07/09/2014 07:45 GMT+7

Cẩm Vân - Khắc Triệu: Cặp đôi hoàn hảo

NGUYỄN THANH ĐỨC
NGUYỄN THANH ĐỨC

TT - Nhà báo Nguyễn Thanh Đức tiết lộ nhiều chuyện đặc sắc và rất hiếm ai biết về "cặp đôi hoàn hảo" Cẩm Vân - Khắc Triệu.

Vợ chồng ca sĩ Cẩm Vân - Khắc Triệu và con gái Vân Khánh - Ảnh: Bảo Trọng

Quen Cẩm Vân - Khắc Triệu gần 30 năm, hóa ra điều tôi thích lại không phải là giọng ca khàn khàn của Vân, kiểu chơi trống tưng bừng của Triệu, mà là cách hai người chơi với bạn bè... 

Luôn thân thiện, nhiệt tình, cổng nhà lúc nào cũng rộng mở đón tiếp mọi người. Lại cùng nghề, luôn làm việc sát cánh bên nhau ngày cũng như đêm, cặp Triệu - Vân xứng đáng được coi như một “cặp đôi hoàn hảo”, cặp đôi bền chặt hiếm hoi trong giới nghệ sĩ... 

Cái đêm hôm ấy đêm gì?

“Bí quyết” để vững bền

Hầu hết người hâm mộ  của Cẩm Vân đều giữ mãi ấn tượng về Bài ca không quên (ca khúc của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, đã giúp Vân đoạt huy chương vàng đơn ca Liên hoan ca nhạc chuyên nghiệp TP.HCM năm 1983, cách đây 31 năm, và thành “dấu ấn” của Vân mãi đến tận hôm nay).

Riêng tôi lại ấn tượng hơn với món càri dê mà Vân nấu. Trong tất cả những bữa tiệc Vân đãi bạn bè ở nhà, bao giờ cũng có món này.

Dù là thịt “sư phụ” nhưng mềm, thơm, cộng thêm món “kim chi” bằng cà tím và đậu bắp thật cay đi kèm, các “trò” đành thất lễ với “thầy” ăn tới bến. Trong bạn bè, nhắc đến món càri dê Cẩm Vân, ai cũng đưa một ngón tay cái lên khen ngợi.

Thích nấu ăn và tụ tập bạn bè có lẽ là hai trong những bí quyết giữ chồng, giữ gia đình hạnh phúc của Cẩm Vân vì cô biết Triệu rất thích nhậu và mê bạn.

Vân khiêm tốn nói mình có năng khiếu làm bếp, đi ăn món ngon ở đâu chỉ nếm thử là biết cách nấu. “Lên sân khấu thế nào không biết chứ về nhà là Vân chỉ muốn làm một người vợ bình thường, chăm sóc gia đình, hết lòng vì chồng con”.

Khi được hỏi về bí quyết giữ hạnh phúc gia đình, Vân nói đơn giản chỉ vậy. Câu hỏi này khi đem hỏi Khắc Triệu, anh nói bí quyết của anh là cố gắng... ăn hết những món ăn Vân nấu! 

Cuộc tình bắt đầu từ năm 1986, trong một chuyến Cẩm Vân - Khắc Triệu tăng cường cho Đoàn Bông Sen đi biểu diễn ở Liên Xô (cũ).

Chơi trống chuyên nghiệp từ năm... 11 tuổi, qua nhiều club Mỹ, phòng trà, đại nhạc hội... cho đến lúc ấy Khắc Triệu đã là một trong những tay cầm dùi hàng đầu của nhạc trẻ (và đến tận bây giờ), nổi tiếng đào hoa, phái đẹp tự động tìm đến, đổi bồ như thay áo, trong đó có cả những người nổi tiếng.

Cẩm Vân thì đã là một ngôi sao hàng đầu trong làng ca sĩ lúc bấy giờ. Triệu tâm sự là anh chưa từng tỏ tình với một ai, chỉ lần duy nhất trong đời với Cẩm Vân, và lần đó là trong chuyến đi Liên Xô ấy.

Sắp về nước, không còn cơ hội gần gũi nhiều, Triệu bỗng thấy mình phải gấp rút tỏ tình vì chưa từng yêu ai đến vậy. Lý do? Triệu chưa thấy ca sĩ nào sống đàng hoàng, nghiêm túc và lao động cật lực như thế.

Hôm đoàn đến chặng chót ở Kharkov (Ukraine), một hôm Cẩm Vân đang đi dạo trong công viên chợt nghe tiếng chân chạy bịch bịch phía sau.

Quay lại thì thấy Triệu mặt mày tái xanh, vừa thở vừa nói lời tỏ tình như không còn có dịp nào khác. Đã thích Triệu rồi vì vẻ nam tính, vì tài năng, vì sự galăng của anh trong suốt chuyến đi, nhưng Vân cứ... hãy đợi đấy!

Như là duyên số, khi về đến sân bay Calcutta (Ấn Độ) vào ban đêm thì máy bay hư, cả đoàn phải vào khách sạn nằm chờ. Hai người một phòng, dư ra một nữ là... Cẩm Vân. Bên nam cũng lẻ một người.

Trưởng đoàn là ông Trần Tấn Lộc, phó giám đốc Sở Văn hóa thông tin lúc ấy, không hiểu nghĩ sao lại xếp Cẩm Vân vào chung phòng với Khắc Triệu!

Vân kể: “Anh Lộc nói Vân... giống con trai, ở chung vậy không sao, vả lại chỉ chờ xíu máy bay sửa xong là đi thôi!”. Nay ông Lộc đã mất, nếu còn tôi sẽ hỏi vì sao ông lại để một cô gái ở chung phòng với một tay sát gái như vậy.

Nhưng tôi chắc chắn với một người tâm lý, tinh tế như ông thì đó không phải là chuyện vô tình, không có duyên cớ. Không lẽ Khắc Triệu “bỏ nhỏ” ông?

Hỏi thì Triệu lắc đầu lia lịa, nói không hề có chuyện đó! Và rồi suốt đêm đó, cả hai khuân ghế ra bancông ngồi nói chuyện đến sáng, tâm sự, giãi bày hết những tình cảm chưa thổ lộ.

Đó là câu trả lời của Vân, khi tôi cắc cớ hỏi “cái đêm hôm ấy có... gì không?”. Còn Triệu (để viết bài này tôi đã gặp riêng mỗi người để phỏng vấn) thì hỏi lại tôi là... “Vân trả lời sao vậy anh?”.

Về nước, chưa muốn lộ chuyện, và vì đều đã là sao, nên những cuộc gặp gỡ riêng của họ sau đó khá vất vả.

Triệu đạp xe đạp, Vân chạy Honda PC50, hẹn nhau ở những quán cà phê xa tít mù, ăn mặc ngụy trang kỹ. Nhưng tình yêu như cây kim trong bọc làm sao giấu được? Năm năm sau (1991), hai người tổ chức đám cưới. 

23 năm, hai con gái, cũng có những ngày ghen tuông sóng gió chỉ vì yêu nhau - Vân thú thật cả hai cùng ghen kinh khủng, thời gian đầu cứ phải theo giữ nhau suốt, và cũng vì tình yêu mà họ giữ được hạnh phúc cho đến tận hôm nay... Su (Triệu Mẫn, 19 tuổi) và Si (Vân Khánh, 16 tuổi) cùng đang đi học ở Mỹ. Cô út đặc biệt yêu nghề hát, và ba Triệu hứa cứ xong trung học đi đã...

Trọn vẹn những Bài ca không quên

 Vân nói về kỷ niệm đáng nhớ trong đời ca hát: “Ấn tượng gần đây nhất là khi biểu diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội đầu năm 2014, được khán giả yêu cầu hát thêm bài Bài ca không quên ngoài chương trình, Vân quyết định hát mộc, được một lúc thì cả khán phòng cùng đứng lên hát theo, Vân chỉ biết ngồi xuống và khóc..." 

"Vân nghĩ khán giả thương mình như thế này, hơn 30 năm vẫn yêu quý mình đến vậy, thế mà đã có lúc ngu ngốc nghe lời quyến dụ ôm tiền đi làm... tôm khô để bị mất muốn sạch túi... Cứ sống chết với nghề thôi... Cho đến bao giờ khán giả hết thương...”.

“Nhưng đáng nhớ nhất lại là hai cuộc biểu diễn ở mặt trận. Một ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) năm 1984 và một ở mặt trận 479 (Seam Reap, Campuchia) năm 1986. Ở Vị Xuyên, 4g sáng, nhóm nghệ sĩ biểu diễn mặc đồ đen, ôm đàn thùng lên chốt diễn. Vân hát Bài ca không quên trong nỗi xúc động của hàng trăm khán giả bộ đội ngồi lặng im như tờ để nghe".

"Bất chợt lính Trung Quốc pháo kích dồn dập. Bọn Vân phải rút ngay và sau đó được biết là chúng đã nã pháo ngay vào nơi bọn Vân vừa đứng hát, một số chiến sĩ đã hi sinh. Ở Siem Reap cũng vậy, Vân hát Bài ca không quên trong tiếng pháo ầm ì từ xa dội về, đầy ấn tượng... Tận mắt chứng kiến cuộc sống vất vả và hiểm nguy cận kề cái chết của người lính ở mặt trận, bao giờ hát Bài ca không quên Vân cũng có trọn vẹn xúc động như những ngày ấy...”.

Bền bỉ trong nghề và trong tình

Bí quyết để giữ sức bền, hơn 30 năm vẫn còn hát tốt, biểu diễn tốt?

Triệu nói, với anh là phải luôn luôn làm mới mình. Không chỉ chơi trống, Triệu còn học guitar, piano, học hát. Ngày nay nhờ có Internet, chuyện học hành, luyện tập có dễ dàng hơn, các kỹ năng, chiêu trò mới đều được phổ cập nhanh.

Kỹ thuật thì như nhau, vấn đề quyết định là mỗi người phải có cái gì riêng. Cái gì riêng đó anh phải tự tìm tòi. Bộ trống Triệu đang chơi do anh tự chế, đặt hàng ở Mỹ thiết kế theo đúng ý riêng, đắt tiền hơn nhưng tạo tiếng trống riêng của mình.

Thấy trên mạng có cây kèn saxo mới chơi bằng điện, anh cũng đặt mua một cái, về mày mò tập. “Nghệ thuật luôn phải có gì mới, có mới mới tồn tại”, đó là bí quyết, theo Triệu.

Còn Vân? “Không có bí quyết gì hết. Vân thức khuya như cú, uống nước đá, ăn ớt... Nói chung không kiêng cữ gì hết. Nếu có, có thể là do miệt mài làm việc hằng đêm, văn ôn võ luyện”.

Thuận lợi nghề nghiệp lớn nhất của đôi vợ chồng này là hai người luôn có chỗ chơi nhạc của mình hằng đêm. Ban nhạc của họ đã chơi suốt 18 năm ở phòng trà Liberty (Đồng Khởi), rồi Maxim và vài nơi khác, trước khi về định cư ở Vân’s Unforgettable (46 Phạm Ngọc Thạch, Q.3).

Lao động rất cực, ngày nào cũng tập, cũng đàn, cũng hát trên 12 tiếng, đã giữ cho cả hai một độ bền bỉ đáng nể trong nghề và trong tình. Cũng như nhờ thường xuyên tiếp cận khán giả, họ luôn hiểu được khán giả đang cần gì... - Vân - Triệu đã chia sẻ như vậy.

Còn tôi thì nghĩ Vân - Triệu vẫn còn giữ được vị trí của mình trong giới biểu diễn là nhờ tình yêu. Nhờ tình yêu dành cho âm nhạc. Nhờ tình yêu họ dành cho nhau.

Nhờ tình yêu đó mà Vân - Triệu đã “mang cho đời tiếng hát trái tim...”, đã “hát tiếng hát yêu thương cho mọi người...” (*). Nhìn trong đôi mắt họ, tôi vẫn thấ ngời sáng tình yêu vợ chồng, đượm nồng như men rượu lâu năm.

Nghe Vân hát, với người chồng ngồi giữ nhịp sau lưng, những bài hát mà Vân “đã hát với quê hương, với bạn bè, với cả cuộc đời...”, những bài hát mà Vân “đã hát với em yêu, với đồng đội, với cả lòng mình...”. Những bài hát đó đã làm “tôi không thể nào quên” (**)...

Và với tôi, họ sẽ mãi là những ngôi sao không cô đơn.

Ảnh: Bảo Trọng

Live show Sol vàng: “Cẩm Vân - Khắc Triệu: hát mãi cho nhau” (đạo diễn Đinh Anh Dũng) sẽ diễn ra tại nhà hát Hòa Bình đêm 13-9-2014 (truyền hình trực tiếp trên kênh VTV9). 

Cẩm Vân sẽ hát 14 bài: Triệu đóa hoa hồng, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, Đêm thành phố đầy sao, Biển cạn, Phiến đá sầu, Thuở ấy có em, Trả nợ tình xa, Hãy để mưa rơi, Con yêu, Say tình, Chờ nhìn quê hương sáng chói, Xin cho tôi, Sóng về đâu, Ngôi sao cô đơn, Khát vọng và song ca với Khắc Triệu trong liên khúc Tình hờ - Cứ lừa dối đi.

__________

(*) Lời bài Ngôi sao cô đơn của nhạc sĩ Thanh Tùng.
(**) Lời Bài ca không quên của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn.

NGUYỄN THANH ĐỨC

Bình luận hay

Chia sẻ

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự

Tin cùng chuyên mục

Top 10 manga kinh điển thập niên 1990, One Piece không lọt nổi top 5

Cuộc khảo sát do Goo Ranking tổ chức mới đây đã hé lộ những tác phẩm manga được xem là hấp dẫn nhất của Shonen Jump trong thập niên 1990 với những cái tên cực kỳ quen thuộc với độc giả 8X, 9X như One Piece, City Hunter, Slam Dunk hay Dragon Ball.

Top 10 manga kinh điển thập niên 1990, One Piece không lọt nổi top 5

Phụ nữ vẽ phụ nữ: Chất liệu dịu dàng, thật thà và bản năng sâu thẳm

Quy tụ 69 tranh của chín nữ họa sĩ tài năng từ cả hai miền Nam - Bắc, triển lãm 'Phụ nữ vẽ phụ nữ' mang đến một không gian nghệ thuật đa chất liệu, đầy màu sắc và rung cảm khi những tâm hồn sáng tạo tự bạch về mình.

Phụ nữ vẽ phụ nữ: Chất liệu dịu dàng, thật thà và bản năng sâu thẳm

Cung rước xá lợi Đức Phật quanh hồ Hoàn Kiếm cầu chúc thiên hạ thái bình

Tối 13-5, hàng vạn người dân Hà Nội đã đứng hai bên đường để được chiêm bái xá lợi Đức Phật được cung rước đi qua các tuyến đường trung tâm quanh hồ Hoàn Kiếm.

Cung rước xá lợi Đức Phật quanh hồ Hoàn Kiếm cầu chúc thiên hạ thái bình

Xá lợi Phật về tới chùa Quán Sứ, biển người cờ hoa nghênh đón

Đúng 17h, xá lợi Đức Phật đã về đến chùa Quán Sứ (Hà Nội) trong sự nghênh đón long trọng của hàng ngàn người dân, phật tử xếp hàng phía trước chùa và các tuyến đường xung quanh.

Xá lợi Phật về tới chùa Quán Sứ, biển người cờ hoa nghênh đón

TP.HCM tiễn đoàn cung rước xá lợi Phật ra Hà Nội

Theo Phật Sự Online, chiều 13-5 xá lợi Phật được Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chư tăng Ấn Độ cung rước đã đến sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội.

TP.HCM tiễn đoàn cung rước xá lợi Phật ra Hà Nội

Tượng Bác Hồ đặt ở Làng Sen làm bằng đồng, nặng 6 tấn

Tượng đài 'Bác Hồ về thăm quê' được Bộ Công an trao tặng nhân dân tỉnh Nghệ An, nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2025).

Tượng Bác Hồ đặt ở Làng Sen làm bằng đồng, nặng 6 tấn
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar
Đăng ký bằng email
Khi bấm "Đăng ký" đồng thời bạn đã đồng ý với điều khoản của toà soạn Đăng ký
Đăng nhập
Thông tin bạn đọc Thông tin của bạn đọc sẽ được bảo mật an toàn và chỉ sử dụng trong trường hợp toà soạn cần thiết để liên lạc với bạn.
Gửi bình luận
Đóng
Hoàn thành
Đóng

Bình luận (0)
Tối đa: 1500 ký tự
Tất cả bình luận (0)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng, xin vui lòng viết bằng tiếng Việt có dấu.
Được quan tâm nhất
Mới nhất
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đâu tiên bình luận về bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Avatar