
Các đại biểu, khách mời cùng các em học sinh vượt khó đến trường tại lễ trao học bổng Chắp cánh ước mơ, ngày 10-7 - Ảnh: TẤN LỰC
Câu chuyện về những tấm gương học trò vượt khó đến trường được chia sẻ tại chương trình gây xúc động mạnh cho nhiều khán giả, lan tỏa tinh thần hiếu học, vượt qua nghịch cảnh.
Học bổng Chắp cánh ước mơ: Từ gian khó, những ước mơ bay lên
Cậu học trò tàn nhưng không phế Tô Phương Bắc

Tô Phương Bắc được tình nguyện viên cõng lên sân khấu giao lưu với khán giả - Ảnh: TRẦN HOÀI
Tại lễ trao học bổng và giải thưởng Chắp cánh ước mơ, nhiều đại biểu, khách mời đã rơi nước mắt khi xem phóng sự về nghị lực vượt khó của Tô Phương Bắc, học sinh lớp 8D3, Trường THCS Bờ Y, xã Bờ Y, tỉnh Quảng Ngãi. Bắc là 1 trong số 100 tấm gương học sinh nghèo vượt khó học giỏi được vinh danh trao học bổng tại chương trình Chắp cánh ước mơ.
Thầy Đào Quang Minh, giáo viên Trường THCS Bờ Y, người đã viết về tấm gương của Bắc đăng trên báo Tuổi Trẻ, cũng có mặt tại chương trình.
Người thầy hết lòng thương yêu, quan tâm học trò, đã tự nhủ mình phải làm điều gì đó để giúp đỡ cậu học trò đặc biệt.
Và sau đó, bài viết về Tô Phương Bắc được đăng trên báo Tuổi Trẻ với tựa đề: Bại liệt không thể ngăn bước chân đến trường đã lay động mạnh mẽ những trái tim nhân ái.

Cậu học trò Tô Phương Bắc bất ngờ với phần quà tặng là chiếc máy tính xách tay từ ông Đặng Đình Chỉnh - giám đốc kinh doanh khu vực, Hệ thống nhà thuốc và trung tâm tiêm chủng Long Châu - Ảnh: TẤN LỰC
Sau một cơn bạo bệnh khi 4 tuổi, Bắc gần như trở thành người bại liệt vì đôi chân tàn phế, nhưng em vẫn còn đôi tay và một trái tim nhiệt huyết. Em tập điều khiển xe lăn thuần thục, mỗi ngày tự lái xe đến trường học tập cùng chúng bạn.
Bi kịch chưa dừng lại khi sau đó ít năm cha em đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông, để lại hai mẹ con một khoản nợ lớn.
Nhìn sự năng nổ, nhanh nhẹn của cậu học trò dùng tay thay chân lê lết từ bàn học ra sân trường mà miệng luôn cười tươi tắn, dù thầm yêu quý nhưng trong lòng người thầy như rỉ máu.
Bài viết đầy thương yêu của người thầy dành cho học trò sau đó cũng đồng thời đoạt giải nhất cuộc thi viết dành cho các tác giả.

Câu chuyện vượt khó tiêu biểu của Tô Phương Bắc và Mang Thị Kim Hương - học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Khuyến, Gia Lai khiến cả khán phòng rơi lệ - Ảnh: TRẦN HOÀI

Cuộc giao lưu ngắn giữa 2 tấm gương học sinh tiêu biểu và 2 tác giả có bài viết giới thiệu về các em trong chương trình - Ảnh: TẤN LỰC
Ông Nguyễn Hoàng Nguyên, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, nói rằng học bổng không chỉ là giá trị phần quà tặng, mà còn là nơi lan tỏa những câu chuyện đẹp, lay động lòng người về ý chí, nghị lực và khát khao vượt lên số phận của các em.
Từ những bản làng xa xôi ở Tây Nguyên đến những xóm nhỏ ven biển miền Trung, từng câu chuyện của các em, dù mồ côi cha mẹ, sống cùng ông bà già yếu, hay ngày ngày vượt hàng chục cây số đến trường, đều khiến ban tổ chức xúc động và trân quý.
Nhà báo Hoàng Nguyên nhắn nhủ, trong cuộc sống ai cũng có những thử thách của riêng mình. Nhưng chính thái độ sống, niềm tin và sự bền bỉ sẽ giúp chúng ta vượt qua tất cả.
Mỗi em học sinh có mặt hôm nay là minh chứng sống động cho tinh thần đó. Các em chính là những hạt mầm đầy nghị lực mà xã hội cần nâng niu, chăm sóc.
Học bổng Chắp cánh ước mơ: Dù hoàn cảnh khắc nghiệt, ý chí vẫn có thể làm nên kỳ tích
Ở đâu có ước mơ, ở đó có con đường
Chia sẻ tại lễ trao, ông Đinh Ngọc Hải, phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai, nói rằng sống trên đời ai cũng có ước mơ và khát vọng. Thế nhưng có những ước mơ mãi mãi chỉ là mơ ước vì bị cái khó, cái nghèo, bệnh tật cản trở, trói buộc.

Ông Nguyễn Hoàng Nguyên (trái), phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ và ông Đinh Ngọc Hải (phải), phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai, trao học bổng và quà tặng cho học sinh - Ảnh: TẤN LỰC
Nhìn các bạn trẻ có mặt trong hội trường hôm nay, thấy trong đôi mắt, trên gương mặt các bạn ánh lên những khát khao và ước vọng chinh phục tri thức, hướng đến một tương lai xán lạn cho bản thân, cho gia đình và cũng chính là đóng góp cho ngày mai tươi sáng của quê hương, đất nước.
Thế nhưng, tất cả các bạn đều là những học sinh hoặc khó khăn, hoặc bệnh tật, nếu không được "chắp cánh" kịp thời, thì có thể có những ước mơ đẹp đẽ không thể thực hiện được.
Bởi vậy cái tên Chắp cánh ước mơ của học bổng này có ý nghĩa thật to lớn. Không chỉ là sự tiếp sức kịp thời cho các em để nuôi dưỡng ước mơ của bản thân và gia đình, mà còn lan tỏa tinh thần trách nhiệm cộng đồng xã hội.

Ông Lê Sĩ Hải (bên trái), giám đốc điều hành Trường đại học Văn Hiến, trao học bổng cho các em - Ảnh: TẤN LỰC
Đại diện nhà tài trợ, ông Lê Sĩ Hải, giám đốc điều hành Trường đại học Văn Hiến, hiệu trưởng Trường cao đẳng Bình Minh Sài Gòn, khẳng định chương trình đã mang lại ý nghĩa thiết thực, lan tỏa tinh thần sẽ chia trong cộng đồng.
Theo ông Hải, bằng nghị lực vượt khó, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được đặt chân đến ngưỡng cửa đại học, cao đẳng cùng các bạn đồng trang lứa một cách tự tin, giúp các em hiện thực hóa ước mơ và thay đổi số phận chính mình.

PGS.TS Trần Huy Hoàng (phải), phó hiệu trưởng thường trực Trường đại học Văn Hiến, trao học bổng cho học sinh - Ảnh: TẤN LỰC
Tấm gương của các em đã tạo động lực và nguồn cảm ứng cho những sinh viên, giáo viên khác. Ông Hải gửi gắm thông điệp đến các em rằng mỗi bạn đều có giá trị riêng và môi trường đại học là nơi giúp khám phám, phát triển những giá trị đó.
Khi những người khác dang tay giúp đỡ các em, chính họ cũng đang được tiếp thêm sức mạnh nghị lực, có niềm tin và hạnh phúc. Và ở đâu có ước mơ, ở đó sẽ có con đường.

Chị Hoàng Diệu Linh, đại diện Tỉnh Đoàn Lâm Đồng và PGS.TS Trần Huy Hoàng, phó hiệu trưởng thường trực Trường đại học Văn Hiến, trao học bổng cho các em học sinh - Ảnh: TRẦN HOÀI

Nhà báo Duy Thanh - trưởng văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên cùng TS Lê Sĩ Hải - giám đốc điều hành Trường đại học Văn Hiến, hiệu trưởng Trường cao đẳng Bình Minh Sài Gòn, trao học bổng cho các em học sinh - Ảnh: TRẦN HOÀI

Trao thưởng cho các tác giả có bài viết xuất sắc về các tấm gương học trò nghèo vượt khó trong chương trình - Ảnh: TẤN LỰC
Những bài viết truyền cảm hứng, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc
Học bổng và giải thưởng Chắp cánh ước mơ 2025 trao cho 100 học sinh THCS và THPT khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, gồm các tỉnh: Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, mỗi suất trị giá 4 triệu đồng. Ngoài ra chương trình còn trao 13 giải thưởng cho các tác giả có bài viết hay về những gương mặt học trò nghèo hiếu học, vượt khó vươn lên do Trường đại học Văn Hiến tài trợ với tổng kinh phí hơn 430 triệu đồng.
Tại chương trình, Công ty cổ phần dược phẩm FPT Long Châu tài trợ một máy tính xách tay trị giá hơn 12 triệu đồng, và bạn đọc đóng góp 6 triệu đồng cho 2 nhân vật đặc biệt.
Chương trình được phát động lần đầu tiên vào năm 2024 tại 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Sau hai năm triển khai, đã nhận gần 600 bài viết, bài giới thiệu, clip về những tấm gương học sinh nghèo hiếu học, giàu nghị lực vươn lên trong cuộc sống do chính thầy cô, bạn bè và bạn đọc báo Tuổi Trẻ giới thiệu về cho chương trình.
Những bài viết và nhân vật được giới thiệu đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc, thầy cô, phụ huynh, truyền cảm hứng mạnh mẽ về tinh thần vượt khó, nỗ lực không ngừng của các em học sinh. Chương trình dự kiến được tổ chức trong ba năm với tổng trị giá 19,3 tỉ đồng. Năm nay chương trình dành 6,234 tỉ đồng để tổ chức trao học bổng và giải thưởng.
Bình luận hay