Đầu tiên: việc ăn uống
![]() |
Người Iran cũng chỉ đến nhà hàng vào những dịp thật đặc biệt như đám cưới, sinh nhật. Nhà nào không có đầu bếp thì bà chủ chịu khó vào bếp vậy. Dịch vụ nấu ăn phục vụ đám tiệc (catering) rất hiếm nên đắt và cũng không đâu có bán thức ăn nấu sẵn cho mình mua đem về nhà. Ngay cả đến những món chúng ta thường coi là ngán như hamburger hay pizza cũng ít có nơi bán.
Tại những khu buôn bán thì có những quán ăn nhỏ bán một loại hamburger bản xứ, dùng kèm với trà, nước ngọt hoặc bia không chứa cồn. Tại những quán quá nhỏ không có chỗ đặt ghế ngồi, khách hàng (nam giới) mua và đứng ăn ngay tại chỗ.
Theo Bà Forough Hekmat, tác giả cuốn Nghệ thuật nấu ăn Ba Tư (The Art of Persian Cooking - Doubleday & Company Inc, New York) thì trong nhiều thế kỷ người Iran đã nhìn ẩm thực dưới cả ba góc độ y học, triết học và văn hóa. Các thầy thuốc và triết gia coi thức ăn và thức uống là hai yếu tố chính duy trì sự sinh tồn của loài người, đồng thời cũng có khả năng nâng cao hay hạ thấp phẩm chất một con người.
![]() |
Vì thế những gia đình Iran trung lưu đều có những công thức riêng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để nấu những món ăn truyền thống. Đây cũng là một trong những lý do khiến người ta thích ăn ở nhà hơn là tại nhà hàng.
Mỗi khi ra đường trông thấy một hàng người xếp hàng có trật tự trước một điểm nào đó thì bạn biết ngay đó là một lò bánh mì thuộc loại ngon. Do kinh tế Iran còn mang tính bao cấp nên nhà nước vẫn trợ giá cho một số nhu yếu phẩm như bánh mì, sữa... Bánh mì Iran hơi giống bánh mì của người Ấn Độ, có hình dạng chung là những tấm mỏng và dẹp. Có mấy loại chính như barbari hình chữ nhật, dày chừng hơn 1cm, hơi có vị mặn, ăn khá ngon. Sangak dày hơn, hình oval, lavash rẻ tiền hơn cả, tròn và mỏng tựa như cái bánh tráng nướng của ta, ăn hơi giống bìa cactông.
![]() |
Tôi không biết bao tử người Iran lớn cỡ nào nhưng các loại thực phẩm trong cửa hàng đều được bán với những đơn vị rất lớn, thường tính bằng kilôgam. Nếu bạn muốn ăn một cái bánh sừng trâu thì phải mua ít nhất 1kg vì cửa hàng không bán lẻ. Bánh ngọt như chou à la crème, éclair... thì bán theo đơn vị hộp nửa ký hay một ký. Trái cây, rau... đều được bán theo đơn vị ký. Tại nhiều nơi trong thành phố, ngay cả hành ngò... cũng bán cân ký. Có lần tôi cần một trái ớt và vài cọng hành ngò bỏ vào tô phở ăn liền, phải mua cả một bịch to tướng, ăn cả tháng mới hết.
Thứ hai: chuyện mua sắm
Khi nói đến vùng Trung Đông là người ta nghĩ ngay đến “bazaar” - các khu phố chợ có mái che và cũng là các trung tâm thương mại, dịch vụ của các thành phố lớn tại đây. Nổi tiếng nhất Iran là Tehran Bazaar - vốn không chỉ là nơi mua bán mà chính là Wall Street của Iran vì đây là nơi quyết định giá cả các mặt hàng tiêu dùng cho cả nước.
![]() |
Có thể nói đây là một thành phố - trong - một thành phố với đầy đủ tiện nghi cho khách vãng lai, từ các thánh đường Hồi giáo, nhà nghỉ, cửa hàng cho vay tiền, tiệm ăn cho đến trạm cứu hỏa... và cả một nhà thờ Thiên Chúa giáo. Đối với du khách thì Tehran Bazaar là một mê cung gồm không biết bao nhiêu sạp hàng dọc theo các lối đi có mái che dọc ngang chằng chịt, chẳng khác nào những cái vòi của một con bạch tuộc khổng lồ. Nhiều sạp hàng được truyền từ nhiều thế hệ, chân dung của người sáng lập được treo trịnh trọng trên vách.
![]() |
Tuy phong phú là thế nhưng nếu không có người bản xứ biết ngoại ngữ hướng dẫn thì khách du lịch và người nước ngoài chỉ có thể ngắm các cửa hàng mà không mua được gì vì tại đây chỉ có một ngôn ngữ được sử dụng là tiếng Farsi. Nếu có một thanh niên đến gợi chuyện bằng tiếng Anh với bạn thì 100% đó là tay “cò” của một cửa hàng bán thảm Ba Tư nào đó. Một khó khăn nữa là các sạp hàng đều không ghi giá bán.
Không riêng gì tại Tehran Bazaar mà các siêu thị, cửa hàng lớn nhỏ tại Tehran nói chung đều không ghi giá các mặt hàng. Ngoài ra trên hóa đơn các con số đều được ghi theo chữ số của tiếng Farsi, chỉ có số 1, số 9 và số 10 là giống các chữ số ta thường sử dụng. Hơn thế nữa, để thêm phần rắc rối cho du khách, khi được hỏi giá, chủ cửa hàng nhiều khi nói giá bằng toman(*) chứ không dùng đơn vị rial. Do đó nếu họ nói 20.000 thì bạn phải hỏi lại 20.000 tomans hay 20.000 rial cho chắc ăn vì trên nguyên tắc 1 toman bằng 10 rial; nhưng cũng có ông chủ cao hứng nói 1 toman bằng 100 rial làm khách chẳng biết đường nào mà lần, cũng như khi bên ta nói 10 đồng “cứng” và 10 đồng “mềm” vậy.
Dưới mắt một người VN xa xứ thì đất nước này quả là có nhiều điều khác lạ và thú vị.
-------------------
(*) Toman chỉ là một đơn vị tiền tệ có tính tượng trưng, không có trong thực tế.
Bình luận hay