![]() |
Ông Đực, bà Vĩnh hạnh phúc bên con gái 8 tuổi - Ảnh: Yến Trinh |
Ngày đó, hai chiếc ghe xuôi ngược ở Bến Tre bất ngờ va vào nhau.
Sau vài câu hỏi thăm về cuộc sống, ông Lê Văn Đực (hiện 65 tuổi, còn gọi là Năm "cụt") thẳng như ruột ngựa với bà Nguyễn Thị Vĩnh (hiện 53 tuổi): “Tui chết vợ, cô thôi chồng.
Thôi thì tui với cô ráng ráp lại mà hủ hỉ với nhau. Cô bệnh tui mua thuốc. Tui bệnh cô kiếm giúp chai dầu”. Cứ vậy, 20 năm nay, chuyện tình rổ rá cạp lại của ông bà luôn nồng ấm, để rồi khi cô con gái sắp chào đời, ông bà xuôi ghe lên chân cầu Rạch Bàn 2 (Q.7, TP.HCM) tá túc tới giờ...
Hôn nhân dang dở khi đang mang thai, rồi thủ tục rườm rà, mãi đến khi con được 15 tuổi bà Vĩnh mới ly hôn xong. Một mình bà bươn chải, mệt nhoài. Ông Đực cũng cảnh gà trống nuôi năm đứa con khi vợ qua đời. Buồn.
Ông giong ghe đi khắp nơi thả lưới câu cá, từ Tiền Giang rong ruổi lên tận Bến Tre. Như run rủi, hai mảnh đời vốn không vui ấy gặp nhau.
Các con ông Đực cũng đồng lòng gặp bà Vĩnh. Gia đình đồng ý, bà Vĩnh theo ông về ghe. Các con dần lớn lên, đến tuổi dựng vợ gả chồng, ông Đực bà Vĩnh nương tựa vào nhau mưu sinh trên chiếc ghe nhỏ ở Bến Tre. Dù một chân bị cụt phải chống nạng nhưng ông Đực vẫn chăm chỉ thả lưới, giăng câu.
Sau 12 năm nên duyên, cô con gái út Nguyễn Thị Diễm My ra đời như món quà vô giá ban tặng cho hai vợ chồng già. Lúc ấy, ông Đực đã 57 tuổi, bà Vĩnh cũng 45 tuổi. Họ hạnh phúc nhưng lo lắng từ đây chồng chất. Mấy chục năm trên sông nước miền Tây, ông Đực quyết định: lên Sài Gòn, bởi lẽ: “Trên thành phố, nếu siêng sẽ dễ sống”...
Bé My được 2 tháng tuổi, vợ chồng ông Đực quyết định lên thành phố. Họ đi bằng ghe từ Bến Tre, lần theo các con rạch, con sông. Họ mang theo cả ngôi nhà là chiếc ghe với gia tài là một chiếc xe đạp cọc cạch, mùng mền chiếu gối, nồi niêu xoong chảo...
Trong thùng còn 2kg gạo, đi đến đâu nấu cơm, câu cá để ăn đến đó. Chiếc ghe neo lại dưới chân cầu Rạch Bàn 2 (P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM) đến giờ. Vợ chồng ông Đực bắt đầu những ngày tháng lên bờ mưu sinh, đêm trở về trong chiếc ghe đã thôi xuôi ngược.
Tám năm trôi qua, con gái càng lớn lên thì ông Được - bà Vĩnh già đi mỗi ngày. Ông Đực bảo không nhớ tuổi mình vì “không ăn tết”. Ngại nói đến tuổi, nhưng ông Đực hiểu rõ: “Sức khỏe tui ngày càng yếu dần, chắc chỉ vài năm nữa...”. Tóc và râu ông đã điểm bạc nhưng mỗi lần nghe con gái nhỏ thỏ thẻ: “Cha đừng có chết, cha chết con ở với ai”, ông Đực lại lạc quan, vui vẻ và cố gắng mỗi ngày.
Hằng ngày, trên chiếc xe đạp được tặng, ông đạp xe khắp nơi chỉ với một chân và chiếc nạng cắp một bên hông để bán vé số. Từ những ngày đầu tiên chỉ có 500.000 đồng mua được 50 tờ vé số, đến nay mọi con đường ở Sài Gòn như đã quen chân ông. Dù lớn tuổi nhưng ông Đực - bà Vĩnh động viên nhau lo cho cô con gái: “Trước mắt vợ chồng tui cứ cố gắng. Cháu phải học được cái chữ để cho có hiểu biết”.
Bé My khá xinh xắn, dạn dĩ. My đang học lớp 1 ở lớp tình thương gần đó. My khoe: “Sáng cha chở My đến lớp, chiều nào cha về sớm sẽ đón My, không thì My tự đi bộ về”.
My kể thỉnh thoảng chiều về, cha chống nạng dắt My đi dạo bộ lên cầu Rạch Bàn 2. Tối về cha hay làm trâu để My cưỡi, vui lắm. Tối không có điện nên My viết bài ở trên trường. Rồi cô bé hồn nhiên: “My thích đi học lắm. Vì ở nhà không có ai chơi với My. Cha mẹ mắc đi mần. My chỉ chơi được với chó mèo thôi. Mà chơi với chó thì chó cắn, chơi với mèo thì mèo cào”.
Lời nói con trẻ như chạm vào lòng người cha, ông Đực trầm ngâm. Ông nói ít dắt con đi chơi vì: “Ra đường tủi lắm, con đòi mua đồ mà không có tiền mua cho con thì nhục lắm”. Gương mặt người đàn ông tuổi xế chiều với cặp mắt sâu và đôi lông mày rậm như che kín sự xúc động. Chiếc áo ông mặc có vài lỗ rách, ông nói như tự an ủi lòng mình: “Áo tui rách nhưng lòng tui không rách”.
“Vợ chồng ông Đực sống ở đây lâu rồi, hai người chịu khó làm ăn và sống rất hiền hòa. Chúng tôi cũng đăng ký sổ tạm trú dài hạn (KT3) cho ông bà để làm thẻ bảo hiểm y tế phòng khi đau ốm. Vừa qua chúng tôi cũng tặng cho ông chiếc xe đạp để đi bán vé số tiện hơn” - anh Bùi Xuân Đắc, cảnh sát khu vực, cho biết. |
Bình luận hay