
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang - Ảnh: GIA HÂN
Sáng 24-5, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày trước Quốc hội tờ trình dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Ông Quang cho hay mục đích của việc ban hành Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là hoàn thiện pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo hướng nhân đạo, toàn diện, cụ thể, đồng bộ, thống nhất, khả thi, ổn định.
Đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; giúp bảo đảm tốt hơn quyền con người của người đang chấp hành án phạt tù; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Dự luật gồm 4 chương, 45 điều, trong đó quy định Bộ Công an là cơ quan trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bộ trưởng Lương Tam Quang cho hay dự luật quy định chi phí và kinh phí chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù (trừ trường hợp có thỏa thuận khác) nếu Việt Nam là nước chuyển giao.
Nếu Việt Nam là nước nhận, Việt Nam chi trả mọi chi phí hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù phát sinh từ thời điểm tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Chi phí chuyển giao người chấp hành án phạt tù theo Luật Ngân sách nhà nước. Người chấp hành án hoặc cá nhân, tổ chức có thể tự nguyện hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần chi phí sinh hoạt, đi lại và các chi phí khác.
Về thẩm quyền xem xét tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam, ông Quang cho hay dự luật quy định tòa án nhân dân khu vực nơi người được đề nghị chuyển giao có nơi thường trú cuối cùng tại Việt Nam quyết định tiếp nhận.
Trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng tại Việt Nam của người được đề nghị chuyển giao hoặc người được đề nghị chuyển giao không thường trú tại Việt Nam, tòa án nhân dân khu vực nơi đặt trụ sở của cơ quan trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù của Việt Nam quyết định tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam.
Điều kiện tiếp nhận, chuyển giao người chấp hành án phạt tù theo dự luật gồm: là công dân Việt Nam (nếu tiếp nhận từ nước ngoài) hoặc công dân/cư trú không thời hạn tại nước nhận (nếu chuyển giao ra nước ngoài); hành vi phạm tội cấu thành tội phạm theo luật Việt Nam và nước liên quan; thời hạn chấp hành án còn ít nhất một năm (trừ trường hợp đặc biệt); bản án đã có hiệu lực; và có sự đồng ý của Việt Nam, nước liên quan và người được chuyển giao (hoặc người đại diện hợp pháp nếu cần).
Theo ông Quang, để tạo điều kiện cho công dân Việt Nam chấp hành án phạt tù tại Việt Nam, phù hợp các hiệp định chuyển giao người đang chấp hành án, dự thảo luật bỏ quy định về nơi thường trú và quy định thời hạn thi hành án tối thiểu 6 tháng trong trường hợp đặc biệt.
Đây là các nội dung mới so với Luật Tương trợ tư pháp. Cùng với đó, dự thảo luật quy định Chính phủ quy định chi tiết trường hợp đặc biệt nếu thời hạn chưa chấp hành án phạt tù phải còn ít hơn một năm.
Đề xuất lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao để quyết định việc tiếp nhận hoặc từ chối yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng - Ảnh: GIA HÂN
Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho hay ủy ban cơ bản nhất trí quy định cụ thể các điều kiện áp dụng nguyên tắc có đi có lại và giao Bộ Công an quyết định việc tiếp nhận, hoặc từ chối yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công an lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan trước khi quyết định để bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, chủ động, linh hoạt trong thực hiện.
Tuy nhiên có ý kiến đề nghị quy định theo hướng Bộ Công an cần lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao trước khi áp dụng nguyên tắc có đi có lại để bảo đảm tính đầy đủ, thận trọng.
Ủy ban cũng tán thành quy định chuyển đổi hình phạt tù trong dự luật, nhưng đề nghị nghiên cứu kỹ hơn để bảo đảm tính khả thi và phù hợp.
Theo ông Tùng, việc này cần đánh giá chính sách hình sự Việt Nam, so sánh với các nước và hiệp định quốc tế liên quan, nhằm bổ sung quy định cụ thể hơn về chuyển đổi hình phạt tù, vì đây là vấn đề lớn, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của người đang chấp hành án.
Bình luận hay