Từ năm 2020, nhà anh Gong Lingjun ở Trùng Khánh (Trung Quốc) đều rộn ràng mỗi khi hè đến. Không phải vì đi du lịch hay mở lớp ngoại khóa, mà bởi "khối nghỉ hè" gồm 16 đứa cháu từ bốn chị em trong nhà lại kéo về quê tá túc.
Ban đầu chỉ là giải pháp tạm thời khi cha mẹ lũ trẻ bận rộn, nhưng dần dà, việc tụ họp về nhà cậu mỗi dịp hè và cả Tết trở thành một truyền thống gia đình. Người cậu 29 tuổi (hơn đứa cháu lớn nhất chỉ 12 tuổi) nghiễm nhiên trở thành "tổng quản mama" cho kỳ nghỉ dài ngày, khi vừa là đầu bếp, giáo viên, quản trò, vừa là người giữ lửa yêu thương.

Người cậu gánh cả cái chợ về nhà để phục vụ "khối nghỉ hè".
Nuôi "khối nghỉ hè" tốn sương sương bốn mâm cơm, mười ký trái cây mỗi ngày
Ngày đầu tiên đón cháu, anh Gong đã "vác về cả cái chợ" với nửa con heo, rau củ, cá thịt, trứng gà… đủ chất cho đàn nhỏ tuổi từ mẫu giáo đến đại học. Trung bình mỗi ngày cả nhà tiêu thụ 8kg gạo, 4kg thịt, 6 con cá, 30 quả trứng, 10kg trái cây. Ba bữa chính chưa đủ, bữa ăn khuya cũng "ngốn" thêm 500-700 tệ (1,8-2,5 triệu đồng).
"Mỗi bữa phải bốn mâm, nhà như bếp ăn trường học. Nấu xong lại điểm danh, sợ thiếu đứa nào chưa ăn", anh kể vui. Tổng chi phí cho kỳ nghỉ hè gần hai tháng khoảng 60.000 tệ (hơn 200 triệu đồng), chưa tính quà vặt, sinh hoạt linh tinh và 5 máy điều hòa chạy xuyên ngày đêm.
Áp lực là vậy nhưng anh Gong bảo không than thở. Bởi nhìn đám trẻ tíu tít ăn cùng nhau, gọi nhau thân thiết, anh thấy vui. Những tiếng gọi "cậu ơi", "mợ ơi" vang từ sáng sớm đến tối khuya là phần thưởng lớn nhất cho một mùa hè vất vả.

Tuy mệt nhưng người cậu này quyết để mùa hè của các cháu không vô nghĩa.
Để kỳ nghỉ không trôi qua vô nghĩa, anh Gong lên thời gian biểu bài bản: sáng chạy bộ, trưa làm bài tập hè, tối đi chợ đêm ăn vặt, cuối tuần tổ chức thi nấu ăn, chia nhóm làm việc nhà.
Cậu - mợ làm mẫu một lần, lũ cháu học cách gấp chăn, rửa bát, lau nhà, bắc nồi luộc trứng hay pha nước chanh. Từng đứa trưởng thành dần trong "trại hè họ hàng" ấy, nơi không có điểm số nhưng đầy ắp trải nghiệm thật.
Có đứa từng rụt rè khoe mẻ bánh quy đầu tiên vào hè 2021, có nhóm con trai bí mật gom tiền tổ chức sinh nhật cho cậu vào hè 2023. Những khoảnh khắc ấy, anh Gong lưu lại trong một "album trưởng thành" - không phải cho riêng mình, mà cho cả đại gia đình cùng nhìn lại khi có thời gian.
Theo giáo sư Wang Fang, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, mô hình "trại hè gia đình" mà anh Gong duy trì là hình thức giáo dục tự nhiên quý giá, đặc biệt khi đa số trẻ em thành thị hiện nay sống cô lập, thiếu anh chị em để va chạm và học cách chia sẻ.
Dù tương lai có thể không còn tụ họp đông đủ như hiện tại, anh Gong vẫn trân trọng từng mùa hè còn có thể cùng nhau. "Mỗi năm chúng đều cao hơn, hiểu chuyện hơn. Cảm giác này tiền không mua được", anh nói.
Bình luận hay