![]() |
Chị Đỗ Thị Hiền bên con bò nuôi từ vốn vay - Ảnh: Đỗ Thị Kim Chung |
Lúc đó tôi là một cô gái tuổi đôi mươi mơ mộng, đã phải lòng một anh công nhân trong số những người đến ở xóm tôi. Anh hứa sẽ dẫn tôi về Quảng Ngãi quê anh để giới thiệu tôi với gia đình và cưới tôi. Tin vào những điều đó, tôi đã trao anh cả đời con gái. Nhưng rồi chưa đầy nửa năm sau đó, công trình xong xuôi, anh cùng đoàn công nhân rời làng tôi với một lời hẹn rằng sẽ trở lại đón tôi cùng lễ cưới.
Một tháng, hai tháng rồi ba tháng chờ đợi, cuối cùng tôi cũng có tin: anh không thể cưới tôi vì gia đình đã sắp xếp hôn lễ cho anh với một người khác ở quê. Tôi đau khổ đến cùng cực vì cảm giác xấu hổ với bà con, hàng xóm khi cái thai trong bụng cứ mỗi ngày mỗi lớn. Có lúc nghĩ quẩn tôi đã tính đến cái chết cho có mẹ có con và như để xóa đi vết nhơ.
Mời các bạn xem video clip về chương trình giao lưu với các nhân vật của cuộc thi “Những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống” tổ chức tối 17-3 tại TP.HCM trên Tuổi Trẻ Online (www.tuoitre.com.vn). |
Con tôi ra đời, không hiểu sao bản năng sống trong tôi lại trỗi dậy đến không ngờ. Tôi cảm thấy yêu con, muốn vươn lên, vượt qua tất cả những chướng ngại, những lời dị nghị mà trước đây tôi không dám đối diện. Tôi quyết định nuôi con một mình, cho con tôi được học hành, thành đạt. Con tôi lớn lên trong tình thương yêu của tôi và bà ngoại của cháu. Đôi lúc tiếng đời dị nghị đến tai cháu, cũng có người bảo: “Mày là đứa con hoang”. Như ngàn mũi dao đâm vào gan ruột khi nghe cháu kể những điều đó, nhưng tôi vẫn nhẹ nhàng để tiếp cho con sức mạnh: “Con phải cố gắng, người ta sẽ không coi thường con khi con thành đạt, ngoan ngoãn, sống tốt”.
Hẳn là con trai tôi cảm nhận được tấm lòng của tôi nên cháu luôn ngoan và học giỏi suốt những năm tiểu học rồi trung học. Nhà nghèo, tôi cặm cụi với ruộng đồng, buôn gánh bán bưng khi sức khỏe không được tốt, nhưng bù lại con tôi có ý chí, thương mẹ. Năm 2003, sau khi con tốt nghiệp cấp ba, tôi khuyên con cố gắng thi vào một cấp học cao hơn. Một lần nữa, con tôi đã làm được điều mà tôi mong muốn với quyết tâm trước ngày đi: “Mẹ yên tâm, con sẽ thi đại học, nếu năm đầu không đậu con sẽ đi làm, ôn thi. Nếu không vào đại học con cũng sẽ học nghề, mẹ hãy tin con”. Chừng ấy thôi cũng đủ ấm lòng một người mẹ khổ sở như tôi.
Và cháu đã trúng tuyển Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Vỡ òa trong niềm hạnh phúc là nỗi lo tiền học cho con. Tôi quyết định rời Quảng Nam theo con vào Sài Gòn để làm thuê, làm mướn kiếm tiền cho cháu học hết đại học. Thật vất vả cho những ngày ấy, làm công việc rửa chén ở vài quán ăn, tiệm phở được năm, ba tháng thì tay chân lở loét vì nước xà phòng, tiếp xúc với thuốc tẩy. Con trai đến thăm, một đứa con trai cứng cỏi nơi ruộng đồng như cháu đã khóc trước mặt tôi với lời hứa: “Con nhất định sẽ thành đạt”.
Rồi tôi đi bán vé số, đi giữ trẻ sau khi nghỉ làm ở quán ăn, tiệm phở. Sau một năm lăn lộn ở Sài Gòn, tôi bất ngờ với lời đề nghị của con: “Mẹ yên lòng về quê mẹ nhé, hãy tin ở con, con sẽ vừa làm vừa học để nuôi sống chính mình”. Tôi vừa không tin, vừa lo lắng với lời đề nghị đó vì nghĩ con lo và thương mình nên nói vậy. Tôi về lại Quảng Nam, vừa làm ruộng, vừa vay vốn mua bò để nuôi, rảnh rỗi ra Đà Nẵng để làm thêm. Khoảng nửa năm sau con tôi thông báo cháu vừa học vừa làm, công việc khá ổn định. Cháu làm quảng cáo, đôi khi cộng tác với báo chí như ngành học của cháu.
Rồi thời gian trôi qua, con tôi cũng sắp tốt nghiệp đại học, đã tìm được công việc chuẩn bị cho tương lai của mình. Không thể nói được tôi hạnh phúc như thế nào. Tôi chợt nghĩ đến câu nói của một ai đó: “Đồng tiền chân chính làm ra từ mồ hôi, nước mắt thì sẽ nuôi được những đứa con ngoan”. Với tôi, con tôi đã làm thay đổi cuộc đời tôi, tăng nghị lực cho tôi.
Bình luận hay