
Trục vớt tàu gặp nạn trên vịnh Hạ Long - Ảnh: TTXVN
Dông lốc bất ngờ ập đến, tàu lật úp. Sự cố diễn ra quá nhanh và khốc liệt, cả những người có kinh nghiệm cũng trở tay không kịp.
Điều đó đặt ra những câu hỏi sâu xa hơn: Liệu hệ thống cảnh báo đã đủ nhanh và hiệu quả? Các đơn vị vận hành đã được đào tạo kỹ năng ứng phó khẩn cấp chưa? Và việc ra quyết định phụ thuộc nhiều vào cảm tính và kinh nghiệm hay căn cứ trên cơ sở hệ thống cảnh báo chuyên nghiệp và kịp thời?
Vụ việc đau lòng này một lần nữa nhắc các bậc cha mẹ trước khi đưa cả gia đình, nhất là trẻ nhỏ, tham gia các hoạt động tiềm ẩn rủi ro, mạo hiểm cần dành thời gian tìm hiểu kỹ về nơi đến, điều kiện thời tiết, về phương tiện và về đơn vị tổ chức.
Hình ảnh người cha bật khóc giữa sóng gió, người mẹ thất thần khi không còn thấy con bên cạnh; ánh mắt hoảng loạn của người sống sót được đưa lên bờ giữa cơn mưa lớn… Đó là những khoảnh khắc thật sự ám ảnh.
Nếu không thể dang tay an ủi, nếu không thể góp sức cùng lực lượng cứu hộ thì xin hãy chọn cách im lặng - một sự im lặng văn minh và tử tế. Bởi đôi khi, lời nói không đúng lúc còn đau hơn cả sự im lặng. Nỗi đau không cần thêm sự cay nghiệt, càng không cần các kiểu chia sẻ hình ảnh, âm thanh đau thương (để câu kéo người xem).
Ngăn thảm nạn du lịch
Thảm nạn du lịch lần này rõ ràng là bài học quá đắt đối với tất cả mọi người. Bài học chưa bao giờ cũ.
Để ngăn những thảm nạn du lịch thiết nghĩ đầu tiên phải đến từ đơn vị khai thác, không thể có bất kỳ sự thiếu cẩn trọng nào. Từ việc sử dụng các phương tiện di chuyển đảm bảo an toàn đến chọn nhân viên phục vụ các hoạt động phải được đào tạo bài bản, đủ tiêu chuẩn.
Cần có hướng dẫn an toàn và hành khách phải tuân thủ nghiêm khi tham gia trải nghiệm từ đường bộ đến thủy, từ hoạt động giải trí đến khám phá núi sông, biển cả... Đặc biệt tại những địa điểm du lịch có đông du khách thì việc bố trí lực lượng cứu hộ, cứu nạn cần phải tăng cường hơn cả con người lẫn phương tiện.
Câu chuyện lần này nhắc nhở về sự an toàn của người tham gia du lịch, trải nghiệm. Đưa mình vào nguy hiểm chính là khi ta dễ dàng bước lên chuyến xe quá tải, vào nơi công cộng mà không để ý lối thoát hiểm, chỉ đọc qua loa và nghe chưa kỹ các hướng dẫn về xử lý an toàn khi gặp sự cố…
Trước khi chờ người ứng cứu thì bản thân phải có kiến thức để sơ cứu, tự cứu mình khỏi nguy hiểm, ít ra là duy trì cho đến khi được hỗ trợ. Đó là kinh nghiệm, kỹ năng cần có cho mọi chuyến đi mai sau.
Phía sau những tai nạn, thảm kịch luôn cần những bàn tay nâng đỡ, sẻ chia. Quan trọng hơn, nếu mình có sự chuẩn bị và kỹ năng tốt nhất để đối mặt với mọi tình huống, khi tình huống xấu nhất xảy đến cũng giảm thiểu thiệt hại và đau thương.
Bình luận hay