
Tân Giáo hoàng Leo XIV - Ảnh: AFP
Ngày 8-5, khói trắng bốc lên từ nhà nguyện Sistine báo hiệu tin vui cho 1,4 tỉ tín hữu Công giáo toàn cầu: Hồng y Robert Francis Prevost đã được bầu làm người kế nhiệm cố Giáo hoàng Francis.
"Bình an cho tất cả anh chị em!", trong bài phát biểu đầu tiên bằng tiếng Ý, tân Giáo hoàng Leo XIV xúc động chào đón mọi người và kêu gọi thế giới hướng tới hòa bình, quan tâm đến những người đau khổ.
Những dấu ấn đặc biệt
Sinh ngày 14-9-1955 tại TP Chicago, bang Illinois (Mỹ), Hồng y Robert Francis Prevost trở thành vị giáo hoàng thứ 267 trong lịch sử Giáo hội, là người đầu tiên thuộc Dòng Thánh Augustinô đảm nhận vị trí này, và là giáo hoàng thứ hai đến từ châu Mỹ sau Giáo hoàng Francis người Argentina.
Mặc dù sinh ra và lớn lên tại Bắc Mỹ, tân Giáo hoàng đã dành hai thập kỷ phục vụ tại Peru, nơi ngài trở thành giám mục và nhập quốc tịch, trở thành người mang hai quốc tịch Mỹ và Peru.
"Ngài mang dáng dấp của một người Mỹ. Nhưng tôi dám nói rằng ngài có một trái tim của người Mỹ Latin. Tôi nghĩ ngài là cầu nối giữa bắc và nam, một người Mỹ nhưng có xuất thân là nhà truyền giáo" - ông Hernán Quezada, người phụ trách đào tạo các tu sĩ Dòng Tên tại Mỹ Latin và vùng Caribê, nhận xét.
Trước khi được bầu làm giáo hoàng, Hồng y Prevost giữ một trong những vị trí quyền lực nhất tại Vatican - tổng trưởng Bộ Giám mục, cơ quan chịu trách nhiệm lựa chọn và quản lý các giám mục toàn cầu.
Năm 2001, ngài từng được bầu làm Bề trên Tổng quyền Dòng Augustinô. Với nền tảng học vấn vững chắc, ngài có bằng cử nhân toán học (năm 1977), cử nhân giáo luật (1984) và tiến sĩ giáo luật (1987).
Khả năng ngôn ngữ ấn tượng là một trong những tài năng nổi bật của tân giáo hoàng. Ngoài tiếng Anh bản xứ, ngài còn thông thạo tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha và có thể đọc tiếng Latin cùng tiếng Đức. Đây là lợi thế quan trọng cho vị trí lãnh đạo một tổ chức toàn cầu như Giáo hội Công giáo.
Việc các hồng y chọn Hồng y Prevost đã cho thấy xu hướng muốn tiếp nối con đường cởi mở mà Giáo hoàng Francis đã vạch ra.
Giáo sư Kathleen Sprows Cummings của Đại học Notre Dame nhận xét ở tuổi 69, Hồng y Prevost hội tụ đủ các yếu tố cần thiết: một trái tim mục tử, kinh nghiệm quản lý và tầm nhìn toàn cầu.
Quyết định này được đưa ra bất chấp một số cáo buộc cho rằng ngài từng xử lý không thỏa đáng các vụ lạm dụng tình dục liên quan các linh mục tại Peru và Mỹ.
Jon Morris, nhà thần học và cựu linh mục, cho biết Hồng y Prevost được chọn mặc dù là "một ẩn số đối với các hồng y, đặc biệt các hồng y người Mỹ, vì ông đã dành phần lớn cuộc đời bên ngoài nước Mỹ".

Nguồn: Washington Post - Dữ liệu: THANH BÌNH - Trình bày: TẤN ĐẠT
Kế thừa di sản của Giáo hoàng Francis
Giáo hoàng Leo XIV có nhiều điểm tương đồng với Giáo hoàng Francis - người được mệnh danh là "giáo hoàng của dân chúng". Cả hai đều dành sự quan tâm đặc biệt cho những người bên lề xã hội và có cam kết mạnh mẽ trong việc phục vụ người nghèo, người di cư.
"Giám mục không phải là một tiểu vương ngồi trong vương quốc của mình, mà đúng hơn là người được kêu gọi sống khiêm nhường một cách chân thành, gần gũi với những người mà mình phục vụ, đồng hành với họ, chịu đau khổ cùng họ và tìm kiếm cách sống trọn vẹn hơn với sứ điệp Tin Mừng giữa lòng dân Chúa", Hồng y Prevost từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn tháng 10 năm ngoái.
Mặc dù lập trường của tân giáo hoàng đối với một số vấn đề gây tranh cãi trong Giáo hội vẫn chưa được làm rõ, ngài đã phát đi tín hiệu sẽ tiếp nối con đường của người tiền nhiệm - người đã thách thức các chuẩn mực, mở rộng vòng tay đón nhận người di cư và người nghèo, nỗ lực xây dựng một giáo hội đón nhận tất cả mọi người.
Về vấn đề phụ nữ trong Giáo hội, quan điểm của ngài dường như đồng điệu với Giáo hoàng Francis. Trong thời gian trị vì, Giáo hoàng Francis đã mở rộng nhiều vai trò lãnh đạo cho phụ nữ hơn bất kỳ giáo hoàng nào trước đó và lập các ủy ban nghiên cứu khả năng phụ nữ có thể trở thành phó tế.
Tuy nhiên Giáo hoàng Francis vẫn giữ quan điểm cấm truyền chức linh mục cho phụ nữ.
Tại một cuộc họp báo ở Vatican năm 2023, Hồng y Prevost đã nhấn mạnh rằng "phụ nữ có thể đóng góp rất nhiều cho đời sống của Giáo hội trên nhiều cấp độ khác nhau", đồng thời thừa nhận "quá trình chậm chạp" trong việc mở rộng vai trò của phụ nữ trong Giáo hội và Tòa thánh.
Tân Giáo hoàng thường được mô tả là người kín đáo, có thể sẽ có phong cách khác biệt so với cố Giáo hoàng Francis. Tuy nhiên, những người ủng hộ tin rằng ngài sẽ duy trì quy trình tham vấn mà cố Giáo hoàng Francis đã khởi xướng, mời gọi giáo dân gặp gỡ các giám mục.
Giống như nhiều vị lãnh đạo khác trong Giáo hội Công giáo, ngài cũng vấp phải sự chỉ trích về cách xử lý các linh mục bị cáo buộc lạm dụng tình dục. Hiện chưa rõ liệu ngài có cởi mở với cộng đồng LGBTQ+ như cách tiếp cận của cố Giáo hoàng Francis - người từng phát biểu: "Nếu ai đó là người đồng tính, đang tìm đến Chúa và có thiện chí, thì tôi là ai mà dám phán xét?".
Vào năm 2022, Giáo hoàng Francis đã tin tưởng giao cho Hồng y Prevost một nhiệm vụ cải cách mang tính cách mạng: đưa ba phụ nữ vào khối bỏ phiếu quyết định các đề cử giám mục nào sẽ được trình lên giáo hoàng. Điều này cho thấy tầm nhìn tiến bộ của cả hai nhà lãnh đạo tôn giáo.
Người tín hữu Công giáo nói chung và cá nhân tôi hân hoan vì sau 19 ngày trống tòa, ví như gia cảnh mồ côi, nay Giáo hội đã có người mục tử mới để lãnh đạo và hướng dẫn.
Cá nhân tôi vui vì Giáo hoàng Leo XIV có nhiều kinh nghiệm với người nghèo và kinh nghiệm đối thoại mang tính quốc tế, đa văn hóa, đa tôn giáo; điều đó sẽ giúp ngài để tâm tới hướng mục vụ của toàn thể Hội Thánh.
Linh mục GIUSE ĐÀO NGUYÊN VŨ
(chánh văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam) chia sẻ
Tông hiệu Leo mang ý nghĩa gì?
Theo trang thedailybeast, tân Giáo hoàng Leo XIV, tên thật là Robert Prevost, đã chọn tông hiệu Leo để tôn vinh di sản của Giáo hoàng Leo XIII (1878 - 1903), người nổi tiếng với thông điệp "Rerum Novarum" năm 1891, đặt nền móng cho giáo huấn xã hội Công giáo hiện đại, bảo vệ quyền lợi người lao động và lên án bất công xã hội.
"Leo" trong tiếng Latin nghĩa là "sư tử", biểu tượng cho sức mạnh và lòng can đảm, thường được các giáo hoàng chọn trong thời kỳ khủng hoảng.
Việc chọn tên này cũng phản ánh cam kết của Giáo hoàng Leo XIV trong việc tiếp nối di sản cải cách của Giáo hoàng Francis, nhấn mạnh đến công bằng xã hội và sự gần gũi với người nghèo.
Bình luận hay