Theo nhạc sĩ Dương Thụ, Ðiều còn mãi năm nay sẽ có chút ưu tiên phần khí nhạc. Những tác phẩm khí nhạc trình diễn cũng thuộc hàng khó nghe hơn, không quen tai với những người nghe nhạc cổ điển bình thường, thậm chí có tác phẩm chưa bao giờ được nghe. Dụng tâm của những người dàn dựng vẫn là muốn đưa khí nhạc đến gần hơn, quen hơn với tai nghe của công chúng. Mở màn phần khí nhạc vẫn là bản Quốc ca Việt Nam được chuyển thể cho giao hưởng. Tiếp đó là tổ khúc Kơ nhí của Văn Ký, Tiếng hát sông Hương của Hoàng Dương... Lần đầu tiên tham gia Ðiều còn mãi, tài năng piano trẻ Ðỗ Hoàng Linh Chi sẽ biểu diễn bản Concerto cho piano và dàn nhạc của nhạc sĩ Ca Lê Thuần. Cây violon 14 tuổi Ðỗ Phương Nhi sẽ trình diễn bản Rhapsodie Chim ưng của Ðàm Linh.
Bên cạnh các cây đại thụ của khí nhạc, sân khấu Ðiều còn mãi cũng chứng kiến sự xuất hiện của các thế hệ nhạc sĩ kế cận. Ðó là Quốc Trung với trích đoạn nhạc phim Cánh đồng bất tận cho dàn dây, Trần Mạnh Hùng với bài dân ca Xe chỉ luồn kim chuyển thể cho dàn nhạc giao hưởng. Nhạc sĩ Trọng Ðài sẽ có sự xuất hiện dày dặn kéo dài 14 phút qua Ngẫu hứng phố...
Phần thanh nhạc được mở đầu bằng tác phẩm Hòn vọng phu 1 và 2 của Lê Thương với phần lĩnh xướng của Trọng Tấn và Duyên Huyền cùng Dàn hợp xướng ÐH Sư phạm nghệ thuật trung ương và Dàn nhạc giao hưởng VN. Bên kia sông Ðuống do nhạc sĩ Hồ Bắc phổ thơ Hoàng Cầm với phần phối khí của Trần Mạnh Hùng sẽ thật sự là một thử thách đối với Tùng Dương. Ðây cũng sẽ là phần biểu diễn nhiều màu sắc khi Hò biển của Nguyễn Cường được phối lại theo phong cách acapella (hát không nhạc đệm), Tóc gió thôi bay của Trần Tiến do Mỹ Linh và Dàn nhạc giao hưởng VN biểu diễn. Tiếng đàn bầu của Nguyễn Ðình Phúc sẽ là khúc hát kết thúc Ðiều còn mãi 2013.
Tại cuộc họp báo, giữa những câu chuyện nghệ thuật đã bắt đầu xen vào những lo lắng về khả năng duy trì chương trình trong thời buổi khó khăn. Mong muốn đưa Ðiều còn mãi vào TP.HCM trong thời điểm hiện tại vẫn chỉ là một giấc mơ.
Bình luận hay