![]() |
Tấm tăng của đại tá Nguyễn Đức Quang và chiếc võng của diễn viên múa Nguyễn Quỳnh Dung tại Bảo tàng TP.HCM - Ảnh: T.O. |
Phía sau những kỷ vật trưng bày theo chủ đề “Kỷ vật của những người đi B” đang diễn ra tại Bảo tàng TP.HCM (kết thúc vào 10-8-2005) là những câu chuyện đong đầy khát vọng độc lập của lớp lớp chiến sĩ vượt Trường Sơn, những câu chuyện bây giờ không còn của riêng ai.
Kỷ vật một thời máu lửa
Những hình ảnh sinh hoạt hằng ngày giữa núi rừng hết sức đơn sơ của chiến sĩ được tái hiện tại bảo tàng ấn tượng ngay với khách tham quan. Vì sao đã sau hơn 30 năm, những món đồ ấy vẫn được giữ gìn cẩn thận để gửi cho bảo tàng? “Kỷ vật của thời máu lửa mà! Hễ nhìn đến là kỷ niệm xưa ập về”, chị Nguyễn Thị Thu Vân - cán bộ bảo tàng - nói.
Chị kể: “Cứ đến người này liên hệ để tìm kỷ vật lại được chỉ thêm người khác, hơn một tháng nhóm đã sưu tập được gần 400 hiện vật để chọn lọc trưng bày. 400 hiện vật nhưng là biết bao cuộc đời trải qua chiến tranh”.
Bao lần dọn nhà nhiều thứ phải bỏ lại hay thất lạc, nhưng chiếc ruột tượng bằng vải kaki - kỷ vật vượt Trường Sơn - bao giờ cũng được thiếu tướng Mai Văn Phúc (79 tuổi), đoàn 613 Bộ Quốc phòng, ưu tiên gìn giữ.
Đoàn đi B của ông đi bộ hơn ba tháng mới vào đến suối Tha La (Tây Ninh), cứ khoảng 5-7 ngày đường là có trạm tiếp tế lương thực, gian khổ nhất là đoạn đi sang Lào phải mất một tháng mới có trạm.
Trước khi rời trạm bên VN, mỗi người được phát một bao gạo 15kg, lúc này chiếc ruột tượng vốn theo ông từ lúc còn ở tiểu đoàn 202, trung đoàn xe tăng được phát huy công dụng. Càng đi, gạo càng trĩu đều sang hai bên, chỗ ở vai cảm thấy nhẹ tênh, do vậy ông còn đảm thêm nhiệm vụ vác chiếc nồi nấu cơm to đùng.
Ông nói: “Nhiều đồng đội đi cùng thấy chiếc ruột tượng tiện lợi bèn nảy ra sáng kiến lấy chiếc quần dài bỏ gạo vào rồi túm hai đầu ống lại”.
![]() |
Vật dụng cá nhân của người đi B bây giờ là kỷ vật quí giá - Ảnh: T.O. |
Nhiều người đã lọt vào ống kính của ông, nhưng ông chỉ có một tấm ảnh duy nhất của mình vì ông hoạt động trong lĩnh vực an ninh tình báo, không thể để hình ảnh của mình lộ diện ở bất cứ tình huống nào.
Và lần “xé rào” duy nhất là vào ngày 30-3-1975 khi ông hay tin quê hương Thừa Thiên - Huế của ông được giải phóng với niềm cảm xúc trào dâng. Tấm ảnh ấy và chiếc máy ảnh ấy giờ được ông nâng niu lau chùi mỗi ngày, bởi đó là một phần ý nghĩa của cuộc đời ông.
Nhiều kỷ vật được các cựu chiến binh tặng bảo tàng sau một thời gian dài đắn đo và lưu luyến, nhưng có những món không thể rứt ra khỏi cuộc đời họ được.
Với trung tá Nguyễn Văn Thắng (79 tuổi) - một trong những người đầu tiên vào đường Trường Sơn năm 1958 - cũng vậy. Trên ngón áp út tay trái của ông là chiếc nhẫn bạc mòn đã gần gãy đôi do đồng bào Tà Ôi Vân Kiều tặng.
Ngày ấy, đi đặt trạm ở các khu vực có dân để chuẩn bị cho việc mở đường Trường Sơn, ông đã sống trong lòng đồng bào Tà Ôi như ruột rà. Ông đã gửi nhiều kỷ vật đi B cho bảo tàng, duy chiếc nhẫn bạc thì không thể.
Vượt ra khỏi mỗi cuộc đời
Tám kỷ vật sắc sảo được làm từ phế liệu chiến tranh của cố soạn giả Ngô Y Linh - tiểu ban văn nghệ ban tuyên huấn Trung ương Cục - được bà Nguyễn Thị Liên (vợ của cố soạn giả) cho bảo tàng mượn để trưng bày.
|
Dụng cụ trong rừng thiếu thốn vậy mà cứ kiên trì mài giũa trên đá để ra chiếc đèn dầu, muỗng, gạt tàn thuốc bằng vỏ bom napalm, hộp đựng xà bông, khay uống trà bằng vỏ pháo sáng, dao bằng nhíp xe tăng…, có món gần cả năm mới làm xong”.
Ông mất năm 1978, nhiều món được đặt riêng trong chiếc tủ đựng kỷ vật, riêng chiếc hộp đựng xà bông vẫn được bà sử dụng hằng ngày hơn 30 năm qua.
Trong tủ trưng bày ở bảo tàng, kỷ vật của đại tá họa sĩ Phạm Thanh Tâm là bút sắt, bút chì và dao vẽ; còn ở nhà ông có cả một chiếc tủ to ướp hương long não chỉ để dành đựng những kỷ vật đi theo người phóng viên chiến trường.
Ông đi B năm 1968 với bút danh Huỳnh Biếc, với ông vũ khí không phải là súng mà là cây bút sắt ngòi răng cưa đã theo ông từ thời chống Pháp. Ngày cũng như đêm, bút sắt và ống mực đựng trong lọ thuốc Penicillin luôn ở trong túi áo ngực phải của ông.
“Lắm khi đang hí hoáy vẽ thì pháo kích tới, tranh có thể bỏ nhưng bút và mực thì thu vào túi áo thật nhanh”. Giờ đây, ông tặng bút sắt lại cho bảo tàng, vì “kỷ vật không còn là của riêng mình nữa mà là của chung những người đi B”.
Kỷ vật của những người đi B dường như đã vượt ra khỏi mỗi cuộc đời, trở thành bằng chứng lịch sử. “Ý tưởng tập hợp thành một cuộc trưng bày của bảo tàng thật ý nghĩa. Chúng tôi đều đã vào tuổi thất thập cổ lai hi, kỷ vật cũng không thể đi theo mãi”, nhiều cựu chiến binh đều nói như vậy và lựa chọn cách “xin được gửi lại bảo tàng, nơi gìn giữ cẩn trọng nhất”.
Bình luận hay