Đây là vụ án tạo được sự quan tâm của dư luận cả nước vì mức độ xuống tay tàn độc của một sát thủ chưa đủ 18 tuổi, đã giết gần hết một gia đình bốn người đang ấm êm hạnh phúc (ba người chết, trong đó có một em bé mới 18 tháng tuổi, và một bé gái 8 tuổi trọng thương).
Từ khi bị bắt đến lúc ra tòa, chưa bao giờ Luyện chối tội.Y ý thức rất rõ tội ác mà mình phạm phải và sẵn sàng chịu mức án cao nhất. Nhưng cách nhận tội của y mới lạnh lùng làm sao. Lạnh lùng đến nỗi luật sư phía bị hại cho rằng y không hề áy náy, hoang mang hay cắn rứt lương tâm mà còn bình tĩnh, hết sức tự tin và... béo tốt hẳn ra so với lúc bị bắt.
Thiếu khoảng hai tháng mới đủ 18 tuổi, Luyện đã lên kế hoạch giết người bài bản và có chủ đích như những kẻ thoái hóa nhân cách trong phim hành động Mỹ. Dư luận (nhất là gia đình người bị hại) phẫn nộ, vì lẽ đó nên đã theo dõi phiên tòa với tâm trạng muốn tội ác phải được trả giá sòng phẳng.
Thế cho nên, khi nghe tòa tuyên án 18 năm tù dành cho Luyện lúc 17g38 ngày 11-1-2012, đã có nhiều ý kiến không đồng tình. Người thì cho rằng công lý chưa thực hiện đầy đủ, kẻ thì nói luật pháp máy móc, tại sao không sửa luật để xử tội Lê Văn Luyện thích đáng hơn. Có ý kiến mạnh mẽ rằng không nên tranh luận cho mệt, Lê Văn Luyện phải bị tử hình mới đáng với tội ác mà y đã gây ra...
Nhưng thế nào là công lý? Hiểu một cách đơn giản, khi pháp luật được thực thi một cách công bằng, không thiên vị thì công lý xuất hiện. Những ai am hiểu luật đều cho rằng sở dĩ chủ tọa phiên tòa sử dụng khung hình phạt đó dành cho Luyện vì y chưa đủ tuổi thành niên. Và ở độ tuổi này, đương sự chưa nhận thức đầy đủ về hành vi phạm tội. Dù có ghét Luyện thế nào đi nữa thì tòa cũng không thể xử khác, vì luật là luật, không có cảm xúc nào, người nào được đứng trên luật pháp. Và luật pháp, trong khía cạnh nhân bản của nó, phải giúp người có tội hoàn lương.
Nếu hiểu như thế, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm nhận được công lý đã thích đáng chưa trong mức án này. Điều băn khoăn còn lại sau phiên tòa là tại sao lại có một sát thủ đặc biệt như thế và liệu hệ thống luật pháp của ta có thể tự thay đổi để ứng xử thích hợp hơn với những trường hợp loại này như một số nước đã làm, nhằm bảo vệ hiệu quả sự răn đe của luật pháp đối với tội ác?
Bình luận hay