
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: GIA HÂN
Chiều 14-5, sau phần thảo luận sôi nổi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Chuyển đánh giá cán bộ, công chức từ định tính sang định lượng
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm nhiều là việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức mà dự thảo luật nêu.
Bà Trà cho hay, dự luật lần này thiết kế cơ chế đánh giá theo hướng rất mạnh dạn đổi mới, đổi mới cả về nội dung đánh giá, chuyển đánh giá định tính sang định lượng, có minh chứng, có sản phẩm theo vị trí việc làm, theo chức trách được giao và đánh giá bằng sản phẩm đầu ra hay phương pháp, thẩm quyền đánh giá cho đến đổi mới hệ quả đánh giá.
Chính phủ sẽ quy định cụ thể tiêu chí đánh giá công chức dựa trên công nghệ, dữ liệu số, kinh nghiệm quốc tế và đặc thù Việt Nam, kết hợp KPI (chỉ số đánh giá kết quả thực hiện công việc) với kết quả định lượng theo vị trí việc làm.
Đánh giá công khai, minh bạch, chính xác sẽ đảm bảo nguyên lý không có tư duy biên chế suốt đời.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng giải trình về chính sách với người có tài năng trong hoạt động công vụ được các đại biểu phát biểu rất sôi nổi.
Theo bà Trà, đây cũng là một điểm mới trong luật để làm sao chúng ta luật hóa nguyên tắc, coi người có tài là một chủ thể đặc biệt trong thiết lập nền công vụ trọng giá trị và đổi mới của chúng ta.
Định vị rõ để có những giải pháp vừa là giải pháp nhân sự, vừa là sự lựa chọn chiến lược về quản trị quốc gia trong thời đại cạnh tranh bằng tri thức, bằng trí tuệ và bằng số hóa.
Hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng yếu (công nghệ số, quản lý kinh tế, đô thị, môi trường, chính sách tài chính, giáo dục, y tế…) còn thiếu.
Chính phủ sẽ thiết kế và hoàn thiện cơ chế, chính sách, nguyên tắc tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhân lực, đảm bảo tính liên thông và tạo môi trường công vụ thuận lợi để người tài cống hiến.
"Các đại biểu đề nghị là phải bổ sung rất nhiều vấn đề về chính sách đào tạo, bồi dưỡng, về chuẩn hóa cơ sở đào tạo... Tất cả những vấn đề này sẽ được cụ thể hóa bằng nghị định của Thủ tướng và tất cả những nội dung này mang tính nguyên tắc", bà Trà nói.
Năng lực đáp ứng yêu cầu sẽ quyết định ngạch
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết dự luật xác lập chế độ công vụ lấy vị trí việc làm làm trung tâm, là nền tảng để vận hành hệ thống hành chính.
Vị trí việc làm là cơ sở xác định biên chế, phân bổ nhân lực, và là căn cứ duy nhất cho tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, khen thưởng, trả lương; ngạch công chức chỉ là công cụ phụ trợ, được tích hợp vào khung năng lực vị trí việc làm.
"Đây là một vấn đề rất mới so với luật hiện hành và so với những việc mà chúng ta đang làm để cuối cùng chúng ta hiểu một điều là ngạch chỉ là công cụ kỹ thuật thôi và sẽ được tích hợp vào trong khung năng lực theo vị trí việc làm của công chức", bà Trà nói.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ giải thích việc bố trí cán bộ, công chức theo dự luật sẽ xếp vào ngạch tương ứng với vị trí việc làm. Năng lực đáp ứng yêu cầu vị trí (chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính…) sẽ quyết định ngạch, không phụ thuộc tuần tự hệ thống ngạch như trước.
Tóm lại, cán bộ, công chức muốn tồn tại phải đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm, không phải vì có ngạch và xóa bỏ tình trạng giữ ghế nhờ ngạch nhằm tạo động lực để cán bộ, công chức phấn đấu và thực thi công vụ trên cơ sở vị trí việc làm theo hướng chuyên nghiệp.
Bà Trà cho biết việc thiết kế cơ chế lần này dựa trên nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế thận trọng, khoa học, phù hợp với nền công vụ mở, chuyên nghiệp, hiện đại. Việc này giúp định hình rõ ràng ngạch công chức trong khung năng lực, vị trí việc làm, giảm bớt sự quan tâm đến yếu tố này.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết mục tiêu của việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức lần này đặt ra hai vấn đề lớn.
Thứ nhất, xác lập pháp lý cho việc liên thông đội ngũ cán bộ công chức cấp xã với cấp tỉnh trở lên để xây dựng một chế độ công vụ chung của cả hệ thống chính trị từ trung ương cho đến cấp cơ sở.
Đáp ứng được yêu cầu của việc chúng ta thiết kế lại, sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp nhưng gắn với việc thực hiện mục tiêu cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức gắn với vị trí việc làm, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Thứ hai, cần đảm bảo thống nhất, đồng bộ các quy định về cán bộ, công chức; thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng (như 18, 26, 27, 60, 127, 137) để kịp thời, liên thông.
Đồng thời sửa đổi toàn diện luật công vụ, tiếp cận công vụ tiên tiến quốc tế, đáp ứng quản trị quốc gia hiện đại, minh bạch, hiệu quả.
Bình luận hay