
Xóm chợ Nguyễn Du (phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột) sau mỗi trận mưa là đường biến thành sông - Ảnh: MINH PHƯƠNG
Chiều 26-5, vừa thấy mây đen kéo đến, bà con xóm chợ đường Nguyễn Du (phường Tự An) lại thấp thỏm vì ở đây cứ mưa là ngập. Bà con kể trận mưa hôm trước biến cả khu thành suối, rác thải theo dòng nước cuồn cuộn tràn về, mùi hôi thối xộc thẳng vào nhà...
Dân thấp thỏm vì cứ mưa là ngập
Ngồi nhìn căn nhà mới dọn dẹp, còn chưa kịp khô sau trận mưa trước đó, ông Nguyễn Văn Thắng (54 tuổi, ở nhà số 96 Nguyễn Du) lắc đầu "kể khổ": "Chục năm nay, mùa mưa là nhà tôi phải sống chung với nước và rác. Mưa lớn làm nước từ đầu dốc dồn về, cuốn theo bùn đất, rác rưởi, tắc cống, nước tràn cả vào nhà. Nguy hiểm nhất là có khi cống bật nắp, nước tạo dòng xoáy dữ dội, ai không để ý rất dễ té ngã".
Theo ông Thắng, cứ thấy mưa là gia đình phải chuẩn bị máy bơm, ván chắn. "Không kịp chặn ván là nước ào vô như lũ, bơm không xuể. Rác thì tấp đầy trước nhà, bốc mùi kinh khủng", ông nói.
Hàng chục hộ quanh xóm chợ cũng khốn đốn mỗi mùa mưa. Tiểu thương Nguyễn Thanh Thủy nói: "Nhiều người bán hàng quen cảnh chạy mưa, dọn đồ. Nhưng khách thì ngán, sợ nước cuốn. Từng có người bị ngã vì nước chảy xiết kéo cả xe lẫn người đi. Còn nắp cống thì cứ mưa lớn là bật lên, nguy hiểm lắm".

Tiểu thương Nguyễn Thanh Thủy, người dân sống ở đây, cho biết cả chục năm nay cứ mỗi lần mưa thì nước, rác ầm ầm từ mọi hướng đổ dồn về xóm nghèo này - Ảnh: MINH PHƯƠNG
Không chỉ khu dân cư, nhiều trục đường chính như Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn, Trần Phú… cũng thường xuyên ngập nặng. Cảnh người dân bì bõm dắt xe giữa dòng nước đã trở nên quen thuộc.
Tại vòng xoay km3, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Tất Thành… tình trạng ngập lặp lại mỗi khi mưa lớn. Đặc biệt, đoạn lên cầu vượt đại lộ Võ Nguyên Giáp, công trình vừa hoàn thành, cũng bị ngập sâu, nước chảy xiết dù khu vực này nằm trên cao, thoáng đãng. Cơ quan chức năng đang rà soát nguyên nhân.
Chị Nguyễn Thị Hiền (34 tuổi), nhân viên văn phòng, chia sẻ: "Tôi hay qua vòng xoay km3 đón con. Nhiều lần đi trong mưa, nước ngập sâu, không thấy mặt đường, xe khác chạy nhanh làm nước tạt mạnh, suýt mất lái. Có lần cả tôi và con suýt ngã giữa dòng nước chảy xiết".
Thành phố nỗ lực ứng phó với thiên tai
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Đức Nhật, phó chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột, cho biết thành phố đang đối mặt nguy cơ cao lũ quét, sạt lở, sụt lún do mưa lớn kéo dài, lượng mưa tích lũy có nơi vượt 40mm khiến nhiều tuyến đường bị ngập.
Theo ông Nhật, nguyên nhân chính là hệ thống thoát nước chưa được nạo vét sau mùa khô, hạ tầng xuống cấp, quá tải, tốc độ đô thị hóa làm mất diện tích thấm nước. Việc người dân xả rác xuống cống gây tắc nghẽn, cùng công tác quản lý, duy tu chưa thường xuyên cũng khiến nước không thoát kịp.

Đại lộ Võ Nguyên Giáp, đoạn cầu vượt nối với vòng xoay Đinh Tiên Hoàng, ngập trong nước dù mới hoàn thành - Ảnh: MINH PHƯƠNG
Thành phố Buôn Ma Thuột đã triển khai nạo vét, sửa chữa hệ thống cống, tăng cường vệ sinh môi trường, tuyên truyền không xả rác bừa bãi. Các phường, xã được yêu cầu kiểm tra, bảo trì cầu đường, rà soát điểm nguy cơ ngập úng, thay thế tấm đan, lưới thu nước hư hỏng.
"Chúng tôi giao các phòng ban, địa phương phối hợp kiểm tra an toàn công trình, nhất là ven suối, sườn dốc. Kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp lấn chiếm hành lang thoát nước. Các điểm dễ sạt lở, ảnh hưởng đến dân và hạ tầng phải được theo dõi sát, báo cáo kịp thời để xử lý", ông Nhật nói.

Đường Nguyễn Chí Thanh đoạn qua Bệnh viện Thiện Hạnh cũng ngập sâu trong nước - Ảnh: MINH PHƯƠNG
Thành phố cũng chỉ đạo Phòng Kinh tế hạ tầng đô thị, Ban Quản lý dự án, Công ty Đô thị và Môi trường Đắk Lắk thường xuyên kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước, cây xanh, bố trí nhân lực túc trực xử lý sự cố.
Ngành giáo dục được yêu cầu phối hợp cắt tỉa cây xanh trong trường học, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên mùa mưa bão.
"Công tác phòng chống thiên tai phải đi trước một bước, không để bị động. Mục tiêu lớn nhất là an toàn cho dân và hệ thống hạ tầng đô thị", ông Nhật nhấn mạnh.
Bình luận hay