Chiếc huy chương vàng World Cup của vận động viên khuyết tật và tuổi 16 của Hương

TTO - Một ngày giữa tháng 10, vận động viên khuyết tật bộ môn cử tạ Lê Văn Công bỗng rao bán chiếc Huy chương vàng World Cup 2016 của mình trên trang facebook cá nhân. Đó cũng là vài ngày sau khi anh biết đến câu chuyện về tuổi 16 dang dở của cô học trò nhà hàng xóm.

Chiếc huy chương vàng World Cup của vận động viên khuyết tật và tuổi 16 của Hương - Ảnh 1.

Phòng tập chuyên môn cử tạ của vận động viên khuyết tật ở Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia TP.HCM (quận Thủ Đức, TP.HCM) chỉ vỏn vẹn có 4 vận động viên đang thực hiện các bài tập chính.

Nữ thì tập với bài nâng tạ từ 50-85kg. Hai vận động viên nam, trong đó có Công đang tập với bài tập hướng đến Paragames và Paralympic 2020, mức tạ 155kg.

Công và đồng đội Nguyễn Bình An (bị teo chân bẩm sinh) thở hồng hộc, mồ hôi vã như tắm, nhưng đầy quyết tâm khi tăng dần độ khó của bài tập tạ lên ngưỡng 155kg.

Vừa xong bài tập, anh ngồi thả lỏng hai tay, thở hắt ra vì mệt.

Anh Lê Quang Thái, trợ lý huấn luyện viên môn Cử tạ người khuyết tật, nói: "Hai lần bị chấn thương rồi. Lần thì đứt dây chằng vai, lần thì rạn xương, nhưng Công quyết tâm và may đã hồi phục tốt để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới".

Ngày cuối tuần, sau buổi tập, Công vội vã xếp đồ vào balô, lên xe ba bánh chạy từ Thủ Đức về nhà ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Công đang thu xếp gặp gỡ người muốn mua chiếc huy chương vàng anh bán đấu giá quyên góp cho cô bé hàng xóm tên Bích Hương.

Chiếc xe ba bánh xình xịch chạy trong cơn mưa tầm tã. Chúng tôi cũng lao theo trong niềm vui của chàng vận động viên cử tạ hào sảng.

Vượt qua đoạn đường dài, Công về tới nhà, cô con gái ào tới gọi: "A! Bố về, bố về!".

Ở ngôi nhà đối diện, có lẽ mọi người cũng nghe thấy tiếng cô bé reo vui, có tiếng lao xao rồi đèn bật sáng. Hai nhà ùa tới hỏi thăm nhau như đón một thành viên thân thiết lâu ngày về nhà.


Chiếc huy chương vàng World Cup của vận động viên khuyết tật và tuổi 16 của Hương - Ảnh 5.

Những ngày hè 2019, Đoàn Thị Bích Hương, cô nữ sinh 16 tuổi ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM đã rất háo hức như bao bạn bè vì sắp bước vào ngôi trường cấp 3 sau bao ngày học tập miệt mài.

Chiếc huy chương vàng World Cup của vận động viên khuyết tật và tuổi 16 của Hương - Ảnh 6.

Nhưng Bích Hương của những ngày cuối tháng 10-2019 giờ đang nằm thiêm thiếp trên cánh võng giữa nhà, thay vì đến trường. Ba tháng trước, cô bé 16 tuổi phát hiện bị ung thư gan giai đoạn cuối.

Hom hem như ông lão trên 70 tuổi trong khi mới qua tuổi 50, ông Đoàn Nguyên Trí, ba Bích Hương, nghẹn ngào: "Tôi đưa con đi hết bệnh viện này tới bệnh viện khác, các bác sĩ đều nói một lời, hết cách rồi".

Ông Trí làm thợ hồ, quê Bình Dương. Bán hết đất ở quê, cả gia đình mới chuyển lên Sài Gòn được chừng một năm nay và mua một ngôi nhà nhỏ ở huyện Hóc Môn với hứa hẹn cho hai con ăn học đỡ xa xôi.

Nhưng rồi căn bệnh nan y của Bích Hương ập tới cuốn phăng mọi thứ.

Lúc đưa con gái đi bệnh viện với tâm thế "còn nước còn tát", ông Trí đã kêu bán nhà. Nhưng khi bác sĩ cũng khuyên đưa con gái về chăm sóc để giảm nhẹ gánh nặng, lại thêm trăn trở vì đứa con trai nhỏ mới hơn 4 tuổi, hai vợ chồng tạm gác chuyện bán nhà.

Chỉ 4 tháng, bà Vũ Thị Lài, mẹ Bích Hương vốn là lao công suốt 16 năm ròng ở nhiều trường học phải nghỉ việc ở nhà chăm con, chỉ còn nặng hơn 40kg.

"Nhiều đêm Hương lên cơn đau giật dữ dội. Tôi chỉ biết ôm chặt lấy con, giá như cơn đau của con có thể san bớt qua cho mẹ…", bà kể.

Chiếc huy chương vàng World Cup của vận động viên khuyết tật và tuổi 16 của Hương - Ảnh 7.

Cả gia đình bây giờ xoay quanh cô con gái 16 tuổi với căn bệnh nan y đang di căn từng ngày. Nghe ai chỉ thầy thuốc Nam ông Trí cũng đi. Có khi ra tận Nghệ An rồi lên Định Quán (Đồng Nai) tìm thầy hay, thuốc tốt cho con gái bớt phần nào đau đớn.

Chiếc huy chương vàng World Cup của vận động viên khuyết tật và tuổi 16 của Hương - Ảnh 8.
Chiếc huy chương vàng World Cup của vận động viên khuyết tật và tuổi 16 của Hương - Ảnh 9.

Nhà của vận động viên khuyết tật Lê Văn Công ở đối diện nhà Bích Hương. Ánh sáng hi vọng le lói trong gia đình ông Trí khiến ai cũng xót thương.

"Tôi đi tập huấn trên đội tuyển cả năm, thi thoảng mới về nhà. Mấy tháng rồi về gặp cảnh nhà bé Bích Hương, thấy thương bé quá. Chiều chiều, tối tối, khi gia đình mình đoàn tụ, cười nói bên mâm cơm, nhìn sang hàng xóm, thấy cả nhà u sầu bên con gái mà xót xa", anh nhớ lại.

Thế là cả nhà Công thay nhau qua thăm nom, chuyện trò với vợ chồng ông Trí. Hai con anh Công cũng năng nổ lúc nghỉ học là qua chơi với cậu con trai 4 tuổi.

Chiếc huy chương vàng World Cup của vận động viên khuyết tật và tuổi 16 của Hương - Ảnh 10.

Lê Tuấn Anh, con trai anh Công, mới 10 tuổi nhưng đã tỏ ra rất hiểu chuyện: "Mỗi lần bố đi thi đấu con đều mong và dặn bố cố lên, mang huy chương vàng về cho con. Nhưng con biết vì bố thương chị nên mới bán huy chương vàng này đi".

"Con mong chị sẽ được giúp đỡ để mau hồi phục. Con cũng tin bố sẽ có huy chương vàng mới trong năm tới để thay cho chiếc huy chương đang rao bán này", Tuấn Anh hồn nhiên nói tấm huy chương của bố đang bán đấu giá.

Chiếc huy chương vàng World Cup của vận động viên khuyết tật và tuổi 16 của Hương - Ảnh 11.

Buổi tối một ngày cuối tháng 10, anh Công lặng lẽ ngồi bên ông Trí trầm ngâm. Hai người đàn ông láng giềng ngồi tỉ tê về những thang thuốc có thể giúp Hương bớt đau hay có thể mang lại phép màu cho em.

Anh Công sốt sắng: "Nếu không bán được huy chương, em sẽ đi vận động bạn bè, ít nhất cho bé vài chuyến xe để chạy bệnh thầy thuốc Nam dưới Đồng Nai. Còn nước còn tát anh ạ. Mỗi chuyến mất cũng gần 2 triệu đồng, anh chị giờ nghỉ việc cả rồi cũng gian nan lắm".

Ông Trí cố ngăn Công lại vì ngại phiền, đôi mắt trũng sâu của người đàn ông hom hem hơn cái tuổi thực với giọng nói ráng mạnh mẽ lại chực trào trước người láng giềng trẻ khuyết tật.

Vừa về nhà chơi với con được một chút, Công lấy hai chiếc dép xỏ vào tay, "đi" sang nhà Hương hỏi han.

Ai cũng nghẹn ngào khi nhìn Hương thiêm thiếp nằm trên võng sau đợt thuốc mới. Có một nỗi thất vọng và niềm hi vọng cứ huyên thuyên trong câu chuyện dài của hai nhà lối xóm ấy…

Chiếc huy chương vàng World Cup của vận động viên khuyết tật và tuổi 16 của Hương - Ảnh 12.



LÊ VÂN - THẾ SẢY
LÊ VÂN
Kiều Nhi
Bảo SuZu

Bình luận hay

Chia sẻ
Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 3: Gói cháo bột TP.HCM mang ra thế giới

Thuận, ông chủ trẻ của thương hiệu cháo bột cá lóc Cà Mèn, nói rất biết ơn khi được thành phố tạo cơ hội tốt nhất cho những người xa quê.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 3: Gói cháo bột TP.HCM mang ra thế giới

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 2: Chàng thủ khoa đất đỏ và giấc mơ đổi đời

19 năm về trước, chàng trai trẻ Đặng Dương Minh Hoàng rời quê hương Bình Phước mang theo khát vọng đổi đời ở miền đất hứa TP.HCM.

Sài Gòn - TP.HCM - miền đất hứa bao phận người - Kỳ 2: Chàng thủ khoa đất đỏ và giấc mơ đổi đời

Bùa yêu, biến thái và lừa đảo: Đốt tiền để làm bùa yêu kỳ dị

Nhiều người sau khi làm bùa yêu không chỉ mất tiền mà còn khủng hoảng tâm lý nặng nề vì bị những kẻ biến thái dụ dỗ.

Bùa yêu, biến thái và lừa đảo: Đốt tiền để làm bùa yêu kỳ dị

Sài Gòn - TP.HCM miền đất hứa bao phận người - Kỳ 1: Giáo sư làm thiện nguyện trả ơn thành phố

Năm 1975, Sài Gòn - TP.HCM vừa trải qua chiến cuộc với hơn 3 triệu dân. 50 năm sau, thành phố đã trở thành đô thị lớn nhất nước với quy mô dân số lên đến gần 10 triệu người, và đô thị hiện đại được phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu chất lượng sống.

Sài Gòn - TP.HCM miền đất hứa bao phận người - Kỳ 1: Giáo sư làm thiện nguyện trả ơn thành phố

Bùa yêu, biến thái và lừa đảo: Thầy hứa 'hỗ trợ' khách hàng quan hệ tình dục nguyên năm

Mua bán bùa yêu là 'mỏ vàng' cho những kẻ trục lợi tâm lý yếu đuối, tổn thương tình cảm, lo âu hôn nhân.

Bùa yêu, biến thái và lừa đảo: Thầy hứa 'hỗ trợ' khách hàng quan hệ tình dục nguyên năm

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ cuối: Cùng cả nước 'xé rào', bước vào thời kỳ đổi mới

Còn nhớ năm 1978, hàng trăm ngàn tấn lúa suýt mất trắng trong đại dịch rầy nâu nhưng may mắn vượt qua được.

Ký ức những lần tách - nhập tỉnh - Kỳ cuối: Cùng cả nước 'xé rào', bước vào thời kỳ đổi mới
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng