
Bài đăng chia sẻ thông tin sai sự thật của trang tin Slay News trên Facebook - Ảnh: FACEBOOK/AAP
Trước đó, trong bài đăng trên Facebook ngày 15-6, tài khoản "Bruce Timpany" chia sẻ bài viết từ trang Slay News với tiêu đề: "Đức: Vắc xin mRNA giết nhiều người hơn COVID". Sau đó, bài đăng này tiếp tục được nhiều người dùng lan truyền lại.
Nội dung đề cập đến một nghiên cứu về số ca tử vong vượt mức tại thành phố Frankfurt am Main (Đức) trong đại dịch COVID-19.
"Số ca tử vong vượt mức" là phần chênh lệch giữa số người chết thực tế và số được dự báo trong một khoảng thời gian nhất định.
Bài viết của Slay News cho rằng một nhóm nhà khoa học hàng đầu của Đức đã phát hiện bằng chứng cho thấy vắc xin COVID-19 gây ra nhiều cái chết hơn chính vi rút SARS-CoV-2.
"Họ đã gióng hồi chuông cảnh báo sau khi phát hiện bằng chứng ẩn giấu trong dữ liệu chính phủ Đức cho thấy nguyên nhân số ca tử vong vượt mức là do vắc xin mRNA, không phải COVID-19", bài báo viết.
Theo Slay News, nghiên cứu cho thấy tỉ lệ tử vong vượt mức không tăng trong các đợt dịch đầu tiên trước khi có vắc xin, nhưng lại tăng vọt sau khi vắc xin được triển khai.
Ngoài ra, nghiên cứu còn phát hiện đợt tử vong vượt mức nghiêm trọng nhất trong giai đoạn này không liên quan COVID-19 mà gắn với đợt cúm cuối năm 2022.
Tuy nhiên, các chuyên gia kiểm chứng của Hãng tin AAP (Úc) ngày 3-7 nhận định việc gán mối liên hệ giữa vắc xin COVID-19 và các ca tử vong do cúm là vô lý.
AAP cho biết nghiên cứu được Slay News trích dẫn do các nhà khoa học thuộc Đại học Justus Liebig Giessen và Bệnh viện Đại học Essen (Đức) thực hiện.
Nghiên cứu này, đăng trên tạp chí GMS Hygiene and Infection Control, phân tích tỉ lệ tử vong tại Frankfurt trong giai đoạn 2020 - 2023.
Bà Ursel Heudorf, tác giả chính, khẳng định với AAP rằng bài viết của Slay News là "hoàn toàn sai sự thật".
Theo bà, nhóm nghiên cứu không xem xét dữ liệu tiêm chủng, cũng không thiết lập bất kỳ mối liên hệ nào với việc tiêm vắc xin.
Bà Heudorf cho biết thêm, tỉ lệ tử vong vượt mức đã được ghi nhận từ làn sóng COVID-19 thứ hai cuối năm 2020, tức trước khi vắc xin được triển khai.
Ngoài ra, không có đợt dịch COVID-19 nào, kể cả sau khi có vắc xin, ghi nhận số ca tử vong vượt mức đáng kể.
Giáo sư Heudorf lưu ý giai đoạn có số tử vong vượt mức cao nhất là sáu tuần cuối năm 2022, vượt cả các đợt dịch COVID-19 trước đó cộng lại, nhưng nguyên nhân là do cúm.
AAP cũng nhấn mạnh Slay News là trang chuyên phát tán tin sai sự thật và từng nhiều lần bị vạch trần trước đó.
Bình luận hay