Với định hướng tập trung thảo luận về giải pháp, nhiều chuyên gia tại hội thảo đã đề cập việc “tích hợp lịch sử vào nhiều môn học ở cấp học thấp”.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ cùng nhóm nghiên cứu của ông ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: ở tiểu học lịch sử nên là một phân môn trong môn học “Tìm hiểu xã hội” (lớp 4, 5). Cùng với kiến thức lịch sử, địa lý (đã đưa vào chương trình lớp 4, 5 hiện hành) nên mở rộng nội dung xã hội, gắn với thực tiễn cuộc sống. Đồng ý với ý kiến này, nhưng GS.TS Đỗ Thanh Bình, khoa sử ĐH Sư phạm Hà Nội, còn đề xuất một chương trình lịch sử dưới dạng câu chuyện lịch sử, thậm chí dưới dạng truyền thuyết, dân gian, làm quen với nhân vật lịch sử, tấm gương yêu nước, nhà văn hóa tiêu biểu, giới thiệu biểu tượng của lịch sử dân tộc như quốc huy, quốc kỳ.
Đề cập tới hướng “tích hợp môn học”, PGS Nghiêm Đình Vỳ cho rằng bậc THCS nên đưa lịch sử vào môn khoa học xã hội, hay môn xã hội, nghiên cứu xã hội và môi trường... Môn học này tích hợp kiến thức lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, giáo dục công dân...” Giữa các phân môn có phần chung và phần giao thoa. Ví dụ phần giao thoa của lịch sử và địa lý là phát kiến địa lý, thành tựu của đổi mới ở VN, truyền thống yêu nước, chủ quyền biển đảo...” - ông Vỳ nói.
GS Vũ Dương Ninh đưa ra tới bốn phương án khác nhau đối với môn lịch sử ở bậc THCS và THPT, trong đó hai phương án được nhiều ý kiến quan tâm là “Tập trung vào học quốc sử, còn lịch sử thế giới chỉ là “bối cảnh để hiểu lịch sử dân tộc” và phương án “Gói gọn nội dung chương trình lịch sử ở THCS, còn THPT thì nên giảng theo chuyên đề”. Phương án này phù hợp với các đề xuất về dạy học phân hóa, định hướng nghề nghiệp ở THPT.
Với gợi ý thảo luận của GS Phan Huy Lê, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, là nên biên soạn SGK theo nguyên tắc đồng tâm (như hiện nay đang làm) hay đường thẳng, nhiều chuyên gia đều phê phán cách làm “đồng tâm” (kiến thức được lặp lại ở các cấp, lớp học nhưng mức độ khác nhau). “Hệ lụy của cấu trúc đồng tâm khiến học sinh bị nhàm chán do phải học đi học lại, bị quá tải không cần thiết” - PGS.TS Phạm Xanh, ĐHQG Hà Nội, nhận xét.
GS.TS Đỗ Thanh Bình cũng thừa nhận nhược điểm của cấu trúc đồng tâm, nhưng vẫn cho rằng cần kết hợp giữa cấu trúc đường thẳng và đồng tâm. Phần đồng tâm là phần giao thoa kiến thức giữa hai cấp THCS và THPT.
Nhưng PGS Phạm Xanh thì lại đề xuất biên soạn SGK theo cấu trúc: lấy trục thời gian (cổ đến kim) và không gian (quốc gia, khu vực) để lựa chọn nhân vật, lịch sử dưới dạng câu chuyện (đối với tiểu học) và lựa chọn địa danh lịch sử gắn với sự kiện lịch sử (với THCS). Ở cấp THPT, theo TS Xanh, lịch sử VN và thế giới cần biên soạn không đứt đoạn chia làm ba thời kỳ cổ đại - trung đại - hiện đại... “Cấu trúc đó tránh trùng lắp nhàm chán khô khan, tạo nên sự sống động, hấp dẫn” - TS Xanh nói.
Bình luận hay