người đàn bà lúc nào cũng "muốn con mình sống, hổng mất đứa con nào" nhưng ngày anh hai ông Bổng bị Mỹ bắn chết ở khóm Cây Đa năm 1966, bà khóc hết nước mắt. "Mỗi lần nhìn thấy má tui khóc, tui nghĩ tới việc tui cầm súng Mỹ, tui khóc", ông nói.

Hành trình thống nhất - Ảnh 7.

Hai anh em từng ở bên kia chiến tuyến giờ nắm tay nhau đi giữa hòa bình - Ảnh chụp màn hình

Chuỗi chương trình đặc biệt trên VTV nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng chuỗi chương trình đặc biệt, đa dạng nội dung, hình thức.

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Không chỉ ở Việt Nam, phim Doraemon mới cũng gây tranh cãi lồng tiếng tại Nhật

Một số tin tức nổi bật: Phim Doraemon mới cũng từng gây tranh cãi với vai lồng tiếng khách mời tại Nhật; Alex Garland đạo diễn phim live-action Elden Ring; Yoasobi thắng lớn tại Music Awards Japan 2025...

Không chỉ ở Việt Nam, phim Doraemon mới cũng gây tranh cãi lồng tiếng tại Nhật

Rạp phim đóng cửa, truyền hình dời lịch chương trình giải trí, hoãn show trong hai ngày Quốc tang

Không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng trong thời gian tổ chức lễ Quốc tang; nhiều đơn vị, cá nhân tiếp tục ra thông báo tạm hoãn các chương trình.

Rạp phim đóng cửa, truyền hình dời lịch chương trình giải trí, hoãn show trong hai ngày Quốc tang

Thu Trang: 'Làm phim chuyên nghiệp, mình không vô tư được nữa'

Các đạo diễn Thu Trang, Lý Hải, Nguyễn Quang Dũng... cùng TS Ngô Phương Lan làm giám khảo cuộc thi phim ngắn Vietnamese 2025.

Thu Trang: 'Làm phim chuyên nghiệp, mình không vô tư được nữa'

Phim của Elle Fanning nhận tràng pháo tay dài kỷ lục ở Cannes, tiến gần đến Cành cọ vàng

Sentimental Value có sự góp mặt của Elle Fanning nhận tràng pháo tay dài 15 phút - dài nhất tại kỳ liên hoan năm nay. Phim đạt 100% Rotten Tomatoes và nhiều nhà phê bình gọi đây là phim hay nhất của Cannes 2025 hiện tại.

Phim của Elle Fanning nhận tràng pháo tay dài kỷ lục ở Cannes, tiến gần đến Cành cọ vàng

Diddy đột nhập vào nhà, phóng hỏa xe của rapper Kid Cudi?

Một số tin tức nổi bật: Kết luận cuối cùng vụ án Tangmo Nida; Mino Winner bị khởi tố; Taylor Swift thoát khỏi vụ kiện giữa Justin Baldoni và Blake Lively; Cựu tay trống The Devil Wears Prada qua đời vì tai nạn máy bay...

Diddy đột nhập vào nhà, phóng hỏa xe của rapper Kid Cudi?

Hwang Jung Eum bị phong tỏa tài sản; Disney thu 2,6 tỉ USD nhờ ăn theo Stitch

Một số tin tức nổi bật: Hwang Jung Eum bị phong tỏa tài sản; Disney thu 2,6 tỉ USD từ việc 'ăn theo' thương hiệu Stitch; Tùng Dương hát Một vòng Việt Nam khi nhận giải Music Awards Japan; Tiết lộ tin nhắn của Kim Sae Ron khi tự tử bất thành...

Hwang Jung Eum bị phong tỏa tài sản; Disney thu 2,6 tỉ USD nhờ ăn theo Stitch
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar