Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, cả kỳ thi có hai trường hợp thi hộ bị phát hiện ngay đầu các buổi thi, một trường hợp ở Quảng Ninh (ngày 2-6) và một ở Phú Yên (ngày 4-6).
Thi hộ để được gần... bạn gái?!
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, chỉ riêng trong ngày thi cuối cùng đã có ít nhất ba trường hợp thi hộ bị phát hiện. Tại Phú Yên, ông Nguyễn Văn Tá - giám đốc Sở GD-ĐT, phó trưởng ban chỉ đạo thi tỉnh Phú Yên - cho biết tỉnh phát hiện hai trường hợp thi hộ. Theo biên bản do Công an TP Tuy Hòa lập tại hội đồng thi Trường THPT Ngô Gia Tự, lúc 7g30 sáng 4-6 giám thị phát hiện Phạm Ngọc Thân (19 tuổi) - sinh viên năm 1 Trường cao đẳng Xây dựng số 3, Bộ Xây dựng - đã ngồi vào vị trí của thí sinh Huỳnh Minh Tâm. Phạm Ngọc Thân khai với cơ quan chức năng sáng cùng ngày, anh ta gợi ý với Huỳnh Minh Tâm thi hộ thí sinh này để được... ngồi cạnh bạn gái là P.T.M.T. nhằm giúp đỡ cô này.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tỉ lệ thí sinh dự thi năm nay là 99,64%. Cả nước chỉ có 3.800 thí sinh bỏ thi, chiếm 0,36%. Có 45 thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý ở mức đình chỉ thi (năm 2010 là 90 thí sinh), tám giám thị bị xử lý kỷ luật. Những thí sinh bị đình chỉ thi do mang tài liệu và điện thoại di động vào phòng thi. |
Cũng trong ngày thi môn toán, giám thị tại hội đồng thi Đoàn Kết, huyện Tân Phú, Đồng Nai đã phát hiện một trường hợp thi hộ. Theo thông tin từ hội đồng thi này, thí sinh dự thi là Phạm Quốc Cường nhưng trong lúc kiểm tra phát hiện là một người khác. Theo xác minh, người thi hộ là Bùi Xuân Long, hiện là sinh viên năm 1 một trường đại học ở TP.HCM.
Rút kinh nghiệm cho kỳ sau
Trong khi đó, trước giờ thi môn cuối cùng của hệ bổ túc văn hóa, chúng tôi trở lại hội đồng thi Trường THPT Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), điểm nóng về “phao” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm trước.
Tại đây, chúng tôi ghi nhận không khí chuẩn bị “phao” của thí sinh có phần nhộn nhịp và nhiều cách thức mang vào phòng thi hơn. Vừa vào cổng, chúng tôi thấy một nam thí sinh đang xếp “phao” bỏ vào ví. Bên trong sân trường, ngay cạnh căngtin rất đông thí sinh tập trung tại đây trao đổi, chia sẻ “phao”. Một nhóm thí sinh nữ bỏ “phao” vào túi quần sau, quấn lên tay áo, luồn vào lai quần... Nhóm này cũng bàn đến phương án lấy keo dán “phao” vào... bắp chân. Tại hội đồng thi này, nhiều thí sinh nhận in “phao” giúp bạn và nhận tiền ngay sân trường. Bên ngoài trường, tại các quán nước, không khí chuẩn bị “phao” của thí sinh cũng nhộn nhịp không kém.
Trả lời Tuổi Trẻ về việc vẫn còn “phao” xuất hiện trong các hội đồng thi, còn tình trạng thí sinh ra khỏi phòng thi vứt bỏ “phao” và trao đổi về chuyện copy tài liệu nhưng không bị xử lý như quy định, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng không thể kiểm soát triệt để việc mang “phao” vào trường thi, nhưng về cơ bản tình trạng này đã giảm rõ rệt do tinh thần coi thi nghiêm túc của các tỉnh thành. Tại báo cáo bằng văn bản của Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận việc xuất hiện “phao” ở một số nơi là một trong những bất cập của công tác coi thi cần rút kinh nghiệm trong kỳ thi sau.
Bình luận hay