![]() |
Tin trên báo New YorkTimes |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Kỳ 1: Chùa Một Cột ở Guyane Kỳ 2: Lính tập An Nam ở Siberia
Tin viết:
"Vladivostok, 9-12 (Hãng tin Associated Press). Bốn đại đội binh sĩ Pháp và một đại đội binh sĩ An Nam từ Trung Quốc và Đông Dương hôm nay đã đến đây, họ được thiếu tá Mallet chỉ huy. Một đại đội binh sĩ Tiệp Khắc cùng với một đội quân nhạc đã nghênh đón họ.
Tướng Paris của Cao ủy quân đội Pháp, lãnh sự Pháp André, tướng Diedrichs - tư lệnh lực lượng Tiệp Khắc tại Siberia và các đại diện Chính phủ Nga tại địa phương… đã có những trao đổi xã giao. Các đội quân mới đến đã duyệt binh trên bến cảng và diễu hành về doanh trại của họ”.
Tin cho thấy vào năm 1918, cuộc chiến có sự tham gia của lính tập An Nam ở Vladivostok (Nga) được thông tin rộng rãi tận sang Mỹ.
90 năm sau, nhờ vào "rừng" sử liệu trên mạng, cũng có thể tìm thấy những tư liệu về cuộc hành trình không mong muốn của người lính tập An Nam.
Luận văn tiến sĩ của đại tá Boulié trình tại Đại học Văn khoa Nice (Pháp) cho biết ngày 3-3-1918, Đức và Nga ký với nhau một hiệp định hòa bình riêng rẽ tại Brest-Litovsk. Kết quả là hàng chục sư đoàn Đức được giải phóng khỏi mặt trận sườn phía đông và được gửi sang mặt trận phía tây. Đức dàn đến 192 sư đoàn, đông hơn lực lượng đồng minh đến 20 sư đoàn. Từ đó nảy ra ý tưởng hỗ trợ các lực lượng chống quân bônsêvich.
Trở lại năm 1918, tại Hà Nội, những tin tức từ Siberia và nhất là từ nước Nga (mới) tạo ra trong "thâm sâu" bộ tư lệnh quân đội Pháp những lo ngại sẽ có những phong trào cách mạng. Tháng bảy năm đó, nháo nhào trước những lệnh đánh sang từ Paris: chuẩn bị cử một vài đơn vị đến những vùng đất xa lạ chưa từng hoạt động.
![]() |
Đi trong tuyết giá ở Siberia |
Quân số Pháp sang Siberia được tăng gấp đôi, tổng cộng lên đến 1.136 người. Tất cả đều dưới lệnh trung đoàn 9 bộ binh thuộc địa và tiểu đoàn trưởng Mallet. Tiểu đoàn thuộc địa tại Siberia ra đời như thế đó, trong đó có 277 lính tập Bắc kỳ. Ngay khi tập hợp ở cảng Vladivostok, tiểu đoàn được lệnh ra ngay mặt trận Oussourik ở Kraêevsky, nơi đang có lực lượng đồng minh và Bạch Nga trú đóng.
Sau bữa ăn trưa tiểu đoàn ra ga, trực chỉ thành phố Doukovskoêe, gần Kraêevsky. Tất cả đến nơi hôm 13-8 và được "đón tiếp" với hàng loạt súng của quân bônsêvich. Lúc đó, lính Mỹ và Nhật ở khu vực này lên đến gần 25.000 người. Đây chính là lực lượng quân sự đồng minh duy nhất ở đây. Song quân Nhật không hề động binh, ngoại trừ ở một địa điểm gần Kraêevsky. Còn quân Mỹ thì cứ "bồng súng, nghiêm" ở tận Vladivostok!
Tuy nhiên, do thấy đồng minh tăng cường quân Pháp, lực lượng bônsêvich phản ứng. Từ ngày 15 đến 20-8, họ nhắm thẳng vào quân Pháp. Mùa hè Siberia thật khó chịu. Muỗi lúc nhúc. Từ khi rời Đông Đương, các binh sĩ vẫn chưa làm quen được với khí hậu Đông Bắc Siberia. Họ ngã bệnh khá nhiều. Trận đánh đêm 23-8 sẽ vô cùng khốc liệt.
Đến tháng chín, các lính tập Đông Dương được lệnh tách ra khỏi tiểu đoàn thuộc địa Siberia, tạo thành một đại đội và rút về cảng Vladivostok phụ trách bảo vệ khu vực cảng, kho bãi. Trong thời gian đó tại châu Âu, quân đồng minh đẩy lùi quân Đức, buộc Đức ngưng bắn ngay lập tức. Hiệp định đình chiến được ký ngày 11-11-1918. Song hiệp định đình chiến với Đức không có nghĩa là hòa bình. Lực lượng bônsêvich sau khi rảnh tay ở phía tây đã quay lại phía đông.
Mùa đông 1918-1919 ấy lạnh giá chưa từng thấy. Có những ngày nhiệt độ bình thường là âm 20 độC, còn ban đêm xuống đến âm 50độ C. Thật xa so với nhiệt độ Đông Dương mà các lính tập đã quen thuộc.
Ở thời điểm đó, các lính tập An Nam có hiểu được họ bị phái đi đến đâu, làm gì? Trong bối cảnh năm 1918 đó, trong tầng lớp lính tập có mấy ai hiểu được bônsêvich?
Thật ra, những lo ngại của quân đội Pháp ở Hà Nội về một lây lan cách mạng là có thật. Trong tài liệu khảo cứu "Cái nhìn về quá trình thuộc địa hóa Đông Dương trong các sách giáo khoa" (La colonisation de lIndochine vue par les manuels scolaires) có đoạn: "Ở Bắc kỳ, nhà chức trách quân sự Pháp đã thu được nhiều truyền đơn kêu gọi binh sĩ từ khước chiến đấu chống lại Liên Xô, chống lại các người anh em Trung Quốc và Đông Dương. Quay súng lại bắn các chỉ huy. Tạo lập nên các xô viết. Yêu cầu cho hồi hương ngay. Nếu không được phép, hãy tự hồi hương".
Nghĩa là đã có móc nối, tiếp xúc, song dường như chưa đủ nên mới có việc 277 lính tập xuống tàu sang Siberia.
-------------------------------------
Ở Pháp có bến Bắc kỳ. Đây là nơi các cựu tù người Việt năm xưa từng "quá cảnh" trong hầm tàu La Martinière.
Kỳ tới:Từ Guyane đến bến Bắc kỳ
Bình luận hay