11/02/2023 10:48 GMT+7

Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 9: Tổng Đốc Phương, đường xưa còn dấu

Ông mở cửa, bước ra hàng cây cổ thụ đang tỏa bóng mát rượi. Tôi đã bất ngờ hỏi chuyện xưa, câu chuyện về một trong những con đường năm cũ của vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn trù phú.

Giao lộ Tổng Đốc Phương (Châu Văn Liêm) và Hồng Bàng trước năm 1975 - Ảnh tư liệu

Giao lộ Tổng Đốc Phương (Châu Văn Liêm) và Hồng Bàng trước năm 1975 - Ảnh tư liệu

Đó là đường Châu Văn Liêm ngày nay mà theo dòng đổi thay thời cuộc từng là đại lộ Tổng Đốc Phương, và đặc biệt đã được các nghị viên Hội đồng đô thành Sài Gòn trao tên Hoàng Sa ngay sau sự kiện quần đảo này thất thủ tháng giêng năm 1974.

Lai lịch con đường xưa

Trở lại tháng giêng năm 2023, cụ ông cao niên gốc Hoa bên đường Châu Văn Liêm kể tôi nghe gia đình đã mấy đời ở khu vực này. Trong trí nhớ ông, từ những năm 1950 thế kỷ trước, hàng cây sao trồng trên đường Tổng Đốc Phương đã che bóng mát rượi rồi. Thuở ấy, đường phố vắng, bọn trẻ các ông vẫn còn trèo được lên ngọn cây sao chơi và thi thoảng còn bắt được cả tổ chim. Phải từ sau những năm 1960, con đường này mới đông đúc người lại qua vì chiến sự ngày càng nóng rực đã đẩy người dân tụ về đô thành.

Hàng cổ thụ người Pháp trồng từ lúc mở đường Tổng đốc Phương đến nay vẫn xanh tốt Ảnh QUỐC VIỆT

Hàng cổ thụ người Pháp trồng từ lúc mở đường Tổng đốc Phương đến nay vẫn xanh tốt Ảnh QUỐC VIỆT

Trong lịch sử, theo học giả Trương Vĩnh Ký, từ đầu thế kỷ 20 trở về trước con đường này là dòng kinh. Cuốn "Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận" (do Nguyễn Đình Đầu lược dịch và chú thích) của ông đã ghi lại rằng: "Bờ kinh (nay đã lập đường Châu Văn Liêm) đi ngang nhà ông đốc Phủ Chợ Lớn Đỗ Hữu Phương tạo thành một đường phố gọi là Phố Xếp...".

Và theo các tài liệu viết về Sài Gòn - Chợ Lớn, kênh Phố Xếp được tạo lập từ khi người Hoa từ cù lao Phố (Đồng Nai) về đây khoảng nửa cuối thế kỷ 19. Họ đào kênh Phố Xếp nối từ rạch Tàu Hủ lên hướng bắc đến vùng Chợ Rẫy mà ngày đó còn là làng trồng rau chứ chưa có phố xá đông đúc và Bệnh viện Chợ Rẫy lớn như sau này.

Đến khoảng đầu thập niên 1920, con kinh bị lấp và trở thành đại lộ Tổng Đốc Phương, tức Đỗ Hữu Phương, người nổi tiếng giàu có và hiếu khách mà học giả Trương Vĩnh Ký và Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đều nhắc tới. 

Là một trong tứ đại hào phú Nam Kỳ Lục tỉnh được người đời truyền danh "nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định", người đàn ông gốc Minh Hương này vọng Pháp, làm quan cho họ, đặc biệt là có con trai Đỗ Hữu Vị đi lính quân đội Pháp. Anh ta là phi công tử trận trong Thế chiến thứ nhất, được Pháp đặt tên đường Đỗ Hữu Vị để tri ân và gần đây là tên quảng trường ngay tại Paris.

Ở Chợ Lớn, đường xưa mang tên Tổng Đốc Phương đi ngang qua cửa nhà hào phú mà phải gọi đúng là lâu đài kiểu Pháp to lớn, lộng lẫy đến mức chính các quý tộc Pháp cũng kiêng nể. Ông ta sinh năm 1840, mất 1915, nếu chính xác như tài liệu ghi việc tạo lập đường vào những năm 1920 thì việc đặt tên đường đã được thực hiện sau khi ông ta mất. 

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư trong cuốn "Đường phố TP.HCM", lai lịch tên đường này hơi khác một chút, cụ thể là mốc thời gian. Ông viết: "Đường này thuộc loại xưa nhất ở Chợ Lớn, thời Pháp thuộc lúc đầu gọi là đường Canton. Từ năm 1915 đổi là đường Tổng Đốc Phương. Ngày 14-8-1985 đổi là đường Châu Văn Liêm"...

Rạp Đại Quang trên đường Tổng Đốc Phương năm 1961 - Ảnh tư liệu

Rạp Đại Quang trên đường Tổng Đốc Phương năm 1961 - Ảnh tư liệu

Sang giàu và hiện đại

Lần lại các thư tịch xưa, sách báo Sài Gòn và ký ức những bậc cao niên, đại lộ Tổng Đốc Phương đã sớm trở thành con đường biểu lộ sự kinh doanh trù phú lẫn lối sống sớm hiện đại của vùng Chợ Lớn. Đặc biệt, không chỉ đại lộ này mà các đoạn đường song song và giao thoa như Phùng Hưng, Lương Nhữ Học, Hải Thượng Lãn Ông, Lão Tử, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi cũng đều sung túc, nhộn nhịp khách lại qua, mua bán.

Thế hệ mẹ tôi, sinh thập niên 1940, mặc dù ở Tân Bình nhưng khi thành thiếu nữ đã hay lên đường này ăn tiệm, xem phim, rồi bà được mua nhẫn, tổ chức tiệc cưới cũng ở nhà hàng vùng này.

Đến thế hệ tôi trưởng thành sau bước ngoặt lịch sử 1975, nhưng cũng có nhiều kỷ niệm khó quên với con đường xưa cũ. Sang thập niên 1980, nhà tôi vẫn ở gần ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình, nhưng ít nhất một hai lần mỗi tháng đều được lên chơi trên con đường mà lúc ấy đã đổi thành Châu Văn Liêm. 

Và lên để làm gì? Để xem phim, thú vui nhất của tuổi thơ mà tôi vẫn không thể nào quên được. Bởi con đường rợp bóng xanh này có nhiều rạp lớn được các thế hệ người Sài Gòn biết đến là Đại Quang, Toàn Thắng, Thủ Đô.

Mẹ tôi từng xem phim ở đây, rồi đến tôi khi giữa thập niên 1980 vẫn còn là thằng bé 11 tuổi mê phim đến mức nhịn cả ăn sáng để dành tiền mua vé xem phim. Thi thoảng được cho thêm tí tiền, tôi và các anh chị mình mải mê xem phim đến mức vừa xem xong rạp này, lại chạy qua rạp khác để xem tiếp, thậm chí xem lại lần nữa ngay tại rạp cho "đã đời". Đó là thuở hậu chiến nghèo khó, cực kỳ hy hữu tôi mới được "xênh xang" cầm ổ bánh mì vào rạp, còn lại thì có cây kem toàn đá cho chút nước đường lẫn màu xanh xanh đỏ đỏ là sướng lắm rồi.

Thành phố bước vào cuối thập niên 1980 thêm nhiều sinh khí trong cuộc đổi mới. Cậu học trò gần tuổi 15 như tôi lại có thêm những kỷ niệm khác với con đường này, mà đó là kỷ niệm "làm ăn", và đúng nghĩa như vậy. Ngày ấy, mẹ tôi may đồ đồng phục học sinh để bỏ mối ở các chợ An Đông, Tân Bình. 

Hầu hết vải vóc, nút, chỉ đều được mẹ tôi mua vùng Chợ Lớn. Và tôi đã sớm thuộc nhẵn những cái chợ sỉ nguyên phụ liệu may mặc sầm uất như Đồng Khánh, Soái Kình Lâm, Đại Quang Minh.

Bùng binh Phan Đình Phùng ở đầu đường Châu Văn Liêm giờ luôn đông đúc người xe Ảnh TRẦN TIẾN DŨNG

Bùng binh Phan Đình Phùng ở đầu đường Châu Văn Liêm giờ luôn đông đúc người xe Ảnh TRẦN TIẾN DŨNG

Năm đó, hai mẹ con thường đi chợ bằng chiếc xe đạp mini cũ mèm. Có khi mẹ chở, có ngày tôi phải xin được chở, mà con nít thuở đó được đạp xe là thích lắm. Mẹ vào mua vải ở chợ Đồng Khánh, tôi kiếm vỉa hè nào đó trên đường Trần Hưng Đạo để đứng trông xe. Còn mẹ mua phụ liệu may mặc ở Đại Quang Minh thì tôi đứng ngay dưới bóng mát cây xanh ở đường Châu Văn Liêm. 

Cậu bé học sinh năm tháng đó chưa biết tò mò lịch sử, nhưng đã biết háo hức ngước mặt nhìn tán cây cổ thụ khổng lồ mà lạ lẫm tự hỏi chẳng hiểu cây gì lại vươn lên thẳng tắp, cao vút như vậy.

Sau này, chọn đường đời nghề báo, tôi vẫn hay ngược xuôi con đường kỷ niệm xưa cũ và lặng lẽ chứng kiến nhiều sự đổi thay. Từ khi đầu máy video gia đình tràn ngập, các rạp phim Đại Quang, Toàn Thắng vắng khách dần, kể cả rạp hát Thủ Đô cũng vắng suất diễn. Một số thương hiệu được thay đổi, nhưng nhiều bảng hiệu bạc màu thời gian vẫn còn đó, như tòa nhà hãng nước mắm Liên Thành phân cuộc được gắn bảng địa chỉ lưu niệm Nguyễn Tất Thành ...

Tháng giêng năm 2023, tôi lại trở về đường xưa và đi bộ thật chậm để cảm nhận sự đổi thay. Những rạp chiếu phim đã biến mất để nhường lại cho khách sạn, đặc biệt là các tòa nhà ngân hàng sang trọng và nhiều đại lý vé số đỏ rực. Ngẫm nghĩ cũng lạ, trăm năm trước đại lộ này được đặt tên vị nhà giàu, thì trăm năm sau nó vẫn là con đường của những giấc mơ đổi đời...

Mang tên Hoàng Sa

Sau sự kiện tháng giêng năm 1974, hải quân Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Hội đồng đô thành Sài Gòn đã có cuộc họp ngày 18-2-1974 để đặt tên đường gắn với chủ quyền đất nước.

Báo Trắng Đen số ra ngày 19-2-1974 thuật lại bài viết ngay trang nhất: "Đại lộ Tổng Đốc Phương nằm ngay trung tâm Chợ Lớn được cải tên là Hoàng Sa và đường Thuận Kiều được cải tên Trường Sa. Trong phần thuyết trình nghị viên Dương Văn Long, lần đầu tiên ở diễn đàn Hội đồng đô thành đã được toàn thể nghị viên hoan nghênh nhiệt liệt. Điều nầy cho thấy lòng dân được thể hiện rõ rệt chọn Hoàng Sa và Trường Sa đặt tên hai con đường ở Chợ Lớn nơi cư ngụ của người Việt gốc Hoa".

***************

Đó là con đường rất dài, từng mang mấy tên khác nhau như Lê Văn Duyệt mà xưa cũ nó chính là con đường đi sứ...

Kỳ tới: Đường sứ năm xưa, đường đổi thay hôm nay

Đường phố Sài Gòn - Những ký ức thân thương - Kỳ 8: Nguyễn Hữu Thọ - đường thanh xuân hướng biển

Trong các đường phố Sài Gòn, đường Nguyễn Hữu Thọ thật sự xứng đáng là con đường huyết mạch phía Nam thành phố.

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ cuối: Tôi hạnh phúc được là người dân TP.HCM

Tháng 8-1997, tôi nhận giấy báo trúng tuyển Trường ĐH Luật TP.HCM. Ngày tôi rời quê Quảng Ngãi để vào TP.HCM học, má rưng rưng nước mắt căn dặn: "Ở trỏng con gắng học hành thật tốt để má ở nhà an tâm buôn bán, tằn tiện lo cho con ăn học".

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ cuối: Tôi hạnh phúc được là người dân TP.HCM

Săn trăm ký cá từ đống chà khô hồ Dầu Tiếng

Làm nghề cá mà hổng cần đem nhiều ngư cụ, chỉ với đôi bao tay và mấy ống dây dài 30 - 40m, nhưng lượng cá mỗi ngày họ bắt được lên đến hàng trăm kg.

Săn trăm ký cá từ đống chà khô hồ Dầu Tiếng

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 5: Trả nghĩa thành phố bằng một đời thầy thuốc

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, bác sĩ Phan Bảo Khánh vào ngành y trong giai đoạn đất nước ở thời kỳ lịch sử đầy biến động.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 5: Trả nghĩa thành phố bằng một đời thầy thuốc

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Dang tay với những phận người khó khăn

TP.HCM dang rộng vòng tay với cả bao thân phận nghèo khó, những người khiếm khuyết, thiệt thòi cũng có thể mưu sinh thiện lương ở TP này.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Dang tay với những phận người khó khăn

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Từ gánh hàng rong đến cuộc sống đủ đầy

25 năm trước, khi bước chân lên chuyến xe rời TP hoa phượng đỏ Hải Phòng vào TP.HCM lập nghiệp, bà Vũ Thị Thoa (53 tuổi, hiện ngụ phường An Khánh, TP Thủ Đức) chỉ có vỏn vẹn vài bộ quần áo và một ít tiền phòng thân.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 4: Từ gánh hàng rong đến cuộc sống đủ đầy

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 3: Gói cháo bột TP.HCM mang ra thế giới

Thuận, ông chủ trẻ của thương hiệu cháo bột cá lóc Cà Mèn, nói rất biết ơn khi được thành phố tạo cơ hội tốt nhất cho những người xa quê.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 3: Gói cháo bột TP.HCM mang ra thế giới
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar