
Với chương trình giáo sư thỉnh giảng, nhiều nhà khoa học danh tiếng thế giới sẽ đến nghiên cứu, giảng dạy tại Đại học Quốc gia TP.HCM. Trong ảnh: GS Morten Peter Medal - Đại học Copenhagen (Đan Mạch) - chủ nhân Nobel Hóa học năm 2022 - trò chuyện học thuật với giảng viên, sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Đến nay Đại học Quốc gia TP.HCM đã mời được tổng số 28 giáo sư thỉnh giảng, đều là những tên tuổi lớn trong giới học thuật quốc tế và chuyên gia từ các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Chính thức làm việc từ năm học mới
Theo ThS Trần Thị Tố Uyên, phó trưởng ban tổ chức cán bộ Đại học Quốc gia TP.HCM, sau khi hội đồng tư vấn Chương trình giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia TP.HCM thông qua danh sách 16 giáo sư và chuyên gia quốc tế đầu tiên đáp ứng các tiêu chuẩn của chương trình (ngày 21-4), giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM đã ký thư bổ nhiệm ngay.
"Tất cả giáo sư thỉnh giảng này đã phản hồi và đều vui vẻ khi nhận được thư bổ nhiệm, đồng thời cho biết sẽ sớm lên kế hoạch làm việc với các trường thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. Mỗi giáo sư thỉnh giảng sẽ có kế hoạch làm việc tổng thể cho một năm, nên hiện họ đang trao đổi với các trường thành viên để thống nhất, trong đó phần lớn sẽ chính thức làm việc từ học kỳ sau (tháng 9-2025).
Bên cạnh đó, một số trường hợp từ nay đến cuối năm 2025 sẽ làm việc, tùy thuộc vào kế hoạch làm việc với các trường. Hiện nay các giáo sư thỉnh giảng này đều đang ở nhiều nước khác nhau nên có thể họ chọn cách làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp tùy theo thỏa thuận với nhà trường để trả thù lao, nhưng chắc chắn tất cả họ đều sẽ có 10 ngày làm việc trực tiếp tại Việt Nam", bà Tố Uyên cho biết thêm.
Cũng theo bà Tố Uyên, 12 ứng viên đáp ứng quy định của Chương trình giáo sư thỉnh giảng (đợt 2 năm 2025) vừa được hội đồng tư vấn thông qua hôm 17-5, vài ngày tới ban tổ chức cán bộ cũng sẽ sớm trình ký bổ nhiệm để họ sớm lên kế hoạch làm việc với các trường.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh - hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho hay giáo sư thỉnh giảng được bổ nhiệm đợt 1 có PGS.TS Đinh Ngọc Thạch (Trường quốc gia Nghệ thuật và Nghề thủ công, Pháp), một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực lý thuyết tối ưu, điều khiển học, toán ứng dụng sẽ làm việc tại Trường đại học Công nghệ thông tin.
"Nhà trường chủ động mời chuyên gia này nên sau khi giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM bổ nhiệm, chúng tôi đã trao đổi lên kế hoạch để giáo sư bắt đầu thỉnh giảng từ học kỳ sau. Các giáo sư thỉnh giảng sẽ tham gia giảng dạy chương trình tiếng Anh và hợp tác với nhóm nghiên cứu mạnh của bộ môn để thực hiện các dự án nghiên cứu quốc tế.
Ngoài các chính sách chung của Đại học Quốc gia TP.HCM, nhà trường còn hỗ trợ thêm dành cho giáo sư thỉnh giảng của trường. Sắp tới sẽ có thêm một số giáo sư khác ở Nhật, Mỹ... thỉnh giảng tại trường. Chúng tôi sẽ cố gắng tận dụng tốt nhất sự hợp tác giữa hai bên để thúc đẩy nghiên cứu khoa học tại trường", bà Tú Anh chia sẻ.
Theo PGS.TS Trần Thiên Phúc - phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), bốn giáo sư quốc tế đã nhận lời làm việc tại trường cũng sẽ chính thức giảng dạy và nghiên cứu từ tháng 9-2025.
Trong khi đó, đại diện Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho hay nhà trường đang trong giai đoạn xúc tiến ký hợp đồng với năm giáo sư thỉnh giảng đã bổ nhiệm đợt 1. Dự kiến thời gian bắt đầu làm việc của các giáo sư này từ đầu năm học mới, tháng 9-2025.
Riêng GS.TS Lương Văn Hy thường xuyên về Việt Nam giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu ở khoa nhân học của trường. Chương trình giáo sư thỉnh giảng của Đại học Quốc gia TP.HCM có ý nghĩa trong việc chính thức hóa các hợp tác lâu nay của giáo sư này tại trường.
Làm việc trực tiếp và trực tuyến
Giáo sư thỉnh giảng là chức danh do giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM ra quyết định bổ nhiệm, làm việc theo cơ chế bán thời gian, thực hiện công tác giảng dạy và nghiên cứu theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến.
Đó là các giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có thành tích nổi bật, đang công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn công nghệ trên thế giới.
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân - giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, mỗi giáo sư thỉnh giảng phải dành tối thiểu 10 ngày làm việc trực tiếp tại Đại học Quốc gia TP.HCM mỗi năm; được sự đồng ý của cơ quan, tổ chức đang công tác.
Theo quy trình bổ nhiệm giáo sư thỉnh giảng Đại học Quốc gia TP.HCM, các đơn vị thành viên của đại học này xác định nhu cầu mời giáo sư thỉnh giảng dựa trên 4 nội dung: đào tạo; nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; hợp tác trong nước và quốc tế, phục vụ cộng đồng; tổ chức hội nghị, hội thảo.
Các giáo sư thỉnh giảng chủ động lên kế hoạch và tham gia giảng dạy trực tiếp hoặc trực tuyến; tổ chức hội thảo khoa học, đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh và hỗ trợ xây dựng các đề xuất hợp tác quốc tế cũng như hỗ trợ xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh.
Ngoài ra, các giáo sư thỉnh giảng còn tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ sinh viên và giảng viên phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp mang tính thực tiễn cao.
"Các giáo sư thỉnh giảng được kỳ vọng sẽ đóng góp, xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo tài năng; truyền đạt kinh nghiệm, cập nhật kiến thức và các xu hướng công nghệ mới nhất cho sinh viên, học viên sau đại học; đề xuất, xây dựng và làm đồng chủ nhiệm các chương trình nghiên cứu, các đề án nghiên cứu liên ngành, giải quyết các thách thức cấp bách của Việt Nam và khu vực", ông Quân nhấn mạnh.
Bổ nhiệm tối thiểu 1 năm, tối đa 5 năm
Theo TS Lê Thị Anh Trâm - trưởng ban tổ chức cán bộ Đại học Quốc gia TP.HCM, giáo sư thỉnh giảng sẽ được bổ nhiệm trong thời hạn tối đa 5 năm, tối thiểu là 1 năm và có thể được gia hạn.
Ứng viên trúng tuyển chương trình này sẽ được hưởng nhiều quyền lợi: được hỗ trợ thủ tục pháp lý, visa, thủ tục xuất/nhập cảnh, chi trả chi phí đi lại, lưu trú trong thời gian làm việc tại Đại học Quốc gia TP.HCM; mức thù lao cạnh tranh dựa trên số giờ giảng dạy, đồng hướng dẫn nghiên cứu và các hoạt động khác phù hợp với quy định; hỗ trợ kinh phí nghiên cứu thông qua cơ chế đồng chủ nhiệm hoặc thành viên tham gia đề tài/dự án...
Bình luận hay