![]() |
Các cử tri lần đầu tiên tham gia bầu cử Quốc hội, HĐND (từ trái qua): Nguyễn Kim Hoàng Anh, Nguyễn Thị Phương Quỳnh, Nguyễn Thị Phương Chung và Lê Minh Hoàng - sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh |
* NSƯT, ca sĩ Thanh Thúy (đoàn phó Đoàn nghệ thuật Quân khu 7):
![]() |
Ảnh: T.T.D. |
Một ngày rất đặc biệt
Tôi chưa từng bỏ qua lần bầu cử nào và với một sĩ quan quân đội như tôi thì ngày bầu cử là một ngày rất đặc biệt. Tôi có thẻ cử tri ở hai nơi, đó là địa bàn tôi sinh sống và cơ quan tôi công tác là Đoàn nghệ thuật Quân khu 7. Nhưng tôi chọn đi bầu ở cơ quan. Ngày bầu cử, toàn thể đơn vị sẽ tập trung lúc 7g30, làm lễ và cùng nhau thực hiện quyền công dân của mình.
* NSƯT, diễn viên Mỹ Uyên:
![]() |
Ảnh: T.T.D. |
Đại biểu hãy lắng nghe dân nhiều hơn
Tôi chỉ có một mong muốn gởi đến các đại biểu là nếu trúng cử thì hãy lắng nghe dân nhiều hơn nữa. Là một nghệ sĩ sân khấu, tôi vui mừng khi thấy đời sống văn hóa nghệ thuật của TP luôn rộn rã. Tuy nhiên, bộ môn kịch nói và cải lương hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Tôi mong các đại biểu lần này nếu trúng cử vẫn sẽ dành nhiều sự quan tâm đến đời sống nghệ thuật của TP nói chung và quan tâm, chú ý nhiều hơn nữa đến bộ môn kịch nói, cải lương nói riêng để hai bộ môn nghệ thuật đặc sắc này có thể tồn tại và phát triển tốt.
* Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng:
![]() |
Ảnh: T.T.D. |
Người dân đặc biệt quan tâm
Là ca sĩ, những ngày qua tôi cũng có cơ hội tham gia hát rất nhiều ở các quận huyện trong TP để tuyên truyền cho lần bầu cử này. Và dĩ nhiên, không chỉ hát, tôi cũng sẽ thực hiện quyền của mình và tham gia bỏ phiếu ở P.9, Q.Tân Bình.
Khi tham gia biểu diễn vận động, tuyên truyền cho lần bầu cử này tôi nhận thấy người dân cũng đặc biệt quan tâm bởi đây là lúc, là nơi người dân nói lên ý kiến của mình để tạo nên một cơ chế, một bộ máy tốt. Mong các vị lãnh đạo thấu hiểu được sự kỳ vọng của nhân dân và sát cánh cùng nhân dân.
* Ca sĩ Thái thùy Linh:
![]() |
Ảnh: T.T.D. |
Tôi không có thói quen “gạch đại”
Sáng 22-5 tôi cùng gia đình mình đi bầu cử, vì đây là quyền lợi của mình. Và như các lần đi bầu trước đây, tôi sẽ đến khu vực bầu cử ở tổ dân phố tôi để tìm hiểu, đọc kỹ các thông tin liên quan đến các ứng cử viên. Tôi sẽ chỉ bỏ phiếu cho người nào mà tôi tin tưởng, người nào mà tôi cảm thấy sẽ làm được việc tốt nhất sau khi trúng cử. Tôi không có thói quen “gạch đại”, bầu cho xong, mà tôi sẽ trực tiếp đọc, trực tiếp gạch, trực tiếp bỏ phiếu vào thùng.
Tôi cũng mong mọi người, nhất là những bạn trẻ lần đầu đi bầu, cần nghiên cứu kỹ và có trách nhiệm với quyền của mình.
* Ca sĩ Trọng Tấn:
![]() |
Ảnh: T.T.D. |
Trách nhiệm của mỗi người
Tôi cũng là cử tri tham dự nhiều kỳ bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp, nhưng lần này tôi thấy có sự chuyển biến tích cực và mọi người cũng đang tin tưởng vào sự minh bạch, trong sáng, quyết tâm, vì dân của lớp lãnh đạo gần đây và tương lai. Tôi là nghệ sĩ nhưng cũng là công dân nên những vấn đề chính trị của đất nước, của thế giới tôi thường xuyên theo dõi để nắm bắt tình hình chung.
Tôi thấy rằng bầu cử với bất cứ đất nước nào, bất cứ thể chế chính trị nào cũng đều rất quan trọng. Sự dân chủ nhất chính là nằm ở việc trách nhiệm của mỗi người dân khi bầu ra những đại biểu cho nhân dân, các cấp, cũng như những người tham gia vào Quốc hội sẽ có tiếng nói, đấu tranh. Và họ cũng là những người dựa trên Hiến pháp sẽ làm ra những bộ luật tốt nhất cho đất nước. Những điều đó nghe thì lớn lao, xa cách với từng cá nhân, nhưng một quyết sách tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi gia đình, mỗi con người.
* Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung:
![]() |
Ảnh: N.Đ.Toán |
Tôi có sự lựa chọn của riêng mình
Hai vợ chồng tôi đã rút thẻ cử tri ở P.Tràng Tiền (Hà Nội) để chuẩn bị cho việc bầu cử ngày 22-5. Với các đại biểu Quốc hội, tôi cũng đã có sự lựa chọn cho riêng mình.
Tôi nghĩ tất cả lãnh đạo các ngành các cấp hay mỗi công dân đều mong muốn có sự đổi mới làm cho đất nước mình tốt lên. Và đây là cơ hội để chúng ta có thể bắt đầu sự đổi mới từ nơi quyền lực cao nhất của đất nước là Quốc hội. Chúng ta đang được cùng nhau lựa chọn thì tại sao lại không cố gắng để lựa chọn ra những đại biểu tốt nhất.
Ông Lê Văn Thu (cử tri P.15, Q.10, TP.HCM): Cân nhắc, lựa chọn kỹ Đây là lần thứ 13 tôi đi bỏ phiếu bầu cử. Mỗi lần là một tâm trạng khác nhau. Kỳ bầu cử năm nay cũng đặc biệt khi tình hình đất nước có nhiều biến động, tôi cũng mong muốn lựa chọn được đại biểu thật xứng đáng. Tôi đang hồi hộp chờ cho đến sáng ngày khai hội để được cầm lá phiếu trong tay, bầu ra những người xứng đáng, đại diện tiếng nói của người dân. Các hộ gia đình đều được tổ dân phố phát hồ sơ của các ứng viên. Tôi và các thành viên trong gia đình đã tìm hiểu kỹ về lý lịch, tinh thần trách nhiệm và chương trình hành động của các ứng viên để có sự cân nhắc, lựa chọn. Bà Huỳnh Trúc Liên (cử tri P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM): Nhiều ứng cử viên trẻ Khi được phát tiểu sử và chương trình hành động của các ứng cử viên, tôi với hàng xóm đọc kỹ lắm, xem thử họ hoạt động sao, thời gian qua họ làm gì, có thành tích gì. Tôi thấy ứng cử viên năm nay người trẻ nhiều, chương trình hành động thiết thực, đáp ứng những điều chúng tôi mong mỏi. |
Cử tri trẻ lần đầu đi bầu
Chiều 21-5, khu vực tiền sảnh ký túc xá Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (Q.1, TP.HCM) trở nên rộn ràng hơn thường lệ bởi đây là nơi dán danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021. Ngoài bảng danh sách này, thông tin về tiểu sử kèm theo ảnh chân dung của mỗi đại biểu đều được tổ bầu cử P.Cầu Ông Lãnh phát tận phòng cho gần 800 sinh viên tại ký túc xá này tìm hiểu. Bạn Trần Thị Hằng (21 tuổi, sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM) chia sẻ đây là lần đầu tiên Hằng cầm lá phiếu trên tay thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Quê ở Gia Lai, đến TP.HCM trọ học được ba năm nên Hằng đặt kỳ vọng các đại biểu mà bản thân chọn lựa sẽ giải quyết được những vấn đề bất cập ở TP đóng vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Còn với sinh viên Nguyễn Thị Tố Trang (20 tuổi, quê Quảng Nam), lần đầu tiên đi bầu cử nên Trang cùng các bạn của mình nghiên cứu kỹ tiểu sử, độ tuổi và học hàm của từng đại biểu. Trang kỳ vọng những đại biểu này sẽ tạo nên sự bứt phá về kinh tế của đất nước để các cử nhân tốt nghiệp đều có việc làm tương xứng. Ở ký túc xá Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM (Q.Thủ Đức, TP.HCM), ngoài tìm hiểu thông tin qua danh sách niêm yết, sinh viên tại đây còn được tham gia các buổi gặp mặt cử tri. Lê Thanh Thảo (21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho biết bản thân đã tham gia buổi gặp mặt cử tri nên mỗi lá phiếu Thảo đều nghiên cứu kỹ lưỡng, nó mang theo niềm tin, sự kỳ vọng mà bản thân gửi gắm. “Tôi sẽ tiếp tục dõi theo những hành động của họ bởi niềm tin của tôi và những cử tri khác khi trao đi đều muốn nhận lại những điều tốt đẹp có lợi cho cộng đồng từ những đại biểu mà mình đã chọn” - Thảo chia sẻ. |
Bình luận hay