16/12/2019 06:37 GMT+7

Lấy bằng cử nhân chỉ sau 2 năm rưỡi

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Trần Hồng Mỹ Dung - sinh viên khóa 2015 Trường ĐH RMIT Việt Nam - là một trong rất nhiều sinh viên trường này lấy bằng cử nhân chỉ sau 2 năm rưỡi.

Lấy bằng cử nhân chỉ sau 2 năm rưỡi - Ảnh 1.

Sinh viên bộ môn kỹ thuật hệ thống công nghiệp Trường ĐH Quốc tế trong giờ học thiết kế mô hình sản phẩm - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Trong khi sinh viên các trường đại học (ĐH) Việt Nam thường phải mất 4 năm mới hoàn tất chương trình bậc ĐH, ở nhiều trường nước ngoài phần lớn sinh viên chỉ học trong 3 năm.

Các trường Việt Nam cần thiết kế lại chương trình đi vào hướng chuyên ngành nhiều hơn, không nên dạy theo kiểu dàn trải, đòi hỏi người học phải biết đủ thứ. Với việc đào tạo chuyên sâu, sinh viên có thể tốt nghiệp sớm hơn và ra trường có thể làm việc được ngay, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Nếu chương trình dài, người học sẽ tốn kém, nguồn nhân lực cũng không tinh. Vì vậy cần cải tiến chương trình để rút ngắn thời gian đào tạo.

TS Trần Tiến Khoa

Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc các trường Việt Nam phải theo xu hướng tiếp cận chương trình đào tạo quốc tế. Theo đó, cần thiết kế chương trình ĐH, đặc biệt là chương trình cử nhân theo hướng rút ngắn thời gian đào tạo so với hiện nay.

Tốt nghiệp cử nhân sau 2,5 năm

Trần Hồng Mỹ Dung - sinh viên khóa 2015 Trường ĐH RMIT Việt Nam - là một trong rất nhiều sinh viên trường này lấy bằng cử nhân chỉ sau 2,5 năm. Mỹ Dung nhập học tháng 11-2015 và tốt nghiệp ngành truyền thông chuyên nghiệp tháng 5-2018. 

Ra trường khá sớm nhưng cô gái sinh năm 1997 này tốt nghiệp loại giỏi, xếp hạng 3 trong khoa. Mỹ Dung còn là thành viên của Tổ chức Golden Key International Honour Society (chi hội RMIT Việt Nam) nhờ vào thành tích học tập tốt thuộc top 15% toàn trường.

Từ tháng 3-2018, trước khi tốt nghiệp, Dung đã nhận được việc làm chính thức vị trí truyền thông marketing tại một công ty về ăn uống gồm chuỗi năm nhà hàng ở TP.HCM. Đến nay, Dung đã xuất bản tám quyển sách về hướng nghiệp, du học, chọn ngành học, định hướng phong cách sống... cho độc giả trẻ và thiếu niên.

Do có định hướng từ đầu theo ngành truyền thông nên hết năm lớp 11, Dung được gia đình cho sang Singapore học chương trình dự bị đại học ngành này và được cấp bằng THPT quốc tế 1 năm sau đó. Sở hữu IELTS 7.5, Mỹ Dung được chuyển về học ĐH tại ĐH RMIT Việt Nam. 

"Trường đào tạo theo tín chỉ, sinh viên được đăng ký tối đa 4 môn/học kỳ, tùy sức học. Nhiều bạn học 4n môn nhưng cũng có người chỉ học 1 môn/học kỳ. Ngành truyền thông có tất cả 24 môn, mỗi môn chỉ đến lớp 3 giờ/tuần, có học kỳ tôi đăng ký 3 môn, có khi 4 môn. Với 4 môn học, tôi đến trường 4 buổi/tuần (12 buổi/học kỳ). Do vậy, sau 2,5 năm tôi tốt nghiệp" - Mỹ Dung chia sẻ.

Trong khi đó, Lưu Thái Quang Khải vừa tốt nghiệp loại giỏi top 4 ngành marketing ĐH RMIT Việt Nam hôm 2-12, sau 3 năm học. Nhiều người ngạc nhiên khi biết từ năm thứ 3 ĐH, Quang Khải đã có kinh nghiệm 3 năm làm đủ thứ việc cho các công ty từ thiết kế đồ họa, chụp ảnh, làm phim, làm đồ handmade... và đã mở hai công ty để vừa kinh doanh vừa học.

"Trường thiết kế chương trình theo hướng giảm thiểu tối đa giờ lên lớp, mỗi môn sinh viên chỉ học trên lớp 3 giờ/tuần, trong 3 tháng. Sinh viên được quyền đăng ký tối thiểu 2 môn và tối đa 4 môn/học kỳ. Tôi đăng ký 3 môn chỉ học trong 1 ngày thứ hai, thời gian còn lại tự học và đi làm. Chương trình học chỉ chú trọng đến năng lực và kỹ năng thực sự của sinh viên với yêu cầu qua việc làm đồ án các môn học đầy tính thực tế" - Khải kể.

Ra trường sớm hay chậm tùy thuộc vào sinh viên

Theo GS Rick Bennett - phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo ĐH RMIT Việt Nam, các chương trình ĐH của trường này trung bình 3-4 năm. Một chương trình ĐH có thể từ 2,5 năm đến tối đa khoảng 5 năm, tùy chương trình. 

"Những sinh viên có năng lực và mong muốn tốt nghiệp sớm hơn có thể hoàn thành bậc ĐH sau 2,5 đến 3 năm. Lý do chính là tại ĐH RMIT Việt Nam có 3 học kỳ/năm thay vì 2 học kỳ như ở nhiều trường khác tại châu Âu hay Úc. Với chương trình đào tạo như vậy, việc ra trường sớm hay chậm tùy thuộc vào học lực và lựa chọn của mỗi sinh viên. Theo quan sát của tôi, những sinh viên muốn tham gia vào nhiều hoạt động ngoại khóa để làm phong phú thêm trải nghiệm sẽ dành ít nhất 3 năm cho bậc ĐH" - GS Rick chia sẻ.

Nói về điều kiện học vượt, GS Rick cho biết: "Sinh viên cần lên kế hoạch học tập rõ ràng. Độ dài chương trình học còn phụ thuộc vào số môn học trong mỗi chương trình. Chúng tôi không thực sự khuyến khích sinh viên tốt nghiệp quá sớm và hiện đa số sinh viên tại Việt Nam không đăng ký tốt nghiệp sớm, khác với ở Úc nơi điều này phổ biến hơn".

Lấy bằng cử nhân chỉ sau 2 năm rưỡi - Ảnh 4.

Sinh viên Trường ĐH RMIT Việt Nam trong ngày tốt nghiệp đại học năm 2019. Trong số này rất nhiều sinh viên có thời gian học 2,5 - 3 năm - Ảnh: NHÃ TRÂN

Làm được nhưng không dễ

TS Trần Tiến Khoa - hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết chương trình đào tạo của các trường ĐH nước ngoài tại Việt Nam và ở nhiều nước có số môn học và tín chỉ ít hơn các trường Việt Nam nên thời gian đào tạo ngắn. 

Theo đó, chương trình được thiết kế theo chuyên ngành sâu, chủ yếu các môn liên quan đến chuyên ngành và chỉ dạy môn cơ sở ngành cần thiết cho chuyên ngành. Ngay cả ngành công nghệ thông tin hiện ở Mỹ đào tạo 4 năm, trong khi Úc và các nước châu Âu đào tạo 3 năm. Ngành này được chia nhỏ rất nhiều chuyên ngành sâu, người học được đào tạo theo hướng chuyên môn hóa sâu và tăng thời gian thực hành.

"Chương trình của Việt Nam thường "đổ bêtông" rất nhiều môn cơ sở, sinh viên đều phải học nhiều môn dư, nên thời gian học kéo dài. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng do đặc điểm xã hội ở các nước phát triển, sự phân công lao động chuyên môn hóa cao. Còn ở Việt Nam các trường đào tạo theo hướng rộng để khi sinh viên ra trường dễ dàng chuyển đổi nghề nghiệp, có thể làm việc không đúng với chuyên môn. 

Bên cạnh đó, sinh viên Việt Nam còn bị bắt buộc học môn giáo dục thể chất đến hai học kỳ, trong khi ở các nước đây chỉ là hoạt động ngoại khóa" - ông Khoa lý giải.

Ông Khoa cũng cho hay chương trình cử nhân của Trường ĐH Quốc tế với khoảng 140 tín chỉ, trường đang có định hướng cắt giảm tín chỉ để rút ngắn thời gian đào tạo. Tuy nhiên để làm việc này không đơn giản, phải thay đổi chương trình theo hướng tinh gọn, đi vào chuyên ngành sâu. Bên cạnh đó, nhận thức về vấn đề này hiện nay còn rất nặng nề, nếu cắt giảm quá nhiều sẽ rất khó được cơ quan quản lý và cả xã hội chấp nhận vì lâu nay mọi người đã quen với chương trình đào tạo rộng.

PGS.TS Vũ Phan Tú - trưởng ban Sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng Việt Nam cần sớm tiếp cận xu hướng quốc tế trong đào tạo ĐH. Ở các nước tiên tiến, thời gian đào tạo cử nhân trung bình khoảng 3 năm. Với xu thế công nghệ mới một số trường áp dụng và tùy khả năng sinh viên có thể học nhanh 2,5 - 3 năm. 

"Như vậy, nếu điều kiện cho phép, các trường cần xây dựng chương trình theo triết lý tích hợp lý thuyết và ứng dụng thực tế; nâng chất đội ngũ giảng viên và đổi mới phương pháp giảng dạy. Giảng viên và sinh viên có thể sử dụng thư viện điện tử, kho dữ liệu của các tạp chí, bài giảng mở của các trường trên thế giới; khai thác thông tin trên Google; thiết kế các học phần online... Lên lớp giảng viên dạy thẳng ngay vào bài toán thực tế, trong khi sinh viên chuẩn bị trước các kiến thức. Nếu làm tốt chỉ cần 2,5 năm là xong chương trình cử nhân" - ông Tú nhận định.

Tuy nhiên theo ông Tú, để làm được việc này không đơn giản vì đang bị ràng buộc nhiều thứ, đòi hỏi sự chủ động và quyết tâm của các cơ sở đào tạo. ĐH Quốc gia TP.HCM đã cho phép học song ngành nên rút ngắn thời gian đào tạo cũng có lợi cho sinh viên nếu muốn học thêm ngành thứ hai, đồng thời nghiên cứu và triển khai song bằng ở bậc sau ĐH từ năm 2020.

Tương tự, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho rằng việc thiết kế chương trình với thời gian đào tạo ngắn đối với các nước dễ dàng thực hiện nhưng ở Việt Nam sẽ khó. 

"Nếu đào tạo 3 năm vẫn phải tuân theo quy định của Bộ GD&ĐT về dạy các môn giáo dục thể chất, chính trị... Theo tôi, cần tăng cường đào tạo online các môn chính trị và các môn học lý thuyết" - ông Dũng nhấn mạnh.

TS Lê Trường Tùng - chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT - cho biết chuẩn đào tạo ĐH ở Việt Nam hiện nay là 120 tín chỉ. Nếu đào tạo trong thời gian 3 năm thì mỗi học kỳ sinh viên phải học 20 tín chỉ, tương đương học 20 giờ/tuần. Nếu chọn học nhiều môn và đạt hết có khi sau 2 năm là xong chương trình cử nhân.

Các nước có chương trình đào tạo ĐH khá ngắn như Anh, Úc vì có chương trình dự bị ĐH (Foundation, PreU hoặc A1, A2). Khi học theo cơ chế tín chỉ thì thời gian do sinh viên quyết định, không phải do trường.

Để rút ngắn thời gian học

Ở Anh, theo trang Study International, chương trình đào tạo cử nhân thường rút ngắn hơn 1 năm so với thời gian đào tạo này ở Mỹ, do đó người học có thể lấy bằng bachelor (cử nhân) trong 3 năm. Tuy nhiên tại Scotland, thời gian đào tạo cử nhân vẫn là 4 năm như ở Mỹ.

Ở Mỹ, chương trình đào tạo cử nhân kéo dài 4 năm (8 kỳ học) và người học phải hoàn thành 120 tín chỉ, trung bình mỗi kỳ 15 tín chỉ. Điều này có nghĩa người học sẽ tốt nghiệp sau 4 năm nếu hoàn thành các chương trình học toàn thời gian. Mỹ cũng có một số trường cung cấp chương trình đào tạo cử nhân trong 3 năm.

Chẳng hạn, theo trang web của Trường ĐH Nam New Hampshire (bang New Hampshire, Mỹ), chương trình này sử dụng cách kết hợp giữa những lớp học truyền thống, các hội thảo, dự án nhóm và các sự kiện cộng đồng. Một số chương trình đào tạo cử nhân trong 3 năm của Trường ĐH Nam New Hampshire gồm: kế toán, quản trị doanh nghiệp, marketing, quản lý thể thao và hệ thống thông tin máy tính.

Trang web của Trường ĐH Post ở Waterbury, bang Connecticut (Mỹ) chia sẻ những cách giúp người học đẩy nhanh thời gian học để có thể lấy được tấm bằng cử nhân mà thông thường sẽ phải mất từ 4-6 năm tùy theo chuyên ngành tại Mỹ. Trước hết là tận dụng những gì đã có. Nhiều trường trung học hiện nay đều có chương trình tú tài quốc tế có thể giúp người học nhận được các tín chỉ đại học ngay trong thời gian học trung học.

Nhìn chung đây còn là lựa chọn thông minh về tài chính vì cũng những khóa học đó khi học ở trung học sẽ được hưởng mức học phí ưu đãi, thấp hơn nhiều so với khi học tại đại học.

Tận dụng các kế hoạch học tập linh hoạt, tranh thủ thời gian học vào những ngày cuối tuần hoặc buổi tối để có thể rút ngắn thời gian học tập.

Ngoài ra việc tham gia các khóa học online cũng giúp tiết kiệm tới 30% thời gian cần bỏ ra để có được tấm bằng cử nhân. Nếu là người có khả năng học tập độc lập, các lớp học online sẽ giúp người học giảm bớt thời gian đi lại tới lớp và tập trung cho việc học hơn.

D.KIM THOA tổng hợp

Trường đại học siết liên thông đại học chính quy

TTO - Hiện không ít trường đại học đã ngừng tuyển sinh liên thông chính quy với nhiều lý do.

TRẦN HUỲNH

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Sở GD-ĐT Hà Nội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc lựa chọn sách giáo khoa

UBND TP Hà Nội đã ủy quyền cho Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt danh mục lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục trên địa bàn thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND TP, từ nay đến hết ngày 31-12-2027.

Sở GD-ĐT Hà Nội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc lựa chọn sách giáo khoa

129 điểm đánh giá năng lực HSA tương đương 29,27 điểm thi tốt nghiệp năm 2024 khối A00

Đây là mức quy đổi điểm trúng tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, về điểm trúng tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

129 điểm đánh giá năng lực HSA tương đương 29,27 điểm thi tốt nghiệp năm 2024 khối A00

Harvard đâm đơn kiện chính quyền Trump vì lệnh cấm tuyển sinh quốc tế

Đại học Harvard cho rằng động thái cấm trường này tuyển sinh quốc tế là 'vi phạm trắng trợn' Hiến pháp Mỹ và cáo buộc chính phủ đã tìm cách "xóa sổ" 1/4 số sinh viên của trường.

Harvard đâm đơn kiện chính quyền Trump vì lệnh cấm tuyển sinh quốc tế

Ngành kinh tế đất đai lần đầu tiên được đào tạo tại Việt Nam

Năm 2025, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) chính thức tuyển sinh và đào tạo ngành kinh tế đất đai - ngành lần đầu tiên được đào tạo tại Việt Nam.

Ngành kinh tế đất đai lần đầu tiên được đào tạo tại Việt Nam

Sinh viên quốc tế ở Harvard lo đứt gánh giữa đường

Với nhiều sinh viên quốc tế, quyết định theo học hay tốt nghiệp tại Harvard đang trở thành một giấc mơ chông chênh hơn bao giờ hết.

Sinh viên quốc tế ở Harvard lo đứt gánh giữa đường

Doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền để sử dụng AI, sinh viên phải chuẩn bị để cạnh tranh

Trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là công cụ, mà sẽ trở thành đồng nghiệp của các thầy cô và sinh viên ngành kinh tế trong tương lai. Do đó cần phải 'bình dân học vụ' AI ngay từ bây giờ, để làm chủ những công cụ trí tuệ nhân tạo.

Doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền để sử dụng AI, sinh viên phải chuẩn bị để cạnh tranh
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar