
Nhà giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 12-5 - Ảnh: REUTERS
Thị trường khởi sắc
Theo NBC News, ngày 12-5, chỉ số Dow Jones kết phiên tăng hơn 1.100 điểm, tức tăng khoảng 2,8%.
Với mức này, Dow Jones đã lấy lại toàn bộ mức giảm kể từ đầu năm, sau khi từng giảm tới 11%. Tuy nhiên nó chưa đạt được mức đỉnh như hồi tháng 2, vẫn thấp hơn 5,5%.
S&P 500 tăng 3,3%. Nasdaq bật tăng 4,4%, chính thức bước vào thị trường giá tăng sau khi tăng 20% so với mức đáy một tháng trước.
Các chỉ số khác cũng cho thấy sự lạc quan gia tăng, khi các nhà đầu tư cho rằng thiệt hại kinh tế do thuế quan có thể không nặng nề như lo ngại ban đầu.
Đáng chú ý nhất là khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 7 tới đã tăng thêm hơn 17 điểm %, do lo ngại lạm phát hiện tại sẽ chưa sớm hạ nhiệt.
Trước đó đã có kỳ vọng rằng suy thoái kinh tế liên quan đến thuế quan có thể buộc Fed phải hạ lãi suất để kích thích kinh tế.
Trong tuyên bố chung vào sáng 12-5, Mỹ cho biết sẽ giảm thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ mức 145% xuống còn 30% trong vòng 90 ngày. Trong khi Trung Quốc cũng giảm thuế đối với hàng Mỹ từ 125% xuống còn 10%.
Đối với Mỹ, mức thuế 30% bao gồm 10% thuế cơ bản cộng thêm 20% áp dụng để buộc Trung Quốc kiểm soát dòng chảy fentanyl.
"Chúng tôi tin rằng nguy cơ về một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng hiện đã giảm bớt, và chúng tôi đánh giá cổ phiếu Mỹ ở mức hấp dẫn", các chuyên gia phân tích của UBS nhận định trong một báo cáo gửi khách hàng vào tối 11-5, trước khi tuyên bố chung được công bố.
Căng thẳng chưa hạ nhiệt
Dù vậy, NBC News nhận định căng thẳng giữa hai nền kinh tế vẫn còn, dù mức giảm thuế lớn hơn so với dự đoán của một số nhà phân tích. Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn đắt hơn tại Mỹ so với thời kỳ trước khi áp thuế.
Theo Công ty tư vấn Capital Economics, mức thuế 30% này thực tế phải rơi vào khoảng 40% khi tính thêm các sản phẩm bị loại trừ khác, và "vẫn cao hơn đáng kể so với hầu hết các quốc gia khác".
Trong khi đó, "những căng thẳng cốt lõi khiến Mỹ và Trung Quốc xung đột ngay từ đầu, đặc biệt là thâm hụt thương mại lớn mà Mỹ phải chịu với Trung Quốc, vẫn chưa được giải quyết".
Các nhà phân tích của Capital Economics cũng chỉ ra "những khác biệt còn lớn hơn" khi Washington đang thúc đẩy các nước như Anh loại Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng.
Trả lời phỏng vấn trên CNBC, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho rằng khả năng giảm thuế xuống dưới 10% là khó có thể xảy ra, ngay cả khi đạt được thêm đột phá trong đàm phán. Ông cũng cho biết Washington sẽ tiếp tục tìm cách "chia tách" khỏi Trung Quốc trong các ngành công nghiệp chiến lược như thép và chất bán dẫn.
Dù vậy, ông Bessent vẫn bày tỏ lạc quan về triển vọng trong các cuộc họp tiếp theo: "Chúng tôi đã làm được rất nhiều việc trong 2 ngày. Vì vậy, tôi tin rằng trong vài tuần tới, chúng tôi sẽ gặp nhau để đưa ra một thỏa thuận đầy đủ hơn".
Bình luận hay