
Không nên tự ý sử dụng thuốc nội tiết tố - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nhiều phụ nữ cho rằng tuổi trẻ là thời gian tươi đẹp bao nhiêu thì giai đoạn tiền mãn kinh như một cánh cửa đóng sầm cả thanh xuân trước đó. Có phụ nữ trải qua giai đoạn này một cách êm ả nhưng nhiều phụ nữ lại rất mỏi mệt khi trải qua thời "khủng hoảng" này.
Nhiều phụ nữ đến khám sau khi tự ý sử dụng thuốc nội tiết
Chị N.V.K, 48 tuổi, ngụ TP.HCM, kể vài tháng nay kinh nguyệt của chị không theo quy củ gì. Có khi khoảng một tháng rưỡi mới có chu kỳ một lần, có tháng lại có nhiều ngày "đèn đỏ" hơn trước. Cũng trong khoảng thời gian này nhiều lúc người chị thấy nóng bừng, dễ bực tức, cáu giận…
Đọc các thông tin về sức khỏe, chị K. biết mình đang ở giai đoạn tiền mãn kinh nhưng chị ngại đi khám bệnh.
Muốn những triệu chứng này có thể giảm đi, chị lên mạng tìm hiểu thấy rao bán nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng quảng cáo điều trị, hỗ trợ những triệu chứng tiền mãn kinh, chị tự mua về uống nhưng không khỏi mà thấy mệt mỏi hơn, phải đến bệnh viện.
Nắm bắt được những triệu chứng khó chịu của rất nhiều chị em trong giai đoạn này, các trang mạng rao bán rất nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng quảng cáo điều trị được các triệu chứng tiền mãn kinh.
Ví dụ như viên uống nội tiết tiền mãn kinh, viên uống tăng cường nội tiết tố cải thiện nội tiết tố, có cả loại thuốc rắn có nhiều thành phần trong đó có rau rắn lục, giảm thiểu các triệu chứng ở tuổi tiền mãn kinh…
Bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, cho biết đã ghi nhận nhiều trường hợp phụ nữ đến khám sau khi tự ý sử dụng thuốc nội tiết với các biểu hiện như rối loạn kinh nguyệt, chảy máu âm đạo bất thường, tăng cân không kiểm soát, phù nề chân tay, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi kéo dài, xuất hiện khối u ở vú hoặc tử cung.
Nguyên nhân chủ yếu là do những phụ nữ này sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, liều lượng không phù hợp hoặc dùng trong thời gian dài mà không có sự theo dõi y tế.
Việc tự ý sử dụng thuốc nội tiết tố trong giai đoạn tiền mãn kinh, dù là thuốc kê đơn hay thực phẩm chức năng, có thể gây ra nhiều nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe nếu không có sự tư vấn và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
Khi tự ý bổ sung nội tiết tố có thể gặp một số tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt, căng tức ngực, tăng cân nhanh, sưng phù chân tay, chuột rút, chảy máu âm đạo bất thường, khó thở, vàng da, rối loạn tiêu hóa.
Ngoài ra còn làm tăng nguy cơ những bệnh lý nghiêm trọng như ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung do estrogen dư thừa, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thuyên tắc mạch máu ở người có bệnh nền tim mạch, rối loạn đông máu, làm dày nội mạc tử cung bất thường, dẫn đến xuất huyết và tăng nguy cơ ung thư.
Việc bổ sung hormone từ bên ngoài có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố tự nhiên, khiến hệ trục não bộ - tuyến yên - buồng trứng ngừng hoạt động, dẫn đến suy giảm sản xuất hormone nội sinh, làm tình trạng thiếu hụt nội tiết trở nên trầm trọng hơn.
BS Bùi Chí Thương - trưởng khối sản Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM - cho biết các chị em bị ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa phương Đông nên thường "cắn răng chịu đựng" khi xuất hiện những triệu chứng tiền mãn kinh và rất ngại đi khám.
Điều này làm các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, gây bất tiện trong sinh hoạt, thậm chí có thể gây ra trầm cảm…
Một số phụ nữ sau khi "cắn răng chịu đựng" đã lên mạng tìm mua các loại thuốc được quảng cáo điều trị những triệu chứng của tiền mãn kinh. Tuy nhiên theo BS Bùi Chí Thương, việc tự uống thuốc như vậy rất nguy hiểm vì có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố tự nhiên, tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư…
BS Thương nhấn mạnh ngay cả bác sĩ khi kê toa thuốc cho những phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh cũng phải cân nhắc và dặn dò bệnh nhân dùng thuốc rất kỹ.
Với những người châu Á, có khoảng 80% phụ nữ sẽ có triệu chứng tiền mãn kinh. Do vậy khi có những triệu chứng tiền mãn kinh như bốc hỏa, khô âm đạo… chị em phụ nữ nên đến bác sĩ khám để được chẩn đoán và hỗ trợ kịp thời.
Để trải qua giai đoạn tiền mãn kinh nhẹ nhàng, tự tin
BS Thu Hà cho hay giai đoạn tiền mãn kinh là thời kỳ chuyển tiếp trước khi người phụ nữ bước vào mãn kinh - tức là khi chu kỳ kinh nguyệt chấm dứt hoàn toàn.
Đây là giai đoạn mà nội tiết tố nữ, đặc biệt là estrogen và progesterone, bắt đầu suy giảm không ổn định. Phụ nữ thường bắt đầu giai đoạn tiền mãn kinh từ khoảng 40 đến 50 tuổi nhưng ở một số người có thể bắt đầu sớm từ 35 tuổi hoặc muộn hơn.
Giai đoạn này kéo dài từ vài tháng đến vài năm (thường là từ 2-5 năm, đôi khi đến 10 năm) trước khi bước vào mãn kinh thực sự (khi không có kinh nguyệt trong 12 tháng liên tục).
Các triệu chứng phổ biến của tiền mãn kinh là rối loạn kinh nguyệt, bốc hỏa, khó ngủ, mất ngủ, dễ cáu gắt, lo âu, trầm cảm nhẹ hoặc cảm giác mệt mỏi tinh thần, giảm ham muốn tình dục, khô âm đạo và đau khi quan hệ, tăng cân và thay đổi vóc dáng, suy giảm trí nhớ ngắn hạn hoặc khó tập trung, rối loạn tiểu tiện.
Để trải qua giai đoạn tiền mãn kinh một cách nhẹ nhàng, khỏe mạnh, phụ nữ nên chủ động chăm sóc cơ thể và tinh thần. Cụ thể cần duy trì lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống cân bằng.
Tăng cường thực phẩm giàu canxi, vitamin D (phòng loãng xương), omega-3 và phytoestrogen (hợp chất thực vật có tác dụng tương tự estrogen - có nhiều trong đậu nành, hạt lanh, mè, đậu xanh). Hạn chế đường, caffeine, thức ăn chế biến sẵn, rượu bia vì chúng dễ làm rối loạn hormone và tăng bốc hỏa.
Ngoài ra, cần tập thể dục đều đặn từ 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày/tuần với các bài tập như đi bộ nhanh, yoga, bơi lội, pilates giúp cải thiện tim mạch, xương khớp và tâm trạng. Cần ngủ đủ giấc và chất lượng.
Để ổn định tâm lý, tinh thần, phụ nữ có thể tập thiền, yoga hoặc thực hành chánh niệm giúp giảm lo âu, căng thẳng, chia sẻ với người thân hoặc tham gia các nhóm hỗ trợ tâm lý. Tự yêu thương bản thân, tránh cảm giác tự ti vì thay đổi cơ thể.
Ngoài ra cần được hỗ trợ từ thực phẩm chức năng hoặc liệu pháp hormone (HRT). Có thể dùng các thảo dược hoặc thực phẩm chức năng chứa isoflavone (đậu nành), vitamin E, tinh chất mầm đậu nành, maca, dầu hoa anh thảo... giúp giảm bốc hỏa, khô âm đạo, mất ngủ.
Trong một số trường hợp triệu chứng nặng, bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp hormone thay thế (HRT) nhưng cần theo dõi kỹ vì có rủi ro nhất định (ung thư vú, huyết khối…).
Cuối cùng cần theo dõi sức khỏe định kỳ. Khám phụ khoa định kỳ mỗi năm. Kiểm tra mật độ xương, nội tiết tố và các chỉ số tim mạch. Xét nghiệm PAP smear, siêu âm vú, tử cung... để tầm soát ung thư sớm.
Bình luận hay