"Chơi" xe hơi

THIẾU GIA - KHIẾT HƯNG 28/12/2003 02:12 GMT+7

TTCN - Thị trường xe hơi Hà Nội đang xôm tụ với sự góp mặt đầy đủ của các hãng xe danh tiếng. Khách mua xe đương nhiên là người giàu có, ngoài nhu cầu thực tế để đi lại, việc sở hữu xe cũng là một “kênh” giao tiếp quan trọng, qua đó thể hiện vị thế của chủ nhân để mở rộng các mối quan hệ làm ăn.

Phóng to
Tân trang xe Lanos tại phố Cao Bá Quát, Hà Nội
TTCN - Thị trường xe hơi Hà Nội đang xôm tụ với sự góp mặt đầy đủ của các hãng xe danh tiếng. Khách mua xe đương nhiên là người giàu có, ngoài nhu cầu thực tế để đi lại, việc sở hữu xe cũng là một “kênh” giao tiếp quan trọng, qua đó thể hiện vị thế của chủ nhân để mở rộng các mối quan hệ làm ăn.

Thú nhà giàu

Sáng thứ bảy, ngồi chưa cạn ly cà phê tại Cafe Phố (đường Lý Thường Kiệt) thì H., nhân viên một showroom hàng đầu ở Hà Nội, kéo chúng tôi đứng dậy, sau một cú điện thoại gọi đến: “Đi thôi. Nó đến rồi đấy”. “Nó” mà H. đề cập tới là một tay buôn bán ở Lạng Sơn tên V., chưa đầy 30 tuổi. H. bảo: “Chẳng hiểu buôn bán gì mà nó rất nhiều tiền. Từ đầu năm đây là lần thứ ba nó đổi xe. Con đầu là Matiz, con kế là Kia. Hôm nọ nó gọi điện bảo cuối tuần này xuống Hà Nội kiếm con Camry V6”. H. tiết lộ trong số khách mua xe là giới trẻ thì khách làm việc ở Bộ Ngoại giao, Bộ Công nghiệp và ngành hàng không chiếm tỉ lệ cao nhất. Ngoài ra còn một bộ phận đông đảo khách là dân buôn, chủ yếu là buôn bất động sản. Ngoại tỉnh đổ về Hà Nội mua xe thì có thanh niên từ Lạng Sơn, Móng Cái.

Dẫn V. vào showroom, H. chỉ con Camry 2.4G: “Con này giống V6 nhưng số tay. 37.500 USD, rẻ hơn V6 10.000 USD.” V. dạo một vòng quanh con 2.4G láng bóng, mở cửa xe săm soi một hồi lâu rồi quay sang hỏi: “Khác vành sắt, ghế nỉ?”. H. bảo: “Chỉ khác thế thôi, còn lại giống hệt, nếu chú thích, ra thay vành đúc hợp kim, ghế da thì khác gì V6 đâu”. Rồi H. giải thích: “Thông thường các hãng xe thay một số chi tiết xe khi bán ở thị trường VN để giảm giá thành, phù hợp với các loại túi tiền của khách”.

Hà Nội hiện có 22 cơ sở đào tạo lái xe được cấp phép. Tính đến nay tất cả các trung tâm đều nằm trong tình trạng quá tải do số người đăng ký học lái xe quá đông. Tại trung tâm đào tạo lái xe của Học viện An ninh nhân dân, số lượng người đăng ký tăng khoảng 15-20% so với thời điểm trước đó. Số người đăng ký học tại đây bao gồm cả người chưa biết lái xe lẫn người đã biết lái nhưng chưa có bằng và một bộ phận không nhỏ là nữ thanh niên.

Tại cơ sở đào tạo của Trung tâm Khoa học kỹ thuật phòng cháy chữa cháy mỗi năm đào tạo hơn 1.000 học viên nhưng con số này năm nay đã tăng lên rất nhiều. Tại hầu hết các trung tâm đào tạo lái ôtô trên địa bàn Hà Nội, mặc dù gần bước sang năm mới nhưng số hồ sơ đăng ký của học viên trong năm 2003 vẫn chưa được giải quyết hết. Ước tính toàn thủ đô còn khoảng 400.000 người có nhu cầu học lấy giấy phép lái ôtô.

Anh L. là một doanh nhân trẻ ở Hà Nội. Công ty TNHH của anh có tổng vốn trên 10 tỉ đồng. Thật ngạc nhiên, vào thời điểm này cách đây bốn tháng anh L. còn đi xe máy... Trung Quốc. Suy nghĩ của anh L. về mua xe hơi bắt đầu từ chuyện quan hệ. “Mình chơi với nhiều doanh nhân, nhiều tay tuổi chưa đến 30 đã có hai cái xe trong gara, họ không “suy nghĩ” gì về mình khi đi chơi với nhau vì biết thực lực kinh tế của nhau, nhưng đi xe nhờ hay đi taxi mãi cũng ngại”.

Anh L. quyết mua xe khi trong tay chưa có... bằng lái, cũng không am hiểu lắm về thị trường xe hơi và các dòng xe đang được ưa chuộng trên thị trường. Sau nhiều lần tham quan tại các showroom và tham khảo ý kiến bạn bè, L. quyết định mua một chiếc Toyota Corolla màu đen giá 28.000 USD. Trả thẳng bằng tiền VN, gần một nửa bao tải! Cùng thời gian chọn xe, anh đi... học một lớp lái xe cấp tốc ba tháng. Mua được xe nhưng chưa lấy được bằng, L. phải thuê lái xe lương tháng 1,5 triệu đồng; tài xế vừa đưa chủ đi làm ăn vừa kèm cặp chủ lái. Anh L. nói: “Ôtô sang hơn xe máy nhiều chứ, xăng dầu cũng chẳng đáng là bao, giao dịch tiện lợi, nhất là đi các tỉnh”.

Còn T. là một “ông chủ nhỏ” thật sự, biết ăn chơi kiểu quí tộc và “đốt tiền” như thiếu gia nhà giàu. Cách đây ba năm khi Hà Nội mới bắt đầu có xe Dylan thì T. đã bĩu môi: “Tao bán Dylan 5.500 USD, xin ông già thêm tiền mua con Nubira!”. Thời điểm ấy, T. đang là sinh viên một trường dân lập. Lý do T. đòi bố mua xe hơi thật đơn giản: cô bạn gái T. rất khó chịu khi thấy mấy thằng mặt non choẹt tóc tai xanh đỏ tím vàng ngồi xe Matiz nhỏ như bao diêm lượn trên bờ hồ đong gái.

Ông bố T. có tiền và cũng muốn động viên con “tập trung vào học hành tốt” nên OK, giao T. hẳn 20.000 USD mua Nubira II. Trong khi với thanh niên Hà Nội thì đỉnh cao nhất về chơi xe hơi lúc ấy mới chỉ là “xe bao diêm” Matiz của Hãng Daewoo khoảng 10.000 USD. T. chán hẳn Nubira khi xe Ford về đến Hà Nội. Cậu bị hút hồn bởi vẻ đẹp quyến rũ của dòng xe này. Bán Nubira lỗ mất hơn 4.000 USD, T. lại vòi được ông bố mua con Ford Laser 1.6.

Có xe đẹp đi cùng là quan hệ được mở rộng. Cậu nhận ra được một điều: mình chỉ là thằng trẻ con nhà giàu, trẻ cả về tuổi tác, về văn hóa chơi xe và cả tiền. T. bảo: “Xe ra nhiều quá, con nào cũng thích, tao phải đọc báo ôtô xe máy bổ túc thêm kiến thức. Ông già kêu quá không cho tiền nữa, tao phải “buôn” xe, tích tiền chơi cái BMW!”.

“Đẳng cấp” xe hơi

Thị trường xe hơi tư nhân Hà Nội thật sự nhen nhúm từ khi xe Matiz đổ bộ vào VN. Đập vào mắt mọi người nhiều nhất là những đội xe Matiz taxi chạy trên đường phố. Loại xe này được ưa chuộng bởi có ưu điểm nhỏ gọn, dễ đi lại trên đường sá chật chội và dễ lái trong khi giá tiền vừa phải, chỉ cần bán chiếc xe máy Spacy và thêm vào chút tiền cũng có thể mua được. Cổ súy cho tinh thần chơi xe hơi và đua nhau đi học lái ôtô không ai khác là những hãng taxi.

Ngoài cho thuê xe với một số điều kiện tương đối dễ dàng, một số hãng tiếp tục mở ra dịch vụ vừa cho thuê xe, vừa có lái xe đi kèm dạy lái. Đến khi xe đời cao của Hãng Daewoo như Lanos hay Nubira II tiếp tục đổ bộ thì Matiz “lặn” mất dạng, giá “down” xuống còn 120 triệu, rồi 100 triệu, thậm chí 80 triệu đồng/chiếc cũng chẳng mấy ai thèm. Bởi khách đã biết “chơi xe” và nhận ra điểm yếu của loại xe này: gầm thấp, chạy đường xa yếu, xe vào “cua” có cảm giác bồng bềnh như sẵn sàng lật bất kỳ lúc nào.

Phóng to
Daewoo trụ lại được khoảng hai năm trong thú chơi xe Hà Nội cho đến khi một đẳng cấp xe hoàn toàn khác tràn về: Ford của Hoa Kỳ! Khách chơi nhà giàu lập tức đổ xô đến các showroom không chỉ để tham quan, trầm trồ thán phục mà ký séc, rút tiền mặt đếm trao tay lấy chìa khóa ngay tại cửa hàng. Ưu điểm của dòng xe này là ít hao nhiên liệu, kiểu dáng lịch lãm, chạy “đằm”, kể cả đường ngắn lẫn đường trường.

Len lỏi giữa hai dòng xe thời trang trên thì Toyota được nhắc đến nhiều bởi chất lượng, giá cả và điều yên tâm nhất với khách hàng là sự “down” giá rất ít xảy ra. Thấp hơn chút nữa về sự “hâm mộ” và giá cả là Fiat của Ý. Thấp hơn nữa là dòng xe liên doanh VMC (với Mazda), Vidam (với Pajero), Vinasta (với Jolie hay Lancer). Cũng ở ba dòng này thì những đời xe “bình dân” như Kia hay Canter không nằm trong tâm trí khách chơi nhà giàu sành điệu. Với dân giàu có thuộc hàng VIP, việc chơi xe như một thứ văn hóa “tiến bộ” thì phải nói đến... ít nhất là Camry Toyota giá khoảng 37.000 USD. Kế đó là xe “hầm hố” Lancruiser khoảng 59.000 USD. Tiền nhiều và sành điệu nữa thì là BMW của Hãng Mercedes, Đức. Cũng là sành điệu nhưng ở đẳng cấp dưới với giới thanh niên thì Vios của Toyota hay Mondeo của Ford đang là thứ hàng “cháy” nhất tại các showroom, đại lý chính hãng vào thời điểm này.

Cùng việc bỏ ra một đống tiền để mua xe hơi thì việc quan trọng không kém với khách nhà giàu là tân trang nội thất xe cho thỏa mãn sở thích và... lượng tiền của mình. Từ thời xe Hãng Daewoo lên ngôi, người ta đã kịp trang trí cho chúng cơ man nào là... búp bê, đềcan màu, rồi đèn gầm màu xanh tím, xanh bạc, tivi, dàn máy nghe đĩa (với Nubira, Lanos)...

Với xe mới, việc nhẹ nhàng nhất sau khi được cắm chìa khóa, đổ xăng dầu, chạy chơi chơi vài vòng là ghé phố Cao Bá Quát hoặc Bà Triệu dán nilông toàn bộ xe, giá... rẻ, khoảng 700.000 - 1 triệu đồng tùy xe bé, xe lớn. Hai con phố này được coi là “gara ôtô thời trang Hà Nội” với đầy đủ các đồ nghề trang bị cho xe mới, từ nilông, đềcan, còi, đèn, thiết bị chống trộm. Với xe đẹp, khách tiền nhiều, không thể bỏ qua màn trang trí nội thất và vành xe: vành kim loại đổi mới thành vành hợp kim, “lính tráng” hơn nữa thì hợp kim lazăng; trông xe khỏe và đẹp. Nệm ghế xe nguyên bản là nỉ, là giả da? Không sao, thay lại được, đồ toàn da xịn. Kế đến để sang trọng, khách cầu kỳ không thể bỏ qua công nghệ ốp gỗ vào hộp số hay tay cầm. Đèn mắt muỗi trong xe mờ quá? Cũng thay được, màu nào cũng có. Rồi nước hoa khô, nước hoa ướt, hộp đựng giấy lau tay sơn son thếp vàng... đều đầy đủ cả.

Theo ông Phạm Chuyên, giám đốc Sở Công an TP Hà Nội, tính từ đầu năm đến hết tháng 11-2003 toàn TP có 12.244 ôtô đăng ký mới, tăng 4.618 xe so với cùng kỳ năm 2002, đạt tốc độ tăng 61,8% và nâng tổng số xe hiện có do TP quản lý lên 124.410 xe. Ông Chuyên dự báo số lượng ôtô đang tăng trưởng và sẽ tăng trưởng mạnh nhưng vẫn chưa đến lúc phải hạn chế đăng ký ôtô cá nhân. Hiện TP cũng đã nghiên cứu các biện pháp để đảm bảo quản lý, khống chế tốc độ tăng trưởng ôtô cá nhân hợp lý đồng thời với tốc độ phát triển dân cư, hạ tầng và phát triển phương tiện công cộng.

Một nhu cầu khác không kém phần quan trọng là việc chọn biển số xe đẹp giống như số điện thoại di động hay biển số xe máy. Biển số xe với khách nhà giàu đương nhiên phải là “số tiến” (số trước nhỏ hơn số sau, ngụ ý là một sự thăng tiến không ngừng). Có “số tiến” rồi phải tìm cho được “tổng chín” hoặc “tổng mười” - tổng bốn số cộng lại được đuôi 9 (19, 29) hoặc 0 (10, 20, 30). Nhưng đấy mới là nhu cầu rất bình thường! Khách cờ bạc sống chết tìm cho được “tam bát cửu” (389) ở đuôi. Khách làm ăn phải chọn “kép” 66, 88, 99. Thích nhất và đắt nhất với lái xe không gì bằng biển 6868 hay 8686 (6 là “lục”, 8 là “bát”) đọc chệch ra theo tiếng các doanh nhân người Hoa sang VN làm ăn là “lộc phát lộc phát” hay “phát lộ phát lộ” (lên đường gặp nhiều may mắn).

Phó giám đốc một bệnh viện ở Hà Nội bảo: “Đi một cái xe đẹp chưa nói lên nhiều bằng có xe đẹp, có biển đẹp!”. Minh chứng: thời gian đắn đo mua xe Toyota hay Ford của vị bác sĩ này không lâu bằng việc chọn biển “tổng tám” hay “tổng chín”! “Quái” nhất trong chọn biển xe là việc tìm mua được xe biển NG (ngoại giao), sau đó không sang tên đổi chủ, dựa vào biển VIP để giao dịch, tăng quan hệ. Thông thường dân chơi xe sau khi đặt tiền cho các cửa hàng thường giao luôn cả chuyện đăng ký cho người bán. Hầu hết nhân viên bán xe đều kiêm luôn các khâu nộp thuế, đăng kiểm, đăng ký xe và chỉ lâu nhất là một ngày khách có thể có đầy đủ giấy tờ

Càng tết càng đắt

Thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô VN (VAMA) cho biết trong 11 tháng đầu năm nay, 11 liên doanh đã bán được 35.000 chiếc xe hơi, tăng 150% so với cùng thời điểm của năm 2002. Chỉ tính riêng trong tháng mười một, Hãng Toyota đã bán được 10.264 xe, Ford bán được 4.182 xe, VMC 3.406. Trong khi VN hiện có 11 liên doanh lắp ráp ôtô với công suất lắp ráp 148.200 xe/năm. Dự kiến thị trường năm nay bán được 36.000 xe, tăng gần 10.000 xe so với năm ngoái.

Kinh tế phát triển, nhiều người giàu lên khiến nhu cầu “chơi” ôtô tăng cũng không có gì lạ, nhưng thật ra nguyên nhân khách mua xe hơi tăng đột biến vừa qua được lý giải là do nhu cầu mua sắm cuối năm, đặc biệt vào dịp tết dương lịch và âm lịch. Bên cạnh đó người có ý định mua xe hầu hết đã nắm được thông tin: từ năm 2004 Nhà nước tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng vào mặt hàng ôtô. Tác động trực tiếp nhất để giá xe hơi tăng trong quí cuối cùng trong năm là từ ngày 1-9-2003, thuế nhập khẩu linh kiện ôtô đã đồng loạt tăng lên so với trước.

Trung bình giá xe hơi dưới năm chỗ ngồi tăng trên 20%, từ 5-20 chỗ tăng 17% so với trước. Giá xe tăng thậm chí đã dẫn đến hiện tượng... đầu cơ xe hơi: một số tay buôn đã nộp tiền đặt cọc trước tại các cửa hàng nhưng không mua xe mà rao bán lại chỉ tiêu cho khách thật, ăn chênh hoa hồng. Trong khi tâm lý khách hàng muốn có xe đi ngay dịp tết và e ngại sang năm giá xe sẽ tiếp tục tăng; thì diễn tiến thị trường xe hơi sắp tới ở Hà Nội xem ra còn nhiều bất ngờ!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận