17/07/2025 11:48 GMT+7

Loay hoay xin việc sau tốt nghiệp - Kỳ 5: Học cao hơn, nhiều hơn vì... chưa biết làm gì?

AN VI
và 1 tác giả khác

Nhiều sinh viên sau vài tháng nhận bằng tốt nghiệp quyết định quay lại giảng đường để học cao học, văn bằng 2. Ngoài những người đã ấp ủ kế hoạch học tiếp, không ít bạn trở lại trường vì… chưa xin được việc.

xin việc - Ảnh 1.

Nhật Khánh muốn trở thành cô giáo nối nghiệp mẹ - Ảnh: NGỌC SANG

Trong khi đó cũng có những người không cần soạn CV (đơn xin việc) mà bước thẳng vào công ty gia đình.

Học tiếp vì thấy kiến thức còn thiếu hoặc chưa biết làm gì…

Những sinh viên sau khi ra trường chật vật mãi vẫn chưa tìm được việc phù hợp. Thay vì tiếp tục chạy theo những vị trí mơ hồ, các bạn quyết định học tiếp như một cách để "trì hoãn" thất nghiệp hoặc chuẩn bị cho ngã rẽ mới.

Có bạn đăng ký học văn bằng 2, thạc sĩ hoặc theo đuổi các chứng chỉ chuyên môn để chuyển hướng sang một ngành nghề khác. Cũng có người chọn học ngoại ngữ, ấp ủ ước mơ bước ra thế giới, tìm kiếm cơ hội ở chân trời mới.

Hồ Phan Nhật Khánh (22 tuổi, ngụ phường Thủ Đức, TP.HCM) vừa tốt nghiệp ngành văn học Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM.

Cầm trên tay tấm bằng cử nhân sau bốn năm miệt mài trên giảng đường, Khánh không vội lao ngay vào thị trường lao động mà dành thời gian để chiêm nghiệm về hướng đi tiếp theo, nơi mà niềm đam mê văn chương và ước vọng nghề nghiệp có thể giao thoa.

Những tháng ngày tìm việc sau tốt nghiệp rất khó khăn, dù đã chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng, tới phỏng vấn ở nhiều công ty với các vị trí liên quan đến biên tập, truyền thông nhưng cánh cửa phù hợp vẫn chưa mở ra với Khánh.

Cảm giác chật vật, hoang mang khi đứng giữa ngã ba đường sau ĐH là điều mà Khánh và nhiều tân cử nhân khác đều thấm thía.

Vậy là cô quyết định đăng ký học thêm văn bằng 2 về nghiệp vụ sư phạm. Cô chia sẻ rằng ước mơ sau này sẽ trở thành một người truyền đạt kiến thức, giúp các học sinh cảm nhận vẻ đẹp của văn chương.

Khánh dự định sau này khi tốt nghiệp văn bằng 2 sẽ về quê nhà Đồng Tháp để nối nghiệp mẹ, đứng trên bục giảng gieo vào lòng học sinh niềm yêu thích văn chương giống như mẹ mình đã làm.

Tương tự, bạn Huỳnh Ngô Nhựt Tân (22 tuổi, ngụ phường Thủ Đức, TP.HCM) tân cử nhân ngành hóa lý của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, vừa tốt nghiệp với tấm bằng ĐH xếp loại giỏi và khóa luận tốt nghiệp đạt điểm xuất sắc nhưng Tân vẫn không cho phép mình hài lòng với hiện tại.

Với Tân, tấm bằng cử nhân là cột mốc đáng nhớ nhưng không phải là đích đến cuối cùng, cậu thẳng thắn thừa nhận: "Chuyên môn của mình vẫn chưa thật sự vững vàng, nếu bước ngay vào thị trường lao động mình sợ không đủ tự tin để đảm nhận những công việc đòi hỏi chuyên sâu".

Và thế là anh quyết định tiếp tục con đường học vấn, lựa chọn cao học để đào sâu thêm kiến thức dù bạn bè hầu như đã bắt đầu đi làm. Tân hy vọng sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, cánh cửa việc làm sẽ rộng mở hơn để anh thực sự phát huy thế mạnh và đam mê của mình trong lĩnh vực hóa lý.

Để cân bằng giữa việc học và cuộc sống, ngoài giờ lên lớp cao học, Tân còn cộng tác tại phòng thí nghiệm (LAB) của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên để làm về dự án vinium.

Công việc này không chỉ giúp Tân có thêm thu nhập mà còn là cơ hội thực hành, áp dụng lý thuyết vào thực tế, từng bước biến những kiến thức trên giảng đường thành kỹ năng nghề nghiệp vững vàng.

"Vừa học vừa làm, dù bận rộn hơn trước nhiều nhưng mình cảm thấy mỗi ngày trôi qua đều có ý nghĩa và tiến bộ hơn rất nhiều. Ở đây mình học hỏi được từ thầy cô rất nhiều điều mới mẻ, có những kiến thức học lý thuyết trên lớp chưa hiểu sâu nhưng khi bắt tay vào làm nghiên cứu, mình mới hiểu rõ quy luật của nó", Tân chia sẻ.

Mỗi ngày Tân dành ra hai tiếng để đọc sách, nghiên cứu những kiến thức mới, không ngừng cố gắng với hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

xin việc - Ảnh 2.

Huỳnh Ngô Nhựt Tân tốt nghiệp ĐH loại giỏi và khóa luận tốt nghiệp đạt điểm xuất sắc nhưng vẫn học lên thạc sĩ vì thấy kiến thức chưa đủ sâu - Ảnh: NGỌC SANG

Nối nghiệp công ty gia đình

Trong nhiều gia đình có truyền thống kinh doanh, con đường sự nghiệp của thế hệ sau như đã được vạch sẵn ngay từ khi các bạn còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thay vì phải trăn trở với những câu hỏi "Học ngành gì, làm công việc gì sau khi ra trường?" không ít bạn trẻ bước vào đời với tâm thế nhẹ nhàng bởi các bạn biết rõ mình sẽ trở về tiếp quản công việc gia đình.

Trịnh Đình Minh Tiến (23 tuổi, xã Phước Sơn, tỉnh Đồng Nai), tân cử nhân ngành quản trị Kinh doanh Trường ĐH Văn Lang, là một trong những sinh viên như vậy.

May mắn hơn các bạn khác ngay từ khi tốt nghiệp cấp III, Tiến đã không phải băn khoăn suy nghĩ về ngành học hay công việc tương lai. Ba mẹ Tiến là chủ một xưởng điều lớn nhất nhì xã Phước Sơn.

Thấu hiểu định hướng của ba mẹ và không muốn lãng phí thời gian vào những lựa chọn mông lung, Tiến quyết định theo học ngành quản trị kinh doanh, một lựa chọn mang tính chiến lược cho con đường kế thừa sự nghiệp gia đình sau này.

"Ba mẹ mình nói học gì cũng được miễn là sau này biết cách quản lý và phát triển xưởng tốt hơn", Tiến chia sẻ. Với anh, bốn năm ĐH không chỉ là quãng thời gian tích lũy kiến thức mà còn là cơ hội để rèn giũa các kỹ năng cần thiết cho công việc sau này.

Tiến chủ động tham gia các dự án kinh doanh nhỏ, thực tập tại các doanh nghiệp để hiểu rõ hơn về vận hành một công ty, từ quản lý nhân sự, tài chính đến marketing.

Vậy nên khi khoác trên mình tấm áo cử nhân, trong lúc nhiều bạn đồng trang lứa còn loay hoay chỉnh sửa CV, nộp hồ sơ và hồi hộp chờ từng email phản hồi, Tiến đã vững vàng với vị trí của mình và không phải áp lực về vấn đề việc làm.

Tiến trở về quê nhà bắt tay ngay vào việc tiếp quản xưởng điều, mang theo những kiến thức mới để cải tiến quy trình sản xuất, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu cho gia đình ngày một đi lên.

Anh đề nghị ba mẹ mình cho sửa sang lại xưởng, nhập thêm nhiều thiết bị mới, hiện đại để sản phẩm đầu ra đến tay người tiêu dùng được tốt nhất, tự hào là thương hiệu hạt điều Bình Phước.

Dù đã có công việc ổn định, Tiến vẫn không ngừng học hỏi thêm. Anh vẫn thường xuyên lên TP để đi học và trau dồi thêm kiến thức kinh doanh.

"Thật ra mình cũng không coi đây là đặc quyền hay may mắn gì lớn lao. Vì dù có con đường sẵn đi chăng nữa nếu mình không cố gắng, không học hỏi thì cũng chẳng thể làm tốt được", Tiến chia sẻ.

Đa phần các trường ĐH đều chú trọng đào tạo các kỹ năng bổ trợ cho sinh viên ngoài kiến thức chuyên môn như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian…

"Chúng tôi còn đặt trọng tâm phát triển những nhóm kỹ năng mang tính xu hướng, đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sinh viên trong thời đại mới" - ThS Nguyễn Thị Xuân Dung, giám đốc Trung tâm truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, chia sẻ.

Thời gian qua nhà trường còn chú trọng phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ sinh viên vận dụng công nghệ vào học tập và công việc một cách hiệu quả và có trách nhiệm.

Để giúp sinh viên tiếp cận được nhiều cơ hội việc làm, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM cũng đã tổ chức nhiều chương trình giao lưu doanh nghiệp, đối tác, cựu sinh viên thành công, các hoạt động tư vấn nghề nghiệp, kỹ năng, trải nghiệm tham quan các cơ quan, doanh nghiệp, ký kết hợp tác với các đối tác trong việc tuyển dụng, đào tạo…

--------------------

Sinh viên khó xin việc một phần là do yếu tố khách quan từ thị trường lao động, song đa phần doanh nghiệp đều muốn và sẵn sàng tuyển người phù hợp với họ.

Kỳ tới: Vì sao khó xin việc? Do mình hay họ không biết dụng người?

Loay hoay xin việc sau tốt nghiệp - Kỳ 4: Cất bằng chuyên môn để tạm có việc kiếm tiền

Thực tế không ít sinh viên ra trường chưa vội cuống cuồng tìm việc. Họ tạm cất tấm bằng cử nhân vào tủ, chọn làm công việc quen thuộc từ thời sinh viên để trang trải cuộc sống trước mắt và tiếp tục chuẩn bị "nội lực" cho tương lai.

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Điểm tựa gia đình vực mình đứng lên

Sự nghiệp đang trên đà phát triển thuận lợi, đùng một cái Đàm Quang Phúc bị phát hiện mắc bệnh viêm não khiến anh bị liệt nửa người, nói năng khó khăn. Và sau đó không lâu người cha cũng qua đời…

Điểm tựa gia đình vực mình đứng lên

Loay hoay xin việc sau tốt nghiệp - Kỳ 4: Cất bằng chuyên môn để tạm có việc kiếm tiền

Không ít sinh viên ra trường tạm cất tấm bằng cử nhân vào tủ, chọn làm công việc quen thuộc từ thời sinh viên để trang trải cuộc sống.

Loay hoay xin việc sau tốt nghiệp - Kỳ 4: Cất bằng chuyên môn để tạm có việc kiếm tiền

Loay hoay xin việc sau tốt nghiệp - Kỳ 3: Khi bằng cấp chưa là đáp số cuối cùng

Ra trường với tấm bằng tốt nghiệp bao năm đèn sách, ai cũng mong tìm được việc ổn định, lương khá. Tuy nhiên thực tế không như mơ, nhiều bạn đối mặt với sự thất vọng khi liên tục bị từ chối hoặc nhận mức lương không như mong muốn.

Loay hoay xin việc sau tốt nghiệp - Kỳ 3: Khi bằng cấp chưa là đáp số cuối cùng

Nghề 'câu chơi, trúng thật' ở Đà Nẵng

Trên những con thuyền tròng trành, các ngư dân làm nghề câu ở Đà Nẵng chọn khoảng trời tự do của riêng mình.

Nghề 'câu chơi, trúng thật' ở Đà Nẵng

Loay hoay xin việc sau tốt nghiệp - Kỳ 2: Bí quyết ra trường có việc ngay là lăn lộn từ sớm?

Thị trường lao động ngày càng cạnh tranh khiến nhiều sinh viên không còn chờ đến khi tốt nghiệp mới tìm việc làm.

Loay hoay xin việc sau tốt nghiệp - Kỳ 2: Bí quyết ra trường có việc ngay là lăn lộn từ sớm?

Loay hoay xin việc sau tốt nghiệp - Kỳ 1: 'Tôi tốt nghiệp loại giỏi nhưng sao khó xin việc vậy?'

Cầm bằng cử nhân loại giỏi nhưng nhiều sinh viên vẫn loay hoay xin việc. Họ ngại, sợ và bắt đầu mất niềm tin sau nhiều lần bị từ chối.

Loay hoay xin việc sau tốt nghiệp - Kỳ 1: 'Tôi tốt nghiệp loại giỏi nhưng sao khó xin việc vậy?'
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar