23/08/2023 10:47 GMT+7

Đồng phục học sinh: 'Hút hay không hút cũng phải mua'

Cứ vào đầu năm học, những chuyện cũ về việc đồng phục học sinh đắt - rẻ, tốt - xấu... lại khiến nhiều phụ huynh đau đầu.

Nhiều trường đã không chọn đồng phục màu trắng truyền thống - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nhiều trường đã không chọn đồng phục màu trắng truyền thống - Ảnh: DUYÊN PHAN

Có con vừa vào học lớp 6 tại một trường THCS ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, khi đến trường mua đồng phục học sinh, chị H. - một phụ huynh - nói rằng: "Khi thấy bộ đồng phục và mặc lên, con tôi đâm ra chán ngán vì... xấu quá. Tôi đành phải động viên rằng con chỉ mặc ở trường thôi mà".

Đồng phục học sinh xấu kiểu dáng, kém cả chất liệu

Chuyện này xem ra không phải cá biệt. Chị Thu Vân, có con học tại Trường THCS H. (quận 1), cho biết chị vừa mới mua hai bộ đồ thể dục và hai áo trắng in logo của trường cho con trai.

"Tôi chỉ mua áo trắng vì có in logo của trường nên không có lựa chọn khác. Quần đồng phục trường bán chất liệu giống như ni lông. Đồng phục các trường tự in bán, tôi không thích vì chất liệu không tốt, giá lại chẳng rẻ", chị Vân nói.

Một phụ huynh ở quận Gò Vấp khi được hỏi về độ thấm hút của áo đồng phục mua tại trường thì trả lời: "Hút hay không hút thì cũng phải mua. Mình đâu mua được ở bên ngoài".

Chị Trúc, ngụ tại TP Thủ Đức, có ba con học ở cả ba cấp, cho rằng rất ngán ngẩm với chất lượng các loại đồng phục của các trường. "Cái nào cũng không thấm hút mồ hôi. Đồ thể dục thì có lúc còn phai màu, chất liệu vải dày cộp mà nhanh xù xì... Mặc một năm thì nát tươm hết".

Với học sinh, người thụ hưởng trực tiếp các sản phẩm đồng phục ở một số trường, cũng ta thán. Em K.N., học sinh một trường cấp III (quận Tân Bình), nói đồng phục trường mình mặc vô cảm thấy hơi rườm rà, khó chịu, nhất là vào mùa nóng. Một học sinh THPT tại quận 5 thì nói ngày đầu tiên vào lớp 10, mặc bộ đồng phục vào em thấy như "quê mùa".

Khó hiểu khi giá cả thì chênh lệch

Nhiều phụ huynh còn thắc mắc giá đồng phục học sinh tại trường thường chênh lệch nhiều so với giá bên ngoài hoặc giá tự may. Chị Thùy Linh, có con học tại Trường THCS C.C.L. (quận Bình Thạnh), nói do chị có con gái nên buộc phải mua áo và váy riêng với 150.000 đồng/áo và 190.000 đồng/váy, đồ thể dục 190.000 đồng/bộ.

"Bạn tôi có con mới vào lớp 1 mà cả bộ trường bán 350.000 đồng, giá cao so với ngoài chợ", chị Linh nói thêm.

Tại Trường THPT T. (quận Gò Vấp), đồng phục học sinh được chia thành hai loại: đồng phục cho học sinh không bán trú và đồng phục cho học sinh bán trú. Đồng phục bán trú bao gồm áo sơ mi trắng được in logo nhà trường kèm quần tây xanh, có giá 380.000 đồng/bộ. Đồng phục này bắt buộc mua tại trường vì được in logo lên áo. Đồ thể dục tại trường có giá 160.000 đồng/bộ.

"Cùng một loại vải, chất liệu nhưng phụ huynh trong lớp đặt may, mua ngoài có khi giá giảm xuống một nửa. Công ty cung cấp cho cả trường, may nhiều sao giá lại cao hơn giá bán lẻ, thật khó hiểu", một phụ huynh tại quận Tân Bình bức xúc.

Khảo sát giá trên các kênh bán hàng online cho thấy giá đồng phục học sinh rẻ hơn nhiều so với giá bán trong các trường. Cũng là chất liệu pha ni lông, giá áo sơ mi chỉ 40.000 - 75.000 đồng/áo.

Đối với những bộ đồ cotton của các thương hiệu đồng phục có tên tuổi, giá vẫn rẻ hơn so với giá bán bình quân ở nhiều trường 30.000 - 70.000 đồng/bộ tùy loại.

Một số kênh bán hàng online bán quần thể dục cho học sinh tiểu học chỉ 25.000 - 40.000 đồng/chiếc, áo thun thể dục cũng tương tự. Trong khi đó đa số các trường tiểu học bán bộ đồng phục thể dục từ khoảng 150.000 đồng/bộ.

Giải thích về cơ chế đặt may bán đồng phục của các trường, bà Ngọc Xuân - Công ty thời trang P., quận 1, chuyên nhận may đồng phục học sinh phổ thông - cho biết: "Tùy yêu cầu của các trường về chất liệu, mẫu mã, kích thước, giá công ty dao động 80.000 - 200.000 đồng/bộ. Đối với học sinh thể trạng to hơn, giá tăng khoảng 30%. Thường các trường chỉ tiêu thấp, cắt giảm chi phí để có lời nên sẽ chọn đặt vải áo tixi (TC) nhìn giống cotton nhưng nóng hơn".

Những bộ đồng phục học sinh bán trong năm học 2023 - 2024 tại một trường THCS ở quận 3, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Những bộ đồng phục học sinh bán trong năm học 2023 - 2024 tại một trường THCS ở quận 3, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Quy định thoáng hơn được không?

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc mặc đồng phục của học sinh phổ thông do hiệu trưởng quyết định về kiểu dáng, màu sắc, số ngày mặc trong tuần. Theo khảo sát của phóng viên Tuổi Trẻ, phần lớn học sinh tiểu học, THCS, THPT tại TP.HCM đều mặc đồng phục hầu hết các ngày trong tuần. Trong bối cảnh chung, nhiều trường vẫn có cách làm riêng, được phụ huynh cảm thấy đồng thuận.

Tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10, việc mua sắm đồng phục không phải là yêu cầu bắt buộc từ trường. Tại đây, phụ huynh có thể mua hoặc không mua đồng phục học sinh từ trường mà có thể đặt may riêng theo màu sắc, kiểu dáng từ mẫu mà nhà trường đưa ra.

"Chúng tôi nói với phụ huynh về việc này, chỉ cần mua thêm phù hiệu. Trường muốn tạo điều kiện cho phụ huynh vì có nhiều người làm thợ may, họ muốn may áo cho con", ông Nguyễn Vy Tường Thụy, hiệu trưởng, chia sẻ.

Tại Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, việc mặc đồng phục học sinh cũng "thoáng" hơn so với nhiều trường. Từ năm 2020, Trường THCS Nguyễn Du để học sinh được một ngày "tự do" mỗi tuần trong lựa chọn đồng phục đến trường và sau đó thống nhất là ngày thứ năm hằng tuần. Học sinh chỉ tuân thủ quy định chung là không được mặc váy ngắn quá đầu gối, quần ngắn, quần jean, rách, trang phục không nghiêm túc, không phù hợp lứa tuổi đi học.

Đánh giá cao vai trò của đồng phục đối với học sinh nhưng cũng cho rằng cần có sự hiện đại hóa và "thoáng" hơn trong việc để học sinh thể hiện bản thân qua trang phục, cô Bùi Minh Tâm - hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM - cũng cho hay sắp tới nhà trường dự kiến dành một ngày để "giãn" đồng phục cho học sinh (tất nhiên cũng có quy định điều kiện).

"Đồng phục thể hiện nét đẹp văn hóa nhà trường, thể hiện nề nếp học sinh. Nhưng tôi nghĩ cũng nên dành một ngày cho các em tự do mặc, nhất là đối với lứa tuổi học sinh THPT", cô Tâm nói.

Thêm gánh nặng đầu năm

Theo ghi nhận, nhiều phụ huynh phải chi hơn 1 - 2 triệu đồng để mua sắm đồng phục đầu năm học cho con. Tại một trường THPT ở quận Gò Vấp (TP.HCM) một phụ huynh mua liền bốn bộ đồng phục, ba bộ thể dục.

"Mua như vậy cho chắc đề phòng sự cố gì đó. Đầu năm thì cũng tốn kha khá nếu cộng tất cả các khoản tiền đồng phục, tiền sách vở, tiền học...", phụ huynh này nói.

Một phụ huynh tại quận 10 cũng cho biết đầu năm học chị sắm "bổ túc" cho con hai bộ váy và một bộ thể dục mà cũng hết gần 1 triệu đồng. "Đầu năm học phải mua sắm đủ thứ, thêm đồng phục nữa càng thêm vất vả", phụ huynh này than.

Đồng phục nên thế nào phù hợp?

Cho rằng đồng phục học sinh là tốt, xây dựng hình ảnh của trường, làm cho học sinh bình đẳng với nhau nhưng TS Nguyễn Kim Dung, nguyên phó viện trưởng phụ trách Viện nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), cho rằng trong việc điều tiết đồng phục, nhà trường nên hướng đến việc tiết kiệm, không quá cầu kỳ.

Ví dụ học sinh tiểu học và THCS lớn rất nhanh, nên khuyến khích học sinh cho lại các học sinh lớp sau nếu đồng phục còn tốt. Bên cạnh đó tùy vào điều kiện thực tế để có thể cho học sinh một số ngày không mặc đồng phục. Đối với áo dài trong học sinh phổ thông thì chỉ nên mặc ngày đầu tuần hoặc một ngày.

Nói về chất liệu tốt để học sinh có thể mặc thoải mái khi đi học dưới tiết trời nắng nóng, bà Ngọc Xuân (Công ty thời trang P., quận 1) chia sẻ đồng phục thể dục nên chọn vải cotton 100% bốn chiều.

Còn về đồng phục học sinh bình thường thì nên sử dụng vải áo kate silk với thành phần cấu tạo chính từ 100% sợi PE, có bề mặt thoáng mát, không nhăn và khó xù khi giặt, giá thành phải chăng. Các loại vải may quần như: vải thô, terin, kaki polyester... có độ bền tốt, mặt vải phẳng mịn, độ co giãn tốt dễ dàng di chuyển.

Đồng phục học sinh nên đơn giản nhất, tiết kiệm nhất

Chọn đồng phục học sinh, nên chọn phương án đơn giản nhất, tiết kiệm nhất, đó là mong muốn của phụ huynh chúng tôi.

Tiết kiệm nghĩa là giá tốt nhất và quần áo được may bằng chất liệu phù hợp cho cả ngày con trẻ ở trường. Giá tốt nghĩa là giảm thiểu các kiểu "hoa hồng" có thể khiến đội giá hoặc giảm chất lượng bộ quần áo đồng phục của con.

Nhiều phụ huynh không muốn mua bộ đồng phục nhà trường bán. Nếu có thể được chọn, họ sẽ ra bên ngoài mua những bộ đồ tương tự nhưng họ chọn vì vải bền màu hơn, thấm mồ hôi tốt hơn, đường may chắc chắn hơn dù có thể giá cao hơn. Cũng có những phụ huynh khó khăn hơn lại tìm cơ hội mua đồ rẻ hơn, có những học trò mặc lại những quần áo được cho tặng.

Đồng phục khiến trường học đẹp hơn nhưng phát sinh lắm tình huống trớ trêu. Vì sao phải in (hoặc dán) cái vòng tròn (logo) có tên trường trên vai áo khi phù hiệu trên ngực áo đã có đủ tên trường, lớp và cả tên họ học sinh? Để đẹp hay để phụ huynh phải "mua đúng nơi"?

Và chuyện mua đúng nơi không hẳn là mua trong trường. Có rất nhiều cửa hàng chuyên may và bán đồng phục học sinh cho hàng chục trường trong khu vực. Họ may theo kiểu của trường, vải màu tương tự, "nhái" cả logo trên vai áo, ưu điểm của những nơi này vẫn là vải tốt hơn, có thể may đo hoặc chấp nhận áo quần cỡ khác nhau (tùy vóc dáng học sinh).

Nhu cầu và khả năng của phụ huynh cũng đa dạng. Quần (hoặc váy) xanh đen áo trắng chẳng hạn, có bao giờ xấu đâu! Và chỉ cần áo sơ mi là được, không cần in thêm hình gì lên áo để làm khó nhau và rồi sau này muốn cho tặng lại áo quần đồng phục còn mới cho những bạn đang cần cũng không ai mặc được.

PHƯƠNG NGA (phụ huynh học sinh)

Nhà trường không được tự ý thay đổi đồng phục học sinh

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản yêu cầu các trường không được tự ý thay đổi đồng phục của học sinh. Việc này là để tránh gây phiền hà, tốn kém cho gia đình học sinh vào dịp đầu năm học mới.

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Người thầy gieo mầm đam mê tin học

Thầy Đỗ Văn Nhỏ, tổ trưởng tổ tin học Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), nhiều năm qua vẫn âm thầm truyền lửa đam mê tin học đến bao thế hệ học trò.

Người thầy gieo mầm đam mê tin học

Trường đại học Ngoại thương có tân hiệu trưởng

PGS.TS Phạm Thu Hương, 48 tuổi, phó hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương (FTU) được bổ nhiệm hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trường đại học Ngoại thương có tân hiệu trưởng

Từ đề thi tốt nghiệp THPT 2025: Giữ hay bỏ kỳ thi '2 trong 1'?

Bài viết 'Rất cần đánh giá lại đề thi tốt nghiệp THPT' đăng trên Tuổi Trẻ Online đã thu hút rất nhiều lượt phản hồi của bạn đọc.

Từ đề thi tốt nghiệp THPT 2025: Giữ hay bỏ kỳ thi '2 trong 1'?

Có nên duy trì kỳ thi '2 trong 1'?

Đây là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những kỳ vọng đổi mới giáo dục mở ra cho học sinh nhiều cơ hội để phát triển năng lực bản thân chưa được như mong đợi vì cách thức ra đề thi.

Có nên duy trì kỳ thi '2 trong 1'?

HUFLIT tiếp thêm động lực đến trường cho học sinh vùng sâu

Đồng hành cùng người học từ học bổng, quỹ hỗ trợ sinh viên, cam kết không tăng học phí, tất cả đều hướng đến một điều cốt lõi: không ai bị bỏ lại phía sau.

HUFLIT tiếp thêm động lực đến trường cho học sinh vùng sâu

Lý do lựa chọn chương trình song ngữ quốc tế Cambridge?

Theo Cambridge International Education, số lượng học sinh dự thi các kỳ thi học thuật Cambridge năm 2024 cao kỷ lục, tăng 7 - 13% so với năm 2023, phản ánh sức hút mạnh mẽ của chương trình giáo dục quốc tế Cambridge trên toàn cầu.

Lý do lựa chọn chương trình song ngữ quốc tế Cambridge?
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar