
Masan đang đẩy mạnh kênh bán hàng hiện đại, bên cạnh các cửa hàng truyền thống. Trong ảnh là các cổ đông đang trải nghiệm mô hình bán hàng đáp ứng tốt yêu cầu chuyển đổi số - Ảnh: BÔNG MAI
Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) vừa tổ chức chương trình cập nhật kết quả kinh doanh, thông qua hình thức trực tuyến vào hôm nay 28-7. Lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ thẳng thắn và trực diện nhiều vấn đề nóng được cổ đông quan tâm.
Chốt phiên giao dịch chứng khoán hôm nay, chỉ tính riêng tổng vốn hóa của MSN và MCH (Công ty hàng tiêu dùng Masan Consumer) đã xấp xỉ 238.900 tỉ đồng, tương đương tới 9,56 tỉ USD. Tình hình làm ăn của tập đoàn dẫn đầu về mảng bán lẻ - tiêu dùng phản ánh lớn đến sự chuyển biến của thị trường trong nước.
Vượt thách thức ngắn hạn bị đứt gãy chuỗi bán hàng truyền thống
Phía Masan cho biết ngành hàng tiêu dùng đang chịu áp lực do đà phục hồi yếu hơn kỳ vọng và tác động từ các quy định thuế mới áp dụng cho kênh bán lẻ truyền thống, ảnh hưởng đến khoảng 30.000 hộ kinh doanh cá thể.
Doanh thu quý 2-2025 của chuỗi Masan Consumer (MCH - đơn vị sản xuất, phân phối mì Omachi, gia vị Chin-su, nước mắm Nam Ngư, ngũ cốc...) giảm do kênh bán hàng truyền thống, nơi chiếm tỉ trọng lớn, bị gián đoạn bởi quy định thuế mới.
Nhiều nhà bán lẻ lớn và nhỏ đồng loạt cắt giảm tồn kho, khiến doanh thu quý vừa qua của chuỗi MCH giảm khoảng 600 - 800 tỉ đồng.
Tập đoàn đánh giá đây là thách thức ngắn hạn mang tính cấu trúc trong ngành bán lẻ Việt Nam.
"Một kênh phân phối đứt gãy, không đồng nghĩa không có kênh nào phát triển", ông Danny Le - tổng giám đốc Tập đoàn Masan - nhấn mạnh.
Hoạt động kinh doanh dự kiến sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2025, chuyển dịch nhanh hơn sang kênh bán lẻ hiện đại, tận dụng lợi thế và đà tăng của kênh phân phối trong nhà hàng, khách hàng, quán cà phê...
Trong khi đó, WinCommerce (vận hành siêu thị Winmart, Winmart...) trong quý vừa qua ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh, mở rộng ở khu vực nông thôn lẫn thành thị.
Ông Philippe Jean Broianigo - phó tổng giám đốc The CrownX (nền tảng tiêu dùng - bán lẻ tích hợp Masan Consumer, WinCommerce...) - cho biết doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư trí tuệ nhân tạo (AI), tuyển nhân sự giỏi trong và ngoài nước để ứng dụng công nghệ thông tin vào bán hàng và vận hành. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn kinh doanh nhằm hỗ trợ tiểu thương bán hàng hiệu quả hơn trước yêu cầu chuyển đổi số.
Doanh số hàng ngàn tỉ từ bán heo, gà, trà sữa, bánh ngọt...
Đối với mảng chăn nuôi và bán thịt gia súc - gia cầm, chuỗi Masan MEATLife ghi nhận doanh thu đạt hơn 2.300 tỉ đồng trong quý giữa năm 2025, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng sau thuế (trước khi chia cho cổ đông thiểu số) đạt 249 tỉ đồng, biên lợi nhuận tăng.
Phía doanh nghiệp giải thích doanh thu mảng thịt đi lên nhờ giá heo hơi tăng, mạng lưới bán hàng chung hệ sinh thái được mở rộng. Mảng thịt chế biến, chăn nuôi gà cũng tăng trưởng với lợi nhuận lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Chuỗi trà - cà phê Phúc Long đạt doanh thu 434 tỉ đồng và lãi ròng 43 tỉ đồng trong quý vừa qua.
Sáu tháng đầu năm, doanh thu đạt 858 tỉ đồng (+10%), lãi ròng sau thuế 86 tỉ đồng (+64%) nhờ kênh giao hàng tăng mạnh và doanh thu thực phẩm gia tăng.
Về kế hoạch năm 2025, tập đoàn do tỉ phú Nguyễn Đăng Quang điều hành cho biết tùy theo phê duyệt nội bộ, diễn biến kinh tế vĩ mô và sức phục hồi thị trường tiêu dùng, doanh thu thuần hợp nhất dự kiến đạt 80.000 - 85.500 tỉ đồng, tăng 7 - 14% so với cùng kỳ (sau điều chỉnh tách HCS - công ty con chuyên sản xuất vật liệu vonfram cao cấp).
Lãi ròng sau thuế hợp nhất khoảng 4.875 - 6.500 tỉ đồng, tăng 14 - 52% so với năm trước.
Bình luận hay