![]() |
“Siêu anh hùng” tuần tra trên đường phố Rochester, Minnesota -Ảnh: Coutegy Geist |
Cũng giống Siêu nhân (Superman) bảo vệ thành phố Metropolis, Người dơi (Batman) bảo vệ thành phố Gotham, những “siêu anh hùng” trong đời thật này cũng xuất hiện với trang phục áo choàng, mặt nạ trên các đường phố để giúp đỡ những người cơ nhỡ, người vô gia cư, thậm chí là đấu tranh chống tội phạm.
Siêu nhân của đời thường
Ravenblade cho biết anh tình cờ bước vào nghiệp “siêu anh hùng” từ vài năm trước khi can thiệp một vụ cưỡng bức phụ nữ ở Walla Walla, Washington. “Tôi chỉ làm những gì có thể và sau vụ đó tôi chợt nhận ra con người chúng ta chưa thật sự quan tâm lẫn nhau” - Ravenblade bộc bạch và nhấn mạnh anh đã ngăn chặn được tên tội phạm mà không vi phạm luật pháp của bang.
Còn Chris Pollak - 24 tuổi, có biệt danh Dark Guardian (người bảo vệ bóng đêm) sống ở Brooklyn, New York - khẳng định: “Ngày càng có nhiều người muốn làm việc nghĩa như đi tuần tra ở những con đường tăm tối vào lúc nửa đêm để giúp đỡ những người cô thế khác”.
Ravenblade cho biết anh và vài người bạn đang chuẩn bị tổ chức một cuộc đi bộ gây quỹ cho trẻ em ở Portland, bang Oregon (Mỹ). “Chúng tôi kết hợp với các tổ chức từ thiện để giúp trẻ em. Khi các em không được yêu thương từ bé, lớn lên rất dễ đi vào con đường lầm lạc. Chúng tôi chỉ ráng hết sức giúp bọn trẻ” - Ravenblade bộc bạch.
“Siêu anh hùng” Chaim “Life” Lazaros cho biết nhóm của anh đã quyên góp 700 USD để tặng quà cho trẻ em ở Bệnh viện nhi thánh Mary tại New York trong dịp Giáng sinh 2008, đồng thời thường xuyên quyên góp thực phẩm, nước, thuốc men... cho những người vô gia cư trong khu vực. Lazaros là thành viên của nhóm Siêu anh hùng ẩn danh (Superheroes anonymous).
![]() |
![]() |
![]() |
Các “siêu anh hùng” trong trang phục hành hiệp khác nhau của họ -Ảnh: CNN |
Ranh giới nghĩa hiệp và phạm luật
Ben Goldman, người điều hành trang web Siêu anh hùng ẩn danh ở New York, cho biết trào lưu “siêu anh hùng” trong đời thật đang phát triển nhanh ở khắp nơi. Hiện nay trên thế giới có 250-300 “siêu anh hùng” trong đời thật.
Goldman cho biết anh cùng với Chaim “Life” Lazaros và David “Civitron” Civitarese điều hành trang web Superheroes anonymous thành nơi liên kết các nhóm “siêu anh hùng” trên thế giới và chiêu nạp các “siêu anh hùng” mới. Goldman nhận định: “Con người đang bắt đầu quan tâm đến việc mà họ có thể làm hơn là những gì mà họ có trong hoàn cảnh kinh tế đang suy thoái hiện nay”.
Trào lưu “siêu anh hùng” được khởi xướng trong những năm gần đây trên MySpace. Các “siêu anh hùng” đều nhận định công chúng phản ứng về hình ảnh của họ rất khác nhau. Có người nhìn họ với cái nhìn lạc quan, có người nhìn họ với ánh mắt lạ lẫm, lập dị. Thông thường những “siêu anh hùng” này thường giấu kín nhân dạng dưới lớp vỏ bọc trang phục kỳ lạ và mặt nạ bởi họ lo sợ sẽ gặp nguy hiểm khi lộ diện.
Tuy nhiên, theo CNN, trong khi hành động hiệp nghĩa một số “siêu anh hùng” cũng tự chuốc họa vào thân khi đề xướng chuyện áp dụng “trường hợp công dân bắt quả tang kẻ phạm pháp”, bởi điều này là bất hợp pháp ở Mỹ và một số nơi khác trên thế giới. Katy Parker, giám đốc luật pháp của Hiệp hội Tự do dân sự bang Bắc Carolina, nhấn mạnh: “Việc người dân bắt tội phạm không phải là một ý tưởng hay, nó sẽ dẫn đến nguy cơ gây ra những vụ bắt cóc và dẫn đến trách nhiệm pháp lý về việc bắt giam sai người”.
“Cách tốt nhất mà “siêu anh hùng” trong đời thật có thể làm là hãy là một nhân chứng thật tốt” - Bernard Gonzales, thuộc Cơ quan Thông tin công thành phố Chula Vista California - nhận định.
“Siêu anh hùng” Ravenblade cũng đồng tình với quan điểm này khi khẳng định một “siêu anh hùng” trong đời thật phải biết tuân theo pháp luật. Bắt người và đưa đến cảnh sát chỉ có trong những câu chuyện, “siêu anh hùng” trong đời thật khi bắt được tội phạm phải biết đợi cảnh sát đến và làm chứng cho lời khai về vụ việc.
Bình luận hay