
Cảnh đẹp trù phú ở Miệt Thứ Mười Một ngày nay - Ảnh: QUỐC VIỆT
Chuyện ông ghi rẻo đất cuối nước dù hào sảng, dễ sống vẫn bàng bạc cảnh nghèo khắp cùng. Người quê thời ông nếu các cô không chèo xuồng ba lá ra chợ đầu kinh bán mua rổ khoai, chén xôi chè nước cốt dừa thì cũng ngoi ngóp kiếm con cá con cua dưới rừng tràm, hái đọt rau choại, cỏ trai để bén lửa nồi cơm.
Hiếm hoi ai đó chăn nuôi thì mần siêng dữ cũng chỉ đào cái ao đìa nhỏ cho cá rút xuống mùa nắng, thả lan con heo sau nhà, bầy vịt bờ kinh... Nhưng cảnh này giờ đã khác rồi.
Bước ngoặt sau năm 1975
Còn nhớ hồi mùa mưa năm 2024, tôi có mấy ngày dừng chân ở huyện U Minh Thượng (nay là xã thuộc tỉnh An Giang), vùng giáp ranh Miệt Thứ của Kiên Giang với Cà Mau. Anh Phạm Duy Tân, phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, vui vẻ tiếp tôi và nói anh cũng là người hâm mộ "ông già Nam Bộ" Sơn Nam. Tân sinh năm 1980 ở xã Thạnh Yên ngay trung tâm U Minh Thượng.
Đời ông, đời cha phát tràm, cấy lúa, bắt cá kiếm miếng ăn, tuổi thơ anh Tân cũng theo bước mưu sinh dưới tán rừng tràm. Học xong, Tân vào luôn ngành nông nghiệp, không rời nông dân và hột lúa, củ khoai, ao cá, vuông tôm vùng ranh Miệt Thứ, nên có thể nói anh chính là chứng nhân xứ sở này.
"Dân bưng biền nghèo khổ mà được trời cho sản vật nên không đến nỗi thắt ngặt miếng ăn thì đến đời tôi vẫn còn trải. Những gì ông già Sơn Nam kể đều trúng y chang" - anh Tân kể chuyện quê mình có bước ngoặt sau chiến tranh. Ngày hòa bình, dân ly hương từng phải đi lánh bom đạn chạy về, rồi dân kinh tế mới được đưa xuống và đây cũng là một trong những vùng dân vượt biên tứ xứ về nằm chờ lên tàu hướng Rạch Sỏi - Tắc Cậu.
Cũng như tình hình cả nước hồi đó, cảnh nghèo khắp cùng Miệt Thứ vì ruộng đồng chưa được khai hoang nhiều, đa phần đất đai phèn lợ, nhiễm mặn, năng suất lúa rất thấp.
"Ông trời thương cho Miệt Thứ con cá đen nhiều nhóc dưới rừng tràm, con cua con ba khía lềnh khênh dưới bãi biển nhưng không cho đất tốt nên cá cua thì dư mà cơm thì thiếu.
Ngặt nữa là hồi đó cá mú có thừa mứa đổ đầy lu nuôi rộng trong nhà cũng đâu bán được cho ai. Bởi đường sá quá cách trở, phải giang đò lụy xe, làm sao đem về các thành phố lớn được nên người dân không kiếm đâu ra tiền" - anh Tân nhớ lại những năm suốt thập niên 1980 bước sang thập niên 1990...
Ngày tháng đó dân quê xứ này thừa miếng ăn chim trời cá nước nhưng lại hụt gạo, thiếu tiền. Con nít nhiều đứa thất học, đứa nào học lên nổi lớp 9 đã rỡ ràng tía má, thậm chí mới vô lớp 5 cũng được khoe ở bàn trà, cuộc nhậu. Học trò ngồi vỏ lãi lên trường huyện, học cấp III là "chuyện đại sự" với cả dòng họ.
Ông Huỳnh Thanh Tâm, 70 tuổi, người dân nhiều đời ở xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, kể cảnh nghèo ở Miệt Thứ - U Minh bận đó "ngộ dữ thần thiên địa", vừa đổ miếng ăn mà vừa thiếu miếng ăn, con cá lóc bự cùm tay chỉ ăn phần đầu với bộ lòng, còn khúc thân liệng bỏ nhưng mà thèm chảy nước miếng thịt heo.
Trong ký ức như còn đọng mùi sình lầy của ông già Tâm, dân xứ này hồi đó toàn ở nhà lá, vách đất, loe hoe vài nhà ai đó có cây gỗ lắp ghép tạm bợ đã là "nhà cây bảnh gồi", chỉ bên các chợ Miệt Thứ Ba, Thứ Bảy, Thứ Mười Một mới lưa thưa nhà xây cấp 4. Xứ U Minh Thượng một thời toàn rừng tràm tối đen cả kinh rạch bên dưới, con cá thì nhiều nhưng con người chỉ loe hoe ở vài chòm.
Lai rai kể chuyện xưa bên chiếu rượu, ông Bảy Tâm rót cho tôi ly rượu đế rồi nói bận đó dân xứ này nghèo tiền đến nỗi rượu gạo cũng phải mua ký nợ cả năm, vậy mà vẫn không có tiền để trả, các ông phải vác giạ lúa vốn đã khan hiếm đến nhà bà bán rượu để không bị rầy rà lùm xùm.
Người trẻ bây giờ nghe "cái nốp" thì tròn xoe mắt không biết là cái gì, nhưng đến những năm 1980 ở Miệt Thứ vẫn còn nhiều người phải lấy tấm nốp đan bằng cỏ bàng, cỏ cói này làm mềm đắp ngủ.
"Tụi tui còn phải đi mượn của nhau cả cái cục đá lửa nhỏ xíu để gắn vô hộp quẹt. Cha mẹ già bị bệnh, con cái chèo xuồng rã tay ra chợ đầu kinh mà chỉ dám nợ mua một, hai viên thuốc hạ sốt rẻ mạt"- ông già Bảy Tâm kể chuyện xưa...

Chợ Thạnh Yên ở U Minh Thượng, nơi một thời thưa thớt bóng dân giờ đã nhiều tiệm vàng - Ảnh: QUỐC VIỆT
Cuộc đổi thay bắt đầu chầm chậm
Thời cuộc dần đổi thay, khoảng đến giữa thập niên 1990 dân Miệt Thứ - U Minh bắt đầu đơ đỡ hơn dù nhiều gia cảnh vẫn chưa thể hết thắt ngặt. Chính con tôm được khởi nuôi đã giúp người dân dần có đồng ra đồng vô dù vẫn còn rất eo hẹp. Cuộc chuyển đổi sinh kế và đời sống diễn ra chầm chậm mất cỡ mười năm mới bắt đầu nhanh hơn từ khoảng giữa thập niên 2000.
"Cỡ bận đó dân Miệt Thứ đã rộ nuôi con tôm, con cua rồi. Xe hàng vẫn còn phải qua phà Tắc Cậu, Vàm Cống nhưng đã đi nhanh hơn nhờ đường sá được sửa sang, mở mang. Hồi xưa tụi tui mần được mớ cá, thau tôm chỉ biết đem ra chợ đầu kinh bán rẻ mạt để mong mua lại được miếng thịt heo ăn cho đỡ thèm hay mua khúc vải cho bà xã may bộ đồ Tết cho sắp nhỏ ngó ưng mắt.
Nhưng đến giai đoạn sau năm 2000, sản vật của tụi tui đã được xe đông lạnh chở lên thành phố. Thương lái không qua phà Tắc Cậu, đi đường Rạch Sỏi - Sài Gòn thì cũng chạy được hướng Cà Mau lên Cần Thơ...
Tiền bạc bán được của tụi tui không phải để mua miếng thịt nữa mà dành dụm mua cái xe máy hay lợp mái tôn cái nhà cho khỏi dột, lát cái nền gạch cho đỡ sình lầy" - ông già Bảy Tâm rề rà chuyện xóm ấp quê mình cách đây ngót nghét 30 năm với cuộc đổi thay chầm chậm.
Sinh sau ông Tâm xa lắc, anh cán bộ nông nghiệp Phạm Duy Tân cũng đã ba đời lội kinh bắt cá, vào rừng hái đọt choại nên rành rẽ cuộc đổi thay ở quê mình. Thiệt ra, ông nội anh Tân là dân gốc Nam Định nhưng đã di cư vào Miệt Thứ từ trước năm 1954 rồi mới sinh ra ba anh Tân nên giờ họ đã trở thành "người Miệt Thứ chánh hiệu"...
Câu chuyện đổi thay ở quê hương nhà văn Sơn Nam được anh Tân kể bằng chính sự lập nghiệp khó khăn và lần hồi đỡ dần của nhà mình: "Tui nghe kể lại ông nội tui vào đây mới lên xuồng bông đám cưới với cô gái Miệt Thứ. Xứ này ngày xưa vắng vẻ dữ lắm. Ông bà nội tui ở xóm Thạnh Yên, U Minh Thượng, mới chỉ có vài mái nhà gần nhau cho nghe được tiếng người đỡ buồn. Hồi ông nội tui khẩn hoang, cấy mớ lúa chỉ mong có đủ gạo cơm cháo qua ngày, còn hụt thì bắt cá, săn rắn, lượm rùa nhiều binh thiên để ăn trừ bữa".
Ông bà nội anh Tân sinh được bốn người con, bận nhỏ họ phải cực công chăm sóc nhưng lớn lên có thêm sức người khẩn hoang, mở rộng dần diện tích ruộng lúa. Từ cày một vụ, sang những năm 1990 họ bắt đầu làm hai vụ. Năng suất lúa Miệt Thứ vẫn thấp nhưng những nông dân nhiều đời như họ nhanh chóng theo được mô hình "con tôm ôm cây lúa". Ruộng lúa sau thu hoạch chính là đồng nuôi tôm.
Cuộc sống gia đình anh Tân bắt đầu dễ thở dần cũng như nhiều nhà Miệt Thứ khác. Đó cũng là khi điện được kéo về xóm ấp, lộ bê tông được nối nhau. Đêm đêm cảnh quê Miệt Thứ đã sáng ánh đèn điện thay ngọn đèn mù u leo lét và tiếng trai gái trẻ trung hát karaoke đã át giọng mấy ông già ngồi nhậu khề khà bài Dạ cổ hoài lang, Tình anh bán chiếu buồn hiu hắt một thủa...

Mặc dù sản vật tự nhiên ngày nay đã giảm hẳn, Miệt Thứ vẫn rất nhiều thủy hải sản đánh bắt lẫn nuôi trồng - Ảnh: QUỐC VIỆT

Nông dân nuôi tôm ở Miệt Thứ U Minh Thượng chở tôm từ trong đồng ra bán cho thương lái đậu xe sẵn ngoài quốc lộ 63 - Ảnh: QUỐC VIỆT

Trung tâm U MInh Thượng đang được đô thị hóa, ngày xưa nơi này chỉ là xóm nhỏ giữa tràm - Ảnh: QUỐC VIỆT

Quốc lộ 63 thông suốt cả vùng Miệt Thứ - Ảnh: QUỐC VIỆT
************
Về Miệt Thứ ngày nay người ta có nhiều món ngon để lưu luyến. Và sản vật xứ quê hương từng một thời heo hút này đã ra được tận chợ nước ngoài.
>> Kỳ tới: Mâm cua lột, tôm càng Miệt Thứ
Bình luận hay