
Mỗi buổi học, cô giáo Trần Thị Thọ đều tận tình hướng dẫn từng cụ để mọi người có thể chơi được bản nhạc đang luyện tập - Ảnh: BẢO TRÂN
Lớp piano của chị Trần Thị Thọ (41 tuổi, phường Hiệp Bình, khu vực TP Thủ Đức trước đây) mở ra dành cho các em nhỏ đã trở thành nơi ươm mầm những giấc mơ âm nhạc tưởng chừng ngủ yên của nhiều người lớn tuổi theo học ở nơi này.
U80 miệt mài với từng nốt nhạc
"Hồi nhỏ tôi từng biết chút đỉnh về guitar nhưng piano là một giấc mơ xa xỉ. Giờ đây tuổi già lại có cơ hội chạm vào cây đàn piano" - cụ Bùi Tuấn Kiệt (71 tuổi, phường Chánh Hưng, TP.HCM, khu vực quận 8 trước đây) tâm sự.
Mỗi sáng thứ ba và thứ sáu, cụ Kiệt lại chạy xe máy 17 cây số đến lớp học piano 0 đồng. Hành trình này đã được cụ duy trì suốt gần sáu năm. Trong lớp cụ Kiệt được các ông bà ưu ái gọi là "lớp trưởng" vì không chỉ là người học lâu năm nhất, cụ còn sẵn sàng đóng vai trò trợ giảng, tận tình hướng dẫn giúp người mới làm quen với phím đàn.
Những học viên lớn tuổi khi mới bắt đầu chơi đàn sẽ được dạy tập luyện từ cơ bản đọc tên các nốt cho đến khi chơi một bài hoàn chỉnh theo cấp độ khó dần. Sau một thời gian họ đã có thể đánh được một bản nhạc hoàn chỉnh.

Người cha Mạc Văn Mỹ đồng hành với con trai trong từng buổi học - Ảnh: BÉ HIẾU
Hơn cả một lớp học, nơi đây còn trở thành không gian đặc biệt để tình cha con được vun đắp, một câu chuyện cảm động giữa cụ Mạc Văn Mỹ (76 tuổi) và con trai Mạc Đăng Mừng (37 tuổi) mắc hội chứng Down. Mỗi buổi học người cha lại chạy xe máy 15 cây số chở con trai đến lớp, không chỉ để được nhìn thấy con trai mình chìm đắm trong tình yêu piano mà còn để cùng con trải nghiệm những khoảnh khắc ý nghĩa bên phím đàn.
"Thời gian đầu tôi chỉ định ngồi đợi bên ngoài trong lúc con học vì nghĩ mình đã lớn tuổi, mà đi đi về về giữa các buổi học thì tốn thời gian. Chị Thọ thấy vậy cũng mời tôi tham gia lớp. Tôi thích đàn và muốn học để cùng đồng hành với con" - cụ Mỹ bộc bạch.
Chia sẻ về lớp học, chị Trần Thị Thọ nhớ lại: "Bắt đầu từ câu chuyện mình mời một cụ bà 76 tuổi vào đàn thử, chỉ sau 5 - 10 phút hướng dẫn cụ đã có thể đàn được một bản nhạc đơn giản. Lúc đó cụ còn ngỡ ngàng và chia sẻ học đàn không khó như cụ nghĩ".
Từ đó chị Thọ đã quyết định mở lời mời đến các cụ ông, cụ bà xung quanh. Chị hiểu rằng ở tuổi xế chiều, ông bà thường gặp những trở ngại về sức khỏe, tay run hay trí nhớ suy giảm. Đặc biệt ông bà thường có tâm lý rất tiết kiệm. Việc phải đóng học phí mà cảm thấy tiến bộ chậm hoặc lỡ quên bài sẽ khiến họ ngần ngại và dễ bỏ cuộc.
"Vì lẽ đó nên lớp học được mở hoàn toàn miễn phí. Điều này giúp người học không còn bận tâm về gánh nặng học phí, có thể toàn tâm toàn ý nuôi lại đam mê trên từng nốt nhạc" - chị Thọ chia sẻ.

Ông Bùi Tuấn Kiệt, 71 tuổi (bìa trái), đã gắn bó gần 6 năm với lớp đàn piano 0 đồng - Ảnh: BÉ HIẾU
Tập thể dục cho cơ tay, bộ não và tinh thần
Biết đến lớp học qua mạng, bà Hồng Phước Hữu Phận (60 tuổi, phường Cầu Ông Lãnh, TP.HCM) đăng ký lớp vào giữa năm 2022. Đều đặn hai buổi/tuần, bà luôn có mặt ở lớp từ 7h30 sáng bởi "một tuần chỉ chờ đến thứ ba và thứ sáu để lên lớp. Đây như là ngôi nhà thứ hai của mình vậy".
Hào hứng đến lớp học là do mọi người nhận thấy âm nhạc mang đến nhiều tác động tích cực cho mình. Thay vì "lướt điện thoại thì chóng mặt nhức đầu", học đàn giúp đầu óc cụ Đào Thị Vần (71 tuổi, phường Thủ Đức, TP.HCM) trở nên minh mẫn hơn. Từ đó cụ có thể ngủ ngon, tinh thần thoải mái. Bên cạnh những lợi ích từ tinh thần, việc tập đàn còn đem lại lợi ích về thể chất.
Tưởng chừng bộ môn này sẽ không phù hợp với người lớn tuổi do việc phải ghi nhớ nốt nhạc, sự linh hoạt của hai tay mới hoàn thiện được bài thì chính những "rào cản" trên giúp sức khỏe các cụ cải thiện hơn.
Học đàn hơn năm năm, ông Tuấn Kiệt khẳng định: "Thứ nhất, khớp cơ mình cứng khi đàn nhiều sẽ dẻo ra giúp bớt đau nhức. Thứ hai, khi mình thuộc nốt là đầu óc mình làm việc, bệnh lẫn trí người già sẽ đến chậm hơn".
Cùng tâm sự với các học viên, chị Thọ nhận ra "bây giờ cô chú không còn đi làm nữa, chỉ ở nhà và quanh quẩn với bốn bức tường khiến một ngày của họ dài ra". Hiểu được tâm lý của đa số người lớn tuổi, chị cố gắng duy trì lớp học này suốt 10 năm ở hai hình thức: online và offline.
Trợ giảng cho lớp được bốn năm, chị Võ Nhật Nguyên (28 tuổi) cũng cảm thấy vui lây khi những người lớn tuổi theo học "khoe" về những tiến bộ trong quá trình tập luyện. Bản thân chị cảm thấy được chữa lành khi "mình đã góp phần làm cho cuộc sống của người khác trở nên tốt đẹp hơn".
Bình luận hay